Đất rừng phương Nam và cây đại thụ của văn học Nam Bộ - nhà văn Đoàn Giỏi có lẽ mãi ở lại trong tâm trí của độc giả nhiều thế hệ với những câu chuyện và giá trị không bao giờ cũ.
Đến bây giờ, đạo diễn (ĐD) Vinh Sơn - người đã làm nên bộ phim truyền hình có giá trị vượt thời đại Đất phương Nam - vẫn nhớ rõ ngày ông đọc được tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Khi ấy ông đã xúc động và ấn tượng như thế nào. Rồi thời gian làm phim “cắm chốt” ròng rã trong rừng đước những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước.
“Bộ phim được khán giả đón nhận, nhưng vẫn luôn để lại trong lòng tôi một nỗi tiếc nuối. Đó là đã không thể tiếp tục câu chuyện của bé An khi cậu chỉ còn lại một mình. Tôi muốn xây dựng hình ảnh một cậu bé đã trải qua tuổi thơ nhiều mất mát và trưởng thành, đã làm chủ được cuộc đời trong bối cảnh cách mạng lúc bấy giờ. Vì nhiều lý do, bộ phim phải kết thúc sớm hơn dự định. Bao nhiêu năm nay, tôi vẫn mong Đất phương Nam có thể một ngày nào đó được tái hiện trên màn ảnh rộng, để có một kết thúc tròn vẹn”. Lời tâm tình của ĐD Vinh Sơn có lẽ cũng mở ra một mong đợi khác cho nhiều người, rằng không gian cũ, con người và những nhân vật cũ sẽ còn trở lại màn ảnh.
|
Bộ sách của nhà văn Đoàn Giỏi vừa được tái bản. |
“Khi vĩ tuyến 17 và sông Bến Hải chia nước ta thành hai miền Nam Bắc, tôi mới 14 tuổi. Lúc đó đọc Đất rừng phương Nam, lần đầu tiên tôi biết đến vùng đất mũi kỳ lạ, mưa nắng và những cánh rừng, những loại cây lạ; với những rắn, rùa, cá sấu, bọ cạp, những chú ong cho mật và những chú ong có thể đốt chết người… Tôi nhớ rõ cảm giác thuở ấy đọc từng trang sách mà say mê. Bị cuốn hút không thua kém gì những cuốn sách viết về những chuyến phiêu lưu, mạo hiểm của nước ngoài: Robinson phiêu lưu ký, Hai vạn dặm dưới đáy biển...” - nhà phê bình, ĐD Tô Hoàng nhớ lại.
Ông cũng là người từng được học khóa đào tạo người viết trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, có nhà văn Đoàn Giỏi làm trợ giảng. “Suốt sáu tháng, không một lần nào nhà văn Đoàn Giỏi bước lên bục giảng. Vẫn với căn phòng buông rèm, nghi ngút khói thuốc lá, ai yêu thầy, thích thầy thì ghé tới trò chuyện hoặc mang những trang viết cho thầy đọc để thầy nhận xét. Kinh nghiệm viết ông truyền đạt cho chúng tôi giản dị lắm: Hãy viết và chỉ nên viết những gì thật gần gũi, thật quen thuộc, đã biết, mới tạo ra được cảm xúc cho người đọc”.
Buổi tọa đàm về nhà văn Đoàn Giỏi diễn ra trong không gian ấm cúng, thân tình tại NXB Kim Đồng sáng 15/10 mở ra biết bao câu chuyện về “nhà văn viết những tác phẩm văn học mà như dư địa chí về miền Tây Nam Bộ”, theo cách nói của nhà văn Trần Quốc Toàn. Nhớ nhiều giai thoại nhất có lẽ là nhà văn Huỳnh Mẫn Chi - người từng sống cách gia đình nhà văn Đoàn Giỏi chỉ khoảng 1km.
“Hồi bé, anh tôi mang về cho một cuốn sách rách bìa, chẳng còn tựa lẫn tên tác giả. Tôi cứ đọc vì thích câu chuyện mà đâu biết là ai, mãi sau có dịp đọc nhiều tác phẩm khác của ông, tôi mới biết. Lúc đó bỗng thấy… tự hào. Tuổi thơ tôi cũng nghe nhiều giai thoại về ông. Người ta hay nói vui, ông uống rượu nhiều hơn làm thơ, và yêu ai là hết mực thủy chung, cũng giống như sự chung thủy trong tính cách, trong cái tình mà ông vẫn luôn dành cho đất quê hương” - nhà văn Huỳnh Mẫn Chi bùi ngùi.
Lâu nay, độc giả vẫn biết nhiều về tác phẩm Đất rừng phương Nam nhờ sự cộng hưởng lan tỏa của bộ phim. Lần này tái bản bộ sách gồm tám tựa khác, điều tâm huyết nhất của NXB Kim Đồng chính là muốn gửi đến hôm nay những tác phẩm khác có giá trị không kém của nhà văn Đoàn Giỏi: Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày, Trần Văn Ơn, Cá bống mú, Hoa hướng dương, Rừng đêm xào xạc, Chuyện lạ về cá, Tê giác trong ngàn xanh và Cuộc truy tầm kho vũ khí.
Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tiền Giang nói rằng, tuổi thơ anh lớn lên cũng thấm đẫm trang viết của “người đồng hương đáng kính” - nhà văn Đoàn Giỏi: “Hồi đó tôi đọc bao nhiêu tác phẩm của ông rồi mới biết nhà ông cách nhà mình chỉ tầm 5km. Vui lắm. Có lẽ tuổi thơ tôi đã được nuôi dưỡng bởi Cá bống mú, Tiếng gọi ngàn, Đất rừng phương Nam… Lúc đó giấy in còn xấu lắm, đen và lại còn lẫn rơm rạ bên trong. Lớn lên theo nghiệp văn chương có lẽ cũng vì lòng ngưỡng mộ nhà văn năm xưa của mình. Rất nhiều nhà văn ở Tiền Giang đã được ông trao truyền niềm cảm hứng và kinh nghiệm sáng tác”.
Nhà văn Trần Quốc Toàn nói thêm: “Khi ra Hà Nội, nhà văn Đoàn Giỏi ở nhà số 5 Cổ Tân, tôi ở phố Hàng Trống, cứ thế mà nhiều dịp qua lại nghe ông kể chuyện phương Nam. Nghe ông nói thôi là đã thấy một vùng đất rộng lớn, với những phương ngữ Nam bộ sinh động”.
Ký ức về cuộc đời của một con người không bao giờ là đủ, đôi khi chỉ là những điều quen thuộc giản dị mà cứ neo đậu mãi trong lòng người. Như hình ảnh những chiều “hai ông bạn văn - bạn nhậu” Đoàn Giỏi và Anh Đức ngồi “lai rai” bên bờ sông Tiền, như những lúc ông ngồi lặng lẽ viết, hay cả thói quen “lạ”: dẫn theo con khi đi… nhậu.
“Bác đã cho chúng tôi một không gian tuổi thơ đẹp đẽ trong những câu chuyện phiêu lưu, khám phá mảnh đất nơi mình sinh ra. Không biết có phải vì ảnh hưởng từ tình yêu thiên nhiên ấy hay không mà sau này lớn lên, tôi lại rất thích lưu lại những bức ảnh thiên nhiên, chụp những gì có thể sẽ bị mất đi” - ông Đoàn Nhân, cháu gọi nhà văn Đoàn Giỏi bằng bác chia sẻ.
Ngày 14/10, NXB Kim Đồng đã tổ chức chuyến về thăm và trao tặng tủ sách cho Trường THCS Đoàn Giỏi (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Quà tặng gồm 2.000 đầu sách, với 400 tựa thuộc các thể loại sách văn học, sách kỹ năng, sách tranh truyện, sách khoa học… Trong đó có năm bộ sách của nhà văn Đoàn Giỏi. Đoàn cũng ghé thăm gia đình và thắp hương tưởng niệm nhà văn.
Tiểu Quyên