Người chuyên “gỡ” bạo hành gia đình

30/07/2016 - 11:07

PNO - Sống cùng chị em qua bao nhiêu chiến dịch, phong trào, chuyện bạo lực gia đình khiến chị Mai băn khoăn, trăn trở nhất.

Là vợ một thương binh, đầu tắt, mặt tối với gánh hủ tiếu cùng tiệm tạp hóa nhỏ trước nhà, từ thuở chưa tách quận, với các vị trí Tổ trưởng Tổ Phụ nữ (PN) ấp 3, xã Tân Thuận Đông, H.Nhà Bè; Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Phú, cho đến Chi hội trưởng Chi hội PN KP.3, P.Tân Phú, Q.7 như hiện nay, chị Danh Ngọc Mai vẫn chưa ngày nào rời xa hoạt động Hội.

Nguoi chuyen “go” bao hanh gia dinh
Chị Danh Ngọc Mai

Sống cùng chị em qua bao nhiêu chiến dịch, phong trào, chuyện bạo lực gia đình khiến chị Mai băn khoăn, trăn trở nhất. Không biết đi xe máy, lại có thời không mua nổi chiếc xe đạp, mỗi lần nghe báo ở trong phường có chị em nào bị bạo hành, chị Mai lại tức tốc... chạy bộ đến. Việc gọi một cuốc xe ôm chỉ được chị cân nhắc khi tình thế cấp bách mà đường lại quá xa. Làm công tác PN, nhưng đối tượng chị can thiệp, “giải cứu” khỏi những cuộc bạo hành lắm khi lại là đàn ông.

Trong khu phố, có anh chồng hễ đi nhậu về là bị vợ... đánh. Cô vợ dùng chổi, dùng ghế, có khi tay không xông vào, anh chồng đứng chịu trận, không một lời kêu la. Mỗi lần bước vào giữa cuộc chiến lạ đời đó, cô vợ lại... sà vào, ôm lấy chị, òa khóc. Nhân lúc cô vợ mở lòng thở than, chị lại lựa lời khuyên giải, phân tích cho cả vợ, cả chồng những sai trái và hậu quả của sự bất hòa lên con cái, gia đình. “Vậy đó, nhiều khi chỉ là vài lời nói, hay thậm chí chỉ là sự có mặt như một bên thứ ba thôi, nhưng cả người bạo hành lẫn bị bạo hành đều bình tĩnh nhìn lại bản thân” – chị nói.

Có lần, khi còn là Chủ tịch Hội LHPN P.Tân Phú, nghe tin một người PN tạm trú trong căn nhà lá gần cảng Bến Nghé bị chồng vấn tóc vào cột nhà rồi hành hung; chị cuống cuồng chạy đến. Đến nơi, chị thấy người dân bu đen bu đỏ quanh căn nhà lá, bên trong căn nhà tối om, im lặng. Thấy chị dợm bước vào, bà con vội ngăn cản: “Ông chồng là dân ghe, chở đất vào cảng vài ngày rồi đi nên sẽ chẳng nể nang ai, chị vào hắn chém chết!”.

Đắn đo vài giây, chị gọi điện cho công an phường nhờ hỗ trợ, rồi lặng lẽ bước vào. Bên trong, người PN vẫn ngồi bệt dưới đất. Giữa nhà, người chồng đang ngồi đốt thuốc, đăm chiêu. Chị thận trọng bước lại, đỡ người vợ lên, vén mớ tóc tai, buộc lại cho gọn, rồi dìu cô ra phía sau, rửa mặt. Rồi chị dìu người vợ đến ngồi ở chiếc võng, còn mình lặng lẽ đi thu gom cái “chiến trường” của cuộc bạo hành.

Lúc này, người đàn ông dụi điếu thuốc, nói như phân trần với chị - người PN không quen biết: “Tại nó hỗn, tui mới đánh”. Chị ngừng dọn đồ đạc, lại ngồi đối diện với người đàn ông, trò chuyện. Chỉ vài ngày sau hôm ấy, vợ chồng nọ lại nhổ neo, rời đi. Sau này, dù không bao giờ gặp lại họ, nhưng cuộc trò chuyện, khuyên nhủ hôm ấy đã mãi trở thành kỷ niệm, vừa buồn vừa ý nghĩa trong những năm chị làm công tác Hội.

Tâm huyết là vậy, nên lắm khi rối trí, cùng quẫn chuyện gia đình - những ngày con trai bệnh nặng, nằm hấp hối, gánh hủ tiếu phải tần tảo mỗi ngày, tiệm tạp hóa phải dẹp đi vì không có thời gian coi ngó; chị vẫn bám trụ với hoạt động Hội. Đã mấy lần chị tính xin “thôi”, để công việc ở Chi hội lại cho một người chuyên tâm hơn. Nhưng, “công tác PN đã trở thành một phần của mình rồi, nên rồi tôi lại thu xếp tiếp tục làm nhiệm vụ”, chị nói. Gần hai năm ròng rã đồng hành cùng những đau đớn sau cùng của con trai, chị vẫn “phân thân” để làm công tác Hội.

Sáng, dậy lúc 3g, nhóm than, nấu rồi bán hủ tiếu đến tầm 9g, chị một tay dọn dẹp, rửa chén, rồi quày quả lên chợ Tân Thuận mua đồ, chuẩn bị cho gánh hủ tiếu ngày mai. Về nhà, chị lật đật nấu cơm, mang cơm lên bệnh viện Phạm Ngọc Thạch cho chồng. Thay anh chăm con đến 3g chiều, chị lại bắt xe buýt về nhà, bắt đầu ôm cuốn sổ tay, đi bộ khắp khu phố làm công tác Hội.

Bàn làm việc của chị là một chiếc ghế nhựa nhỏ, “lưu động” khắp nơi giữa những vật dụng tối thiểu cho cuộc sống của hai vợ chồng già trong căn nhà nhỏ. Đó cũng là nơi chị tiếp khách, nơi chị ngồi xuống nghỉ mệt sau khi bán hết gánh hủ tiếu buổi sớm, cũng là nơi chị nghe điện thoại của chị em, để hễ có tin báo bạo lực gia đình, chị lại vội vã gọi công an phường, rồi quáng quàng chạy đến...

Bà Danh Ngọc Mai (sinh năm 1956)

- Thời gian công tác Hội: 35 năm.

- Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của PN Việt Nam” Nhận Giấy khen của Hội LHPN Q.7:

- Năm 2010: Danh hiệu “Cán bộ Hội cơ sở giỏi” (2006 - 2011).

- Năm 2013: Danh hiệu “PN xuất sắc”.

- Năm 2014: Đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội.

Nam Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI