Người chuyên kể chuyện buồn để mang lại niềm vui

28/06/2020 - 13:07

PNO - Chạm đến người nghe không chỉ bằng giọng đọc, mà còn vì những câu chuyện được kể, như thể đang chạm thấy. Mỗi năm, nhà báo Trương Thị Hồng Thúy cùng ê-kíp có gần 200 chuyến thực tế đến mọi miền Tổ quốc, bươn theo những lá thư, những cuộc gọi của người nghèo khắp nơi để rồi sau đó biến giấc mơ của họ trở thành hiện thực.

 

102 cá nhân được biểu dương trong đại hội Thi đua yêu nước TPHCM là 102 câu chuyện đầy màu sắc. Có những thành danh, được nhiều người ngưỡng mộ nhưng có nhiều lặng lẽ giúp ích cho đời một cách vô tư, cũng có những người sẵn sàng lao vào hiểm nguy mà quên mạng sống… Kết quả họ đạt được chỉ tóm tắt vài dòng trong bảng thành tích cá nhân nhưng công việc họ làm trong suốt 5 năm qua thì kể hoài không hết.

28/6/2020 là tròn 9 năm chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt - Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM ra đời và đồng hành cùng thính giả. Nhắc đến chương trình này, không thể không nhắc đến nhà báo Trương Thị Hồng Thúy. Chị vừa là biên tập, vừa đi khảo sát, đồng thời dẫn chương trình trên làn sóng phát thanh. Qua làn sóng, những hoàn cảnh khó khăn, cùng cực đã được chuyển tải đến thính giả chân thực, đầy cảm xúc.     

Nhà báo Trương Thị Hồng Thúy trong các chuyến tác nghiệp, thu thập thông tin để giúp đỡ người dân
Nhà báo Trương Thị Hồng Thúy trong các chuyến tác nghiệp, thu thập thông tin để giúp đỡ người dân

Thúy kể, khi được chọn là “người kể chuyện”, “ngọn núi” khắc nghiệt nhất chính là giọng đọc. Chất giọng trọ trẹ của chị những ngày đầu lên sóng, có thính giả đã gọi điện đến đài, gay gắt nếu còn nghe sẽ… chuyển kênh. Chị nhớ lại: “Tôi nghe vậy, đã khóc nức nở, cảm giác như không còn một chỗ bấu víu. Nhưng rồi trong giây phút sợ hãi không được làm chương trình, tôi đã nghĩ không gì là không thể”. Nỗ lực tập luyện đêm ngày để giờ đây, hàng ngàn thính giả nghe đài đã được chị chinh phục.

Chạm đến người nghe không chỉ bằng giọng đọc, mà còn vì những câu chuyện được kể, như thể đang chạm thấy. Mỗi năm, Thúy cùng ê-kíp có gần 200 chuyến thực tế đến mọi miền Tổ quốc, bươn theo những lá thư, những cuộc gọi của người nghèo khắp nơi để rồi sau đó biến giấc mơ của họ trở thành hiện thực. Đó là hàng ngàn người nghèo trên cả nước, bị bệnh đục thủy tinh thể và cườm mắt nhưng không tiền chữa trị. Nhiều người, đành phải chịu sống mù lòa. Miệt mài tìm hiểu nỗi khổ đau và mơ ước của từng người, sau đó, Thúy chủ động liên hệ các đơn vị giúp đỡ, song song, thực hiện chương trình kêu gọi mổ mắt cho các bệnh nhân nghèo.

Trong hành trang làm nghề, không kể hết những câu chuyện đẹp đã được viết từ Thúy - người kể chuyện qua sóng phát thanh. Chị nhớ, ở tỉnh Quảng Trị có dòng Đắkrông vốn bình yên là thế, nhưng mùa lũ dòng nước lại trở nên dữ tợn, lấy đi mạng sống của người chồng, người cha, người mẹ, người ông của không biết bao nhiêu gia đình. Một cây cầu bắc qua sông trở thành giấc mơ hơn 40 năm qua của hơn 1.000 người dân sống trên núi, để mưa lũ về không bị chia cắt với thế giới bên ngoài, không còn phải mạo hiểm mò mẫm qua sông.

Nhà báo Trương Thị Hồng Thúy trong các chuyến tác nghiệp,  thu thập thông tin để giúp đỡ người dân
Nhà báo Trương Thị Hồng Thúy trong các chuyến tác nghiệp, thu thập thông tin để giúp đỡ người dân

Thúy kể, khi biết được thông tin này, từ TPHCM, chị đã tức tốc về địa phương, trở lại thêm nhiều lần để thực tế nhọc nhằn của người dân. “Tôi đã ngồi trên chiếc đò nhỏ vượt qua dòng sông dữ, sau đó đi bộ thêm hơn 10km sâu trong núi, gặp người dân, phỏng vấn và tìm hiểu để từ đó có thể chuyển tải một cách chân thực nhất đến thính giả về ước mơ một cây cầu ở nơi vùng núi xa xôi này” - chị hồi tưởng. Và, ước mơ ấy đã trở thành sự thật, tháng 9/2018, cây cầu Chân Rò được khánh thành, với kinh phí 3,5 tỷ đồng.

Cũng bằng tấm lòng và nhiệt huyết ấy, chị lặn lội lên huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - với độ cao 1.700m so với mặt nước biển. Nơi đó, quanh năm bao phủ bởi sương mù, chìm đắm trong mùa đông đằng đẵng. Có nhiều khi, nhiệt độ xuống 0oC. Trong lớp học, học trò không thấy chữ trên bảng, tay chân tê cóng do ngôi trường không được làm bằng bê tông lợp ngói, mà được dựng nên bởi những thanh gỗ, tấm bạt, gió luồn thốc trước sau. Những ngày giá buốt, nhiều em đã ngất xỉu. “Vậy nhưng, chưa em nào từ bỏ ước mơ được đến trường…” - Thúy nói. Cũng bởi câu nói này đã thúc giục chị đi khảo sát, rồi thông qua chương trình, kêu gọi để ngày 28/2/2019, Trường tiểu học Na Ngoi khang trang được khánh thành. Ai nấy vỡ òa trong hạnh phúc.

Hay câu chuyện của năm 2017, năm mà những ký ức kinh hoàng về trận lũ quét trên vùng núi Tây Bắc sẽ mãi còn ám ảnh những người dân nơi dây. Khi ấy, trận lũ quét đi qua, chị Thúy thấy quá đau lòng và tìm cách nhanh nhất về địa phương, khảo sát những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất. Bất chấp hiểm nguy luôn rình rập khi chị phải đi bộ trên những con đường lầy lội, một bên là núi sạt, bên kia là vực thẳm, để đến tận từng gia đình phỏng vấn, ghi nhận, thu thập tư liệu về thực hiện chương trình. Chỉ sau 3 ngày phát sóng, gần 800 triệu đồng và hơn 1.000 phần quà đã được gửi về đài. Chị lại tức tốc cùng ê-kíp lên đường, trao tận tay cho hàng ngàn người dân. Sau đó không lâu, cơn bão số 12 ập đến với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, chị lại lên đường…

Có con nhỏ, chồng là bộ đội, gia đình nội ngoại lại ở xa, cuộc sống riêng tư gặp nhiều khó khăn khi vừa làm vợ vừa làm mẹ mà mỗi năm phải đi gần 200 chuyến xa nhà nhưng chị Thúy chưa bao giờ xem đó là rào cản những bước chân của mình. Hành trang ấy dẫu có để lại bao vết thương do những lần té đau, núi non hiểm trở, do đêm khuya trơn trượt, chị vẫn xem như một lẽ bình thường, không đáng trước những diệu kỳ viết nên trong cuộc sống.

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI