Người có nhà ở nhưng diện tích thấp hơn 15m2/người vẫn được mua nhà ở xã hội

13/08/2024 - 18:08

PNO - Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), quy định các chính sách pháp luật mới đã gỡ khó cho cả doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở xã hội và tạo điều kiện cho người có nhu cầu tiếp cận loại hình nhà ở này.

Luật Nhà ở 2023 đã đưa ra các quy định cụ thể hơn về việc bố trí đất để phát triển nhà ở xã hội, khắc phục thực trạng thiếu quỹ đất để phát triển phân khúc này trong thời gian qua. Bổ sung quy định yêu cầu UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.

Quy định về thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng được rút gọn đáng kể, giúp nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chỉ phí thực hiện dự án. Chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Về điều kiện đối với người có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nghị định mới bỏ điều kiện về hộ gia đình phải có hộ khẩu hay đăng ký tạm trú khi đăng ký thuê, mua nhà ở xã hội tại các địa phương. Trường hợp đã có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người thấp hơn 15 m2 sàn/người (tăng 5 m2 sàn/người so với quy định trước đó) thì người dân vẫn được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.

Một dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân thuê ở TP Thủ Đức đang xây dựng
Một dự án nhà ở xã hội ở TP Thủ Đức đang hoàn thiện.

Về thu nhập để hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở cũng được “nới lỏng". Người lao động có thu nhập không quá 15 triệu đồng sẽ được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, thay vì tối đa 11 triệu đồng như quy định trước đó.

Các chuyên gia của VARS cho rằng, các quy định hiện nay là “thấu tình đạt lý”, phù hợp với kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, nhất là người dân có thu nhập trung bình. “Bản chất, để mua nhà ở xã hội, người dân cũng cần có tích lũy nhất định. Nếu người dân có thu nhập quá thấp, hộ nghèo, cận nghèo, dưới mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân, có nghĩa, những người này không đủ tiền để trang trải cuộc sống, không tích lũy đủ tiền để mua nhà ở xã hội. Do đó, nhà ở xã hội cũng cần hướng đến cả những đối tượng có mức thu nhập trung bình nhưng không tiếp cận được với nhà ở thương mại - đang có giá bán ngày càng cao” – các chuyên gia VARS phân tích.

Theo dữ liệu nghiên cứu của VARS, trung bình mỗi năm, Hà Nội và TPHCM thiếu trên 50 nghìn đơn vị nhà ở. Dù ngay cả khi kế hoạch phát triển của 2 thành phố này được thực thi tối đa, thì nguồn cung nhà ở xã hội này vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về nhà ở của 2 thành phố này.

Chính sách pháp luật mới này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội, phần nào giải quyết thực trạng "vừa thiếu vừa ế" của phân khúc nhà ở xã hội như thời gian vừa qua, nhất là tại các tỉnh, thành phát triển gắn liền với khu công nghiệp, có lượng lao động nhập cư lớn.

Tuy nhiên, để phát triển mạnh mẽ phân khúc nhà ở xã hội, VARS cho rằng, ngoài việc sớm thông qua gói tín dụng 140 nghìn tỉ đồng (có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân khác cũng đăng ký tham gia với 5.000 tỉ đồng/ngân hàng) đã điều chỉnh theo hướng thực sự ưu đãi hơn. Cơ quan quản lý Nhà nước cần giám sát chặt chẽ, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thi hành các quy định mới.

Thúc đẩy hoàn thiện các dự án nhà ở xã hội đã khởi công tại các thành phố có nhu cầu về nhà ở lớn như Hà Nội, TPHCM. Đồng thời, cần phải có thêm chính sách theo hướng ưu đãi cho các nhà đầu tư phát triển loại hình nhà ở thương mại giá bình dân.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI