Người đã được tiêm ngừa vẫn gây lây lan biến thể Delta như người chưa được tiêm

29/10/2021 - 11:25

PNO - Theo một nghiên cứu mới, những người đã được tiêm ngừa COVID-19 vẫn có khả năng lây lan biến thể Delta của virus sang những người khác như những người chưa được tiêm ngừa, nếu nhiễm bệnh.

Trong một nghiên cứu được thực hiện trên 621 người bị nhiễm COVID-19 với triệu chứng nhẹ ở Anh trong 1 năm, các nhà khoa học đã phát hiện tải lượng virus cao nhất của những người này tương đương nhau, bất kể việc họ đã được tiêm ngừa hay chưa, theo một bài báo được công bố hôm 28/10 trên The Lancet - tạp chí y khoa tổng quát hàng đầu thế giới.

Theo một nghiên cứu mới ở Anh, người
Theo một nghiên cứu mới ở Anh, tải lượng virus ở người nhiễm COVID-19 nhẹ tương đương nhau, dù tiêm ngừa hay chưa

Nghiên cứu cũng cho thấy 25% những người đã được tiêm ngừa COVID-19 vẫn bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với một thành viên trong gia đình đã bị nhiễm, trong khi tỷ lệ này ở những người chưa được tiêm ngừa là 38%.

Theo nhận định của tờ Fortune, ở một góc độ nào đó, kết quả nghiên cứu nói trên giúp lý giải hiện tượng biến thể Delta có thể lây lan nhanh, ngay cả ở những quốc gia đã triển khai tiêm vắc xin thành công, và tại sao những người chưa được tiêm ngừa không thể cho rằng họ đã được bảo vệ (và không cần phải tiêm ngừa nữa) nếu những người khác đã tiêm ngừa.

Những người được tiêm ngừa khi bị nhiễm cũng có thể loại bỏ virus nhanh hơn và có các triệu chứng nhẹ hơn so với những người chưa tiêm ngừa.

“Phát hiện của chúng tôi cho thấy nếu chỉ tiêm vắc xin thôi thì chưa đủ để ngăn chặn việc bị nhiễm biến chủng Delta và lây truyền biến chủng này trong môi trường gia đình. Trên thực tế, những người đã được tiêm ngừa vẫn có thể lây nhiễm chéo cho nhau, vì vậy những chưa được tiêm chủng cần phải làm điều này để tự bảo vệ mình”, Ajit Lalvani - giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London, một thành viên đứng đầu nhóm nghiên cứu - cho biết.

Việc tiêm ngừa có thể làm giảm sự lây nhiễm trong gia đình của biến thể Alpha - được phát hiện lần đầu tiên ở Anh vào cuối năm 2020 - từ 40% đến 50% và những người được tiêm ngừa khi nhiễm biến thể này thường có tải lượng virus ở đường hô hấp trên thấp hơn những người chưa được tiêm ngừa. Tuy nhiên, điều này không xảy ra ở biến thể Delta - vốn đã “hoành hành” trên toàn cầu trong một thời gian dài.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khả năng tạo ra miễn dịch của những người đã được tiêm ngừa đầy đủ sẽ suy yếu sau ít nhất 3 tháng. Nhưng các tác giả cho biết thêm, hiện chưa có đủ dữ liệu để nói rằng việc tiêm tăng cường mũi thứ 3, cho những người lớn tuổi và dễ bị tổn thương sau khi tiêm mũi thứ 2 được 6 tháng, như một số nước đang thực hiện, là nên hay không nên.

Tại một cuộc họp báo hôm 28/10, Neil Ferguson - một nhà dịch tễ học tại Đại học Hoàng gia London và là điều tra viên của nghiên cứu - cho biết 6 tháng là khoảng thời gian được ấn định dựa trên những dữ liệu ban đầu từ Israel về hiệu quả của tiêm ngừa tăng cường, nhưng điều này chưa tạo ra đủ cơ sở để nói rằng việc tiêm tăng cường sớm hơn sẽ kém hiệu quả hơn.

Ông Lalvani cũng cho rằng việc tiêm ngừa tăng cường có thể giúp tăng miễn dịch và khả năng ngăn chặn virus, nhưng “cần có thêm dữ liệu để xác nhận điều này”.

Nhất Nguyên (theo Forbes, Fortune)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI