Người có biểu hiện tâm thần cũng bị xem xét hành vi gây rối?

14/03/2018 - 10:56

PNO - Với những biểu hiện không bình thường, bà K. đã được chính quyền xã và Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện kiến nghị cho đi trưng cầu giám định pháp y tâm thần, nhưng công an huyện lại xử lý vụ việc theo hướng khác.

Những kiến nghị không được xem xét 

Năm 2006, bà N.T.K. (ngụ tại xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) và ông T.V.D. (ngụ cùng xã) chung sống như vợ chồng. Do hôn nhân không hạnh phúc, tháng 9/2014, bà K. gửi đơn xin hủy hôn nhân trái pháp luật và Tòa án nhân dân huyện Củ Chi đã ra quyết định không công nhận ông D. và bà K. là vợ chồng, đồng thời giao quyền nuôi dưỡng đứa con chung (sinh năm 2013) cho bà K. và ông D. có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi tháng 1 triệu đồng.

Nguoi co bieu hien tam than cung bi xem xet hanh vi gay roi?
Bà K. vẫn luôn bức xúc việc công an không giải quyết thấu tình đạt lý các tố cáo của mình

Ông D. không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nên bà K. đã gửi đơn yêu cầu thi hành án, nhưng ông D. né tránh. Do bị bệnh tim và bị động kinh, đang phải điều trị ngoại trú nên bà K. rất cần số tiền cấp dưỡng từ ông D.

Tháng 6/2017, bà K. đến nhà đề nghị đưa tiền cấp dưỡng thì bị ông D. đánh. Từ đó tâm thần của bà K. trở nên bất ổn, không còn đủ sức khỏe để lao động, nuôi con. Bà K. đã khiếu nại việc bị chồng đánh, nhưng chính quyền không can thiệp. Do quá bức xúc nên bà K. đã có những hành vi quậy phá ở trụ sở UBND và Công an xã Tân An Hội.  

Ông Phạm Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Tân An Hội - cho biết, từ đầu tháng 6/2017, bà K. đã đến công an xã tố cáo hành vi của ông D. Xác định đây là một vụ tranh chấp cấp dưỡng nuôi con, công an xã đã ghi nhận ý kiến từ hai phía. Ông D. không thừa nhận việc hành hung, chỉ thừa nhận có tát bà K. hai bạt tai. Công an xã cũng trực tiếp xuống địa bàn để ghi nhận sự việc nhưng không có ai chứng kiến. Bà K. không xuất trình được giấy tờ chứng minh bị bạo hành mà chỉ có giấy ra viện vì bị viêm dạ dày và sổ khám bệnh động kinh.

Do vậy, công an xã chỉ có thể hòa giải và chuyển hồ sơ về Công an huyện Củ Chi. Bà K. không chấp nhận cách giải quyết đó nên đã khiếu kiện UBND xã và công an xã, đồng thời có những hành vi gây rối như thoát y, bôi bẩn, đập phá tài sản ở hai cơ quan này.

Ngoài những hành vi trên, bà K. cũng nhiều lần đến Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi cãi vã, xô xát. Cho rằng, cần giám định sức khỏe tâm thần với bà K. để có hướng xử lý phù hợp nên vào đầu năm 2018, Hội LHPN huyện Củ Chi đã đề xuất lên UBND huyện việc giám định này.

Trước đó, vào tháng 9/2017, UBND xã Tân An Hội cũng đã hỗ trợ kinh phí để mẹ ruột bà K. đưa bà đi khám sức khỏe tâm thần. Ngày 29/9/2017, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM kết luận, bà K. bị động kinh toàn thể có biến đổi nhân cách (G40-ICD10), cần được theo dõi, điều trị, quản lý tại cơ sở y tế. 

Ông Bình nói: “Vào tháng 10/2017, chúng tôi đã kiến nghị công an huyện cho trưng cầu giám định pháp y tâm thần với bà K., nhưng đến nay vẫn chưa được công an huyện xem xét”.

Chệch hướng trong xử lý vụ việc 

Thế nhưng, phía Công an huyện Củ Chi lại cho thanh tra toàn bộ nội dung tố cáo của bà K. và ra thông báo kết quả giải quyết tố cáo (ký ngày 6/2/2018) với nội dung: Công an xã Tân An Hội đã chậm trễ trong giải quyết khiếu nại của bà K.; việc xác minh của công an viên ở xã chưa đến nơi đến chốn, không lấy lời khai của người làm chứng là cha của ông D. công an huyện đã chỉ đạo công an xã xử phạt hành chính ông D, tổ chức kiểm điểm trưởng công an xã theo quy định của ngành; đồng thời yêu cầu công an xã củng cố hồ sơ về hành vi gây rối trật tự nơi công cộng của bà K. để xử lý theo quy định pháp luật.

Luật sư Đoàn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, lẽ ra khi xác minh những tố cáo của bà K., Công an huyện Củ Chi phải lưu ý những hành vi bất thường của bà để ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bà K. Trường hợp bà K. không đồng ý, công an huyện có thể cưỡng chế giám định. Nếu bà K. bị bệnh tâm thần, công an phải chuyển hồ sơ này qua Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân huyện để các cơ quan này ra quyết định đưa bà K. đi chữa bệnh bắt buộc theo quy định tại điều 49 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Trong trường hợp này, việc củng cố hồ sơ về hành vi “gây mất an ninh trật tự, đập phá tài sản” của bà K. như kết luận thanh tra của Công an huyện Củ Chi là không cần thiết, do bà K. được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 21 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong trường hợp bà K. không có bệnh tâm thần tại thời điểm thực hiện hành vi, thì công an xã cần thẩm định giá trị những tài sản mà bà K. đập phá, gây hư hỏng; xem xét tính chất, mức độ vi phạm để ra quyết định xử lý vi phạm hành chính hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự của bà (nếu đủ căn cứ). 

Pháp luật quy định, khi phát hiện người có hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và xã hội, công dân phải lên tiếng tố giác, cảnh báo; những thông tin tố giác, cảnh báo này phải lập tức được các cơ quan có trách nhiệm ghi nhận và can thiệp. Không hiểu sao, kiến nghị trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bà K. của UBND xã Tân An Hội, của Hội LHPN huyện Củ Chi lại không được công an huyện này lưu ý. 

Thử hỏi, nếu thật sự bà K. bị tâm thần mà không được chữa trị, bà có khả năng gây nguy hại cho chính bản thân mình, thậm chí cho người khác và cộng đồng xã hội thì phần trách nhiệm này sẽ thuộc về ai? 

Luật sư Đoàn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đại Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI