Người "có duyên" với Hội

17/08/2016 - 15:12

PNO - Những ngày này, dì Nguyễn Thị Hóa phải vào bệnh viện luôn vì đau tủy, phải vô nước biển thường xuyên. Chân của dì cũng vừa bị rạn xương, đi cà nhắc, nhưng việc Hội thì dì không bỏ.

Làm Chủ nhiệm HTX TM-DV Tân Phước Hưng kiêm Chi hội trưởng phụ nữ (PN) chợ Tân Phước (P.9, Q.Tân Bình), cứ từ bệnh viện về, dì lại ra chợ Tân Phước nắm tâm tư, vận động tiểu thương giữ vệ sinh, chấp hành nội quy chợ. Dì vẫn say sưa và cười rổn rảng khi nói về công tác Hội PN.

Nguoi
Dì Nguyễn Thị Hoá bên các cháu nội ngoại

Ngay từ năm đầu sau giải phóng, dì Hóa đã tham gia hoạt động Hội, làm chi hội trưởng PN ấp Tân Phước (nay là KP.5, P.9, Q.Tân Bình). Thời đó, dì còn trẻ (24 tuổi) nên sinh hoạt rất hăng hái. Các dì trong ban chấp hành Hội PN phường cũng như chi hội đều lớn tuổi, nên mỗi sáng Chủ nhật, dì gửi con cho mẹ trông, rồi dẫn đầu đội lao động của phường gồm 21 chị (mỗi khu phố cử ba người), mang theo cuốc, cặp lồng cơm, đạp xe xuống nông trường Lê Minh Xuân, H.Bình Chánh) vỡ đất. Cực mà vui! Tinh thần lạc quan phơi phới. Để có kinh phí hoạt động, bà Bảy Nghê, Chủ tịch Hội PN phường, nghĩ ra kế nuôi heo. Thế là ngày nào, dì Hóa cũng đi đẩy một xe ba gác cám về nuôi heo, trên xe là các bao cám và cô con gái rượu. Con gái được đẩy trên xe cám rất khoái, còn mẹ thì vã mồ hôi đầm đìa, nhưng thấy vui nhiều hơn mệt.

Dì Hóa nhớ lại: “Hồi đó, Hội PN phụ trách phân phối lương thực, nhu yếu phẩm nên rất có uy tín với chị em. Mỗi lần có “hàng” về, cán bộ Hội đi đến từng hộ thông báo ngày giờ, địa điểm nhận gạo, bo bo, mì sợi, bánh mì, dầu lửa... là bà con phấn khởi, chộn rộn. Do đó, vận động chị em vào Hội rất dễ”.

Khi còn làm chi hội trưởng khu 7, P.24 (sau này đổi thành KP.5, P.9), dì Hóa tổ chức sinh hoạt Hội theo cụm tổ. Có 14 tổ, đa số là người Hoa, dì Hóa gom ba - bốn tổ gần nhau thành cụm, mượn nhà dân có diện tích lớn làm điểm sinh hoạt. Dì Hóa nói bằng tiếng Việt, một cô nói lại bằng tiếng Hoa. Dì Hóa chủ trương: buổi sinh hoạt phải làm cho chị em thích thú, nên dì chuẩn bị trà đá mời chị em uống (thời đó, có trà đá uống đã là sang); trong buổi sinh hoạt, dì chỉ điểm qua nội dung chính trong văn bản, thời gian còn lại dành để chị em tâm tình, ai có khó khăn gì, nguyện vọng gì thì nêu lên. Sau buổi sinh hoạt, dì đến nhà các hội viên có khó khăn, khảo sát, lập danh sách đề nghị Hội PN phường giúp đỡ. Bởi vậy, chị em thấy buổi sinh hoạt có ý nghĩa, nên ít khi vắng mặt.

Từ năm 2010 đến nay, dì Hóa chuyển hẳn qua làm Chi hội trưởng PN chợ Tân Phước. Vốn là người mau lẹ, hoạt bát, nên dì Hóa nhanh chóng chiếm được cảm tình của chị em tiểu thương. Nhưng điều khiến tiểu thương mến dì nhất là bởi dì luôn đồng hành cùng chị em, đấu tranh cho quyền lợi chị em. Có một số chỉ tiêu áp không đúng, dì gạt liền, không để chị em chịu thiệt. Chẳng hạn với lời đề nghị bán thực phẩm bình ổn giá nhưng lại cao hơn giá bán lẻ ở chợ và không cho gối đầu, dì liền nói “không” ngay. Dì là người biết lắng nghe, nên chị em có “hỉ nộ ái ố” gì cũng đều không ngại tìm dì tâm sự. Nhờ đó, dì nắm được tâm tư tiểu thương và đề xuất lên cấp trên những chính sách phù hợp.

Những năm 2000, nhà đất sốt giá, dì Hóa cùng bạn bè hùn hạp tiền, mua nhà nát tân trang, bán lại, nhờ đó mà có vốn, mở được nhà thuốc. Mỗi đợt lễ tết, bên cạnh việc vận động tiểu thương, bản thân dì cũng ủng hộ 5-10 phần quà cho hộ nghèo (gạo, đường, bột ngọt, muối), ủng hộ thuốc cho các đợt khám bệnh từ thiện.

Quay về chuyện gia đình, dì cho biết, dì có ba con (hai gái, một trai) và ba cháu nội ngoại. Các con dì đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Con gái út của dì hiện là cán bộ hộ tịch của phường, nên nhà dì là nơi bà con người Hoa hay ghé hỏi các thủ tục pháp lý.

Dì Hóa nói vui rằng, mình có duyên với Hội, bởi dì sinh ngày Tám tháng Ba, trùng với ngày Quốc tế PN, nên đương nhiên phải hoạt động trong tổ chức của PN. Điều mà dì còn băn khoăn ở tổ chức hội là: “Bà con mình vẫn còn khó khăn lắm, do đó, Hội không nên đặt ra nhiều khoản vận động và áp chỉ tiêu vận động xuống cơ sở, nhất là với những khoản thiếu thuyết phục. Hay như các cuộc sinh hoạt, hội thi diễn ra vào buổi sáng là rất kẹt cho chị em tiểu thương, bởi chị em chủ yếu bán được hàng vào buổi sáng. Vì vậy, Hội cần sát thực tiễn hơn, để có những hoạt động ngày càng phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau”.

Bà Nguyễn Thị Hóa (sinh năm 1952)

- Thời gian công tác Hội: 38 năm.

- Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng PN” năm 1995.

- Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” năm 2005 của UBMTTQ Việt Nam.

- Bằng khen của UBMTTQ Thành phố “Đã tích cực tham các chương trình hành động do MTTQ Việt Nam phát động năm 2004”.

- Danh hiệu “CB Hội giỏi” 5 năm liền (năm 2010) của Quận Hội.

- Nhiều Bằng khen, giấy khen của UBND Thành phố, Sở Thương mại, UBND Quận, Hội LHPN Quận, UBMTTQ Quận, Phường.

Ngọc Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI