Người "chuộc" bình yên cho trái tim

25/01/2023 - 08:17

PNO - Books4Vietnam bắt đầu vào năm 1988, từ nỗi thao thức của người con về quê hương sau 20 năm xa cách.

 

Tiến sĩ Võ Tá Hân
Tiến sĩ Võ Tá Hân

- Nếu không chọn và kiên định với dặm dài Books4Vietnam, có lẽ cuộc đời ông sẽ rất khác - rất thành công, đầy tiếng tăm ở nước ngoài và với Việt Nam, đó cũng là một niềm tự hào thay vì nhắc đến ông là gợi nhiều về một con người nặng lòng với quê hương…

- Đúng, cuộc đời tôi có lẽ sẽ rất khác nếu chỉ chuyên tâm “làm giàu” thay vì dấn thân những công việc hướng về Việt Nam. Ở Singapore tôi may mắn giữ những chức vụ tín cẩn và cao cấp nhất Hong Leong - tập đoàn công kỹ nghệ, tài chính, đầu tư, bất động sản, khách sạn lớn nhất Đông Nam Á. Tôi có thể trở thành một trọc phú Singapore với tiền tài danh vọng mà không hề quan tâm đến quê hương. Nhưng nếu chọn con đường như thế, tôi không tin trái tim mình bình yên và hạnh phúc. 

Cuộc trò chuyện của tôi và tiến sĩ Võ Tá Hân (từ California, Mỹ) bắt đầu như thế.

Làn gió mới năm ấy 

Một quãng đời dài đã qua, đôi lúc tiến sĩ Hân nghĩ, định mệnh với quê nhà của ông có lẽ đã bắt đầu từ năm 1974 khi ông đang lấy tấm bằng thứ ba ở Viện Công nghệ Massachusetts - MIT. “Dù lúc ấy đã được Ngân hàng Thế giới (World Bank) tuyển chọn và xuất thân ở MIT, tôi vẫn bị trục xuất vì ở lại quá hạn. Tôi đành nộp đơn qua Canada, trở thành chuyên gia ngân hàng rồi về Singapore làm việc khi Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới. Nếu ở lại Mỹ, cuộc đời tôi đã hoàn toàn khác!” - ông nói.

Singapore những tháng năm tiến sĩ Hân chọn sống, đã vươn từ thế giới thứ ba lên thế giới thứ nhất trong thời gian ngắn. Chính nơi này, ông Hân đã tìm thấy “núi sách” vốn dành phân phối khắp châu Á của Nhà xuất bản Simon & Schuster và gặp nguồn sách lớn quý thứ hai của World Scientific mà giờ đây đang trở thành nhà xuất bản lớn nhất Singapore chuyên về khoa học kỹ thuật cao cấp. 

Books4Vietnam bắt đầu vào năm 1988, từ nỗi thao thức của người con về quê hương sau 20 năm xa cách. Tiến sĩ Hân nhớ lại: “Năm đó, từ Singapore, tôi đưa một phái đoàn doanh nghiệp Canada lần đầu thăm TPHCM. Nhìn đất nước còn bao gian khổ, chỉ cách Singapore hơn 1 giờ bay mà cách biệt kinh tế quá lớn, tôi không kìm được nước mắt”.

Rồi, không ngày đêm nào ông không nghĩ đến Việt Nam và sự hiếu học, thông minh của người Việt. Bằng niềm tin “tri thức là chìa khóa mở mọi cánh cửa” từ đó có thể giúp đất nước giàu mạnh, mà không gì cung cấp tri thức hữu hiệu bằng sách, ông ngồi viết lá thư gửi khắp những mối thân tình để xin và mua sách giá rẻ, gửi về Việt Nam.

1.500 cuốn sách đầu tiên đưa về Việt Nam mở ra một đời sống sôi động trong nước, nơi niềm hân hoan của giới học thuật, người yêu sách, khát khao nghiên cứu và chinh phục tri thức đổ về một địa chỉ mà họ tin chắc, không bao giờ khước từ. 

“Trung tâm bồi dưỡng ngoại ngữ Đại học Tổng hợp… xin ông vui lòng giúp cho một số tài liệu dạy tiếng Anh”.

“Xin ông vui lòng tặng Khoa Cột sống - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình một số sách”.

“Kính thưa anh, thư viện Trường đại học Tổng hợp Huế còn thiếu thốn nhiều tài liệu, sách báo, giáo trình, từ điển bách khoa…”.

“Tôi là giảng viên Trường đại học Bách khoa TPHCM… Nhờ có sách anh mà tôi đã tự chế tạo hệ thống TVRo coi chương trình truyền hình các nước, mở mang kiến thức”.

Hay Đại học Kinh tế TPHCM năm 1991: “Hiện trường trong quá trình đổi mới đào tạo để đáp ứng yêu cầu cấp bách của nền kinh tế đang chuyển sang kinh tế thị trường... chúng tôi rất mừng khi được biết ông và mong hỗ trợ về sách…”.

Theo mỗi cánh thư, hàng triệu cuốn sách đủ các lĩnh vực trị giá hàng triệu USD đã về từng trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu… 

Mang sách vượt biển

Tiến sĩ Võ Tá Hân tặng sách cho một số đơn vị
Tiến sĩ Võ Tá Hân tặng sách cho một số đơn vị

Ngày tháng đó, giữa làn gió tri thức mát lành thổi về Việt Nam là cuộc “vượt bão” của một Việt kiều trước những rào cản thời cuộc, khi đất nước còn mang một số cấm vận. 

Tháng 9/1988, vẫn trái tim thổn thức vì Việt Nam, ông Hân mời một phái đoàn do cố Thủ tướng Phan Văn Khải - bấy giờ là Bí thư Thành ủy TPHCM - dẫn đoàn sang thăm Singapore. Sau đó, Singapore có phản ứng mạnh, ông bị khiển trách, dọa trục xuất và container sách với khoảng 20.000 cuốn mới toanh, bọc gói kỹ càng chuẩn bị đưa về Việt Nam gặp khó. “Đến khi tôi khai gửi giấy vụn thì container mới rời Singapore trót lọt” - ông kể. 

Nguồn sách từ Books4Vietnam mang cơ hội tiếp cận tri thức thế giới, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đưa nhân lực Việt Nam gia nhập thị trường lao động thế giới.

Tiến sĩ Trần Ái Cầm

Hiệu trưởng Trường đại học Nguyễn Tất Thành

Quãng ấy, tiến sĩ Hân được Chính phủ Việt Nam, UBND TPHCM… tặng nhiều bằng khen nhưng ông “xin” nhận trong âm thầm. Bấy giờ, song song niềm hân hoan trong nước thì một số nơi nổi lên những bài báo đả kích, nghi vấn thân thế lẫn nguồn tiền khiến ông nuốt nước mắt vào lòng. 

- Và cách ông vượt qua? - tôi hỏi.

- Khi đến Mỹ năm 1968, một hôm có người cựu binh Mỹ mang cho tôi một trang giấy nhàu nát nhờ dịch. Đó là lá thư anh ta nhặt được trên xác một người lính Việt Nam. Thư kể nỗi nhung nhớ ngày chia tay không thể gặp người yêu và biết ra đi sẽ rất khó trở về nhưng nếu nằm xuống, người lính mong sẽ như chiếc cầu nối đưa đến ngày đất nước thanh bình. Những lúc nản lòng, tôi thường nghĩ đến người lính trẻ vô danh ấy, cũng như bao người đã đổ máu, hy sinh cho đất nước này. Vậy thì mình chỉ đổ mồ hôi cực nhọc chút ít, có thấm gì đâu!

Cuối năm 1991, Cục Phát triển thương mại Singapore mời tiến sĩ Hân hướng dẫn phái đoàn chính thức của Nhà nước Singapore lần đầu sang Việt Nam. Chuyến thăm thành công ngoài mong đợi, họ cảm ơn và mời ông viết 1 bài kiến nghị, trong đó ông nêu chính phủ nước này cần giúp sinh viên Việt Nam được du học tại các trường đại học lớn của Singapore.

Ngày 5/5/1993, Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Singapore, ký kết thành lập Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Singapore. Cũng từ đó, chuyện chuyển sách của ông về Việt Nam không còn trở ngại; hơn thế, dẫn lối thuận lợi cho nhiều sinh viên sang quốc đảo học tập.

Và những cuộc tiếp sức

Hành trình đưa sách vượt biển về quê hương của tiến sĩ Hân luôn sáng lên những ngọn lửa tiếp sức, ngoài lá thư của cố Thủ tướng Phan Văn Khải - mà ông ví như “bùa hộ mệnh” giúp hành trình vượt biển của sách vơi bớt trắc trở.

Tiến sĩ Hân kể, khi chuẩn bị đưa container sách đầu tiên về Việt Nam, ông về TPHCM tìm đầu mối phân phối và gặp bà Hồ Anh Nga ở Viện Kinh tế TPHCM. “Nhiều đối tác sẵn sàng giúp phân phối 17 tấn sách nhưng tôi không yên tâm. Khi gặp chị Nga, một cái gì đặc biệt khiến tôi bỗng thấy đây chính là một người có thể đặt hết niềm tin!” - ông bồi hồi. Sau đó, khi ông muốn tặng thêm sách y khoa cho 100 bệnh viện, trung tâm y tế, đại học y khoa từ Bắc chí Nam làm quà tết 1992, bà cũng rất chu toàn… 

Tiến sĩ Hân đóng góp rất nhiều để mở đường cho ngành xuất bản hội nhập. Khi đó, Việt Nam chưa tham gia Công ước Berne, việc sử dụng bản thảo nước ngoài dẫn đến những rắc rối bản quyền, ông đã hỗ trợ giải quyết, giúp ngành xuất bản hoàn thiện, vươn ra thế giới.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt

nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ

Năm 2010, ở tuổi 62, tiến sĩ Hân quyết định rời Singapore về Mỹ, nơi có mẹ già cần chăm sóc và cũng đến lúc ông dành cho mình vài dự án cá nhân. Books4Vietnam rơi vào cảnh khó, không phải nhiệt huyết của ông đã vơi đi mà tiến sĩ Hân biết rằng ở khoảng cách nửa vòng trái đất, sẽ bất khả nếu tiếp tục chuyển sách. May mắn, trong chuyến về thăm quê lần cuối, ông gặp bà Lê Thị Mỹ Châu - một doanh nhân thành đạt, cựu sinh viên xuất sắc của Trường đại học Kinh tế TPHCM - nơi cũng thụ hưởng nguồn tri thức từ Books4Vietnam. 

Từ ngưỡng mộ một tấm lòng, bà Châu dốc lòng thay ông nối dài hành trình trao sách. Các container sách nhờ đó vẫn đều đặn vượt biển về Việt Nam. Hiện hơn 54.000 quyển sách khoa học kỹ thuật, trị giá hơn 5 triệu USD lại chuẩn bị đưa về. Bà nói: “Chúng tôi đang tiếp tục “ăn mày” (xin) sách điện tử để tặng nhằm phù hợp chuyển đổi số của các trường”. Không dừng lại, bà còn lập quỹ học bổng Võ Tá Hân để giúp đỡ những đứa trẻ nghèo đang tìm con chữ. Cùng dấu chân bà, quỹ đã len lỏi khắp các vùng miền đất nước trao kinh phí, tặng bảo hiểm y tế, thắp sáng giấc mơ đến trường cho hàng trăm học trò nghèo, điều trị hàng chục trường hợp phải mổ tim, bệnh nặng.  

Nguồn sách quý của tiến sĩ Võ Tá Hân đã len lỏi khắp đất nước trong 30 năm qua
Nguồn sách quý của tiến sĩ Võ Tá Hân đã len lỏi khắp đất nước trong 30 năm qua

Bài và ảnh: Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI