Người cho tôi biết tin Phượng về là lớp trưởng, cú điện thoại giữa giờ làm việc: “Tiện thể Phượng về chơi, tụi mình họp lớp luôn nha”. Khẩu khí vẫn là lớp trưởng của ngày nào, người luôn biết cách kết hợp khéo léo sự này với việc kia để ra kết quả hoàn hảo nhất có thể. Sự kết hợp lần này là để tôi có còn giận Phượng thì cũng nên có mặt, vì họp lớp mà.
Mình còn giận Phượng không? Tôi tự hỏi và nhận ra thời gian đã làm trọn nhiệm vụ của nó, cơn giận sôi sục ngày nào chỉ còn là nỗi tò mò muốn biết Phượng bây giờ ra sao, có hạnh phúc không?
Từng có lúc tôi tức tối mong muốn Phượng thật bất hạnh để phải quay trở về trong nỗi ê chề. Cho tới khi lấy chồng, nếm trải mùi vị hôn nhân, tôi mới nhận ra mong muốn đó quá độc ác, tôi xin lỗi chính mình bằng cách lặp lại câu nói của má: “Vợ chồng là duyên số”. Anh đáp lời tôi bằng một tiếng: “Ừ”.
Anh hai vốn ít nói, việc Phượng bất ngờ trả lễ hỏi để đi theo ông Việt kiều khiến anh càng ít nói hơn. Điều đó góp phần khiến cả họ nhà tôi phẫn nộ giùm cả phần anh. Nỗi đau khổ anh càng nén xuống thì mọi người càng bùng ra. Quãng thời gian đó thật kinh khủng.
Có nên báo cho anh biết Phượng về?
Anh đã có vợ và cả nhà tôi ai cũng công nhận chị dâu đem đến bình yên không những cho anh mà cho tất cả, đến nỗi má thường nói “ông trời bù đắp cho người hiền”. Thôi, quá khứ ngủ yên rồi. Một mình tôi đi họp lớp là đủ.
*
Gặp lại nhau giữa rộn ràng bắt tay hỏi han kể lể, không chỉ Phượng mà cả lớp cũng lâu rồi mới có dịp gặp gỡ hàn huyên, không khí vừa cảm động vừa vui nhộn, khá dễ dàng cho những điều mà nếu gặp lại nhau ở nơi khác hẳn là khó thành lời.
Phượng bắt tay tôi mà như nắm tay.
“Mày vẫn dễ thương như dạo nào”, Phượng nói.
Là Phượng khen tôi đang có con nhỏ còn bú mẹ mà giữ được vóc dáng hay vì tôi vẫn để yên tay mình trong tay Phượng?
“Một mình hay kéo luôn chồng con về?” - Tôi hỏi.
“Một mình thôi” - Phượng nhún vai cười: “Đang cãi nhau, tao lấy cớ đó bay về đây, chứ bình thường thì khó mà đi đâu được”.
Nghe như chồng ghen tuông lắm? Yêu nhiều nên mới ghen. Có phải Phượng đang khoe mình hạnh phúc?
|
Ảnh minh họa |
Tôi rút tay mình khỏi tay Phượng để cầm ly rượu lên và Phượng cũng lấp khoảng trống bằng cách nâng ly.
“Làm gì bên đó mà khó đi đâu được?”, tôi hỏi. Phượng hít một hơi dài: “Làm bà chủ quán phở. Bên đó không được mở quán tại nhà, khu dân cư riêng biệt với quán xá nên tao chạy đi chạy lại giữa nhà với quán cũng đủ hết ngày. Làm hàng ăn vướng víu lắm, phải bám quán suốt. Ngày nghỉ, thiên hạ đi chơi thì mình càng làm nhiều hơn. Nhiều khi không biết là mình đang làm gì đời mình nữa. Cãi nhau cũng vì tao đòi chuyển nghề khác mà ông xã thì muốn mở thêm một quán phở nữa. Nói là thuê người nhưng mà sao mình thoát khỏi lo toan được. Có tiền mà cực lắm”.
Có phải Phượng đang chờ đợi khuôn mặt tôi hiện ra nỗi thỏa mãn khi nghe Phượng vất vả? Hay là Phượng hài lòng với cuộc sống lắm nhưng nói dối để thử lòng tôi có nhỏ nhen? Tôi nhớ lại nỗi mong muốn tức giận của mình… Không, thật ra là tôi đã tự trách mình rồi mà.
“Định ở chơi lâu không?”, tôi hỏi. “Tao lấy vé rồi, 12g trưa mai bay. Đàn ông xài chiêu cho con cái gọi điện thoại nhớ mẹ quá là mình phải chịu thua thôi. Tao về mấy ngày mà hai đứa nhỏ gọi hơn ngàn cuộc rồi”, Phượng cười. Tôi cũng cười.
“Từ đây tới trưa mai còn cuộc nào nữa không?”, tôi hỏi. Thật lòng là ngay khi đó tôi không nghĩ tới anh mình, chỉ là khi người ta từ xa về thì luôn tranh thủ thời gian để gặp được nhiều người nhất.
Giơ cao ly rượu như nhờ nó che mặt, giọng Phượng nửa đùa nửa thật: “Một cuộc gặp gỡ mà tao phải xin phép mày trước”. “Anh tao đang bình yên lắm”, tôi buột miệng.
“Tao không nên là kẻ quấy rầy hả?”, Phượng vẫn giọng nửa đùa nửa thật. “Mày biết bình yên là khó khăn thế nào mà”, tôi tuôn ra gay gắt. “Vậy thì thôi!”, Phượng nói và quay người mỉm cười với lớp trưởng đang nhào tới: “Ê, hai người đẹp cụng ly cái coi.”
Lớp trưởng xuất hiện thật đúng lúc, nếu không thì chắc cơn giận ngày xưa trong tôi đã trỗi dậy, tại Phượng thôi…
*
Bất ngờ là má tôi cũng biết Phượng về. Lệnh của má là tôi phải có mặt ở sân bay. Má muốn tôi tận mắt nhìn Phượng xách va-li lên máy bay để má được yên tâm là vết thương lòng của con trai mình đã vĩnh viễn thành sẹo.
|
Ảnh minh họa |
Và tôi thấy anh tôi. Anh đang đứng ở một góc xa xa nhìn Phượng cùng cha mẹ, chị em xúm xít tiễn đưa.
Tôi rơi vào nỗi bối rối. Tôi không biết tâm trạng mình ra sao nữa. Tôi ước gì anh tôi không ở đây, tôi ước gì Phượng ngoảnh lại và nhìn thấy anh, tôi ước gì hôm qua tôi đừng gay gắt. Ôi, tôi đã không nhận ra khi Phượng nói đã mua vé máy bay nghĩa là…
Cuộc tình đứt đoạn bất ngờ nên lời cuối còn lơ lửng. Xin lỗi, tha thứ và chúc nhau hạnh phúc, nghe thật kinh điển và khách sáo. Hoàn toàn không cần thiết với những kẻ ngoài cuộc, như tôi chẳng hạn. Nhưng người trong cuộc hẳn mong được nói ra và lắng nghe, để nhẹ lòng cho cả đôi bên, có phải?
Tôi đã lầm lẫn kinh khủng khi tự cho mình quyền quyết định chuyện của anh. Khựng một hồi thì tôi đi tới chỗ anh. Hai anh em nhìn nhau. Mặt anh ửng đỏ và tôi cũng đỏ mặt: “Em xin lỗi. Hôm qua Phượng có nói muốn gặp anh...”.
“Không sao”, anh đáp ngắn, đúng như tính ít nói mà tôi quá hiểu.
Và tôi chỉ biết lặp lại lời xin lỗi thêm lần nữa.
Nguyên Hương