Người ta đi học lái xe tốn chừng chục triệu, còn Minh mất hơn ba chục vì tiền sửa xe, thuốc men cho bản thân và thầy giáo khi anh tông xe vào con lươn sân tập. Trong mỗi câu chuyện, Quyên hay lôi chuyện này ra làm trò cười, còn nói “chồng em là người tốn học phí nhiều nhất VN”. Một hai lần không sao, người ta hỏi thăm Minh bị thương thế nào, sau thành nhàm, nhưng Minh thì không nhàm, anh xấu hổ khi bị vợ lôi chuyện ra kể cho bất cứ người thân người sơ, cho đến khi anh không chịu được phải quát lên: “Đủ chưa? Vui lắm đấy!”
Quyên bị chồng quát, thay vì im còn tròn mắt: “Thì sao, tốn ngần ấy tiền không lẽ lại im?”
|
Cô cứ lôi chuyện ra kể cho bất cứ người thân người sơ. Hình minh họa |
Minh nhìn vợ, hóa ra vợ anh không những muốn chồng xấu mặt mà cô còn ấm ức vụ tốn thêm tiền. Anh không nói gì, hôm sau mang đúng số tiền về ném lên bàn: “Tiền đây, trả cho cô! Từ giờ để tôi yên!”. Quyên lu loa nói chồng phũ, quản lý vợ, Minh trừng mắt: “Mang chuyện của người khác đi rêu rao thì tốt đấy. Người chứ có phải bò đâu mà cứ ợ lên nhai lại?”
Tưởng bị sừng sộ một trận vậy, Quyên sẽ chừa cái tật nhai đi nhai lại, nhưng cô chỉ im chuyện đó và lôi chuyện khác ra. Hai vợ chồng hơn nhau chục tuổi, lấy nhau gần ba năm mà chưa nghe "động tĩnh", Quyên phải chạy hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia, hết thầy lang đến đền chùa miếu mạo, may rồi cũng được cô con gái kháu khỉnh. Bạn bè đến chơi khen con bé xinh xắn, Quyên được đà kể "hành trình" tìm con của mình, nào tốn kém thời gian, có bao nhiêu tiền dốc hết vào chuyện kiếm con "cũng tại ổng già, súng ống tậm tịt, chắc hồi trẻ xài bạo quá! May mà sót được con bé này!".
Đám bạn đang vui, hùa nhau vào trêu Minh, cứ nhấn nhá đến vụ súng ống, có người còn nhắc đến tên mấy cô ngày đó Minh có tăm tia. Giữa chỗ đông người, Minh cười mà mặt tím lại, kìm chế lắm anh mới không hất đổ mâm cơm. Có vợ ai như vợ anh, bạn bè chồng đến là moi chuyện ra làm quà, mà chuyện vui vẻ gì cho cam, Quyên cứ hồn nhiên kể, tất nhiên thêm chút gia vị mà không thèm nhìn khổ chủ đang khó chịu thế nào, tâm trạng ra sao.
|
Anh góp ý thì cô vặc lại. Hình minh họa |
Quá đáng hơn, chuyện vợ chồng ông anh họ bên nhà Minh ly hôn vì anh ta ngoại tình. Hai anh chị ly hôn trong êm ấm, tài sản chia ba, hai người hai phần, một phần dành cho các con, hai đứa trẻ do chị nuôi và anh có nhiệm vụ cấp dưỡng. Chuyện nhà người ta vậy, qua một chuyến về quê chồng của Quyên, cả làng, thậm chí cả huyện biết anh họ Minh.
Không biết người làng có thương chị dâu, có trách anh họ không, không biết “hai người kia” có yên không nhưng Minh muốn bốc hỏa khi người ta tìm Minh lắc đầu, có người nhẹ nhàng "con vợ mày vô tư thật đấy!", người thẳng thắn hơn thì nói “mày lo dạy lại vợ đi!” làm Minh xấu hổ không dám đi đâu, thăm viếng ai. Minh nhỏ giọng nói với Quyên thì cô quặc lại:
"Lũ đàn ông các anh chỉ biết ăn rồi hưởng, nào biết phụ nữ chúng tôi khổ sở thế nào, làm dâu, sinh con đẻ cái, nuôi nấng dạy dỗ trong khi các anh lúc nào cũng phơi phới, gặp con nào cũng cặp, gặp con nào cũng lả lơi rồi chê vợ nhà. Chị dâu hiền nên mới khổ mới thiệt, tôi phải lên tiếng thay chị ấy."
"Thay được chưa, anh chị đã yên ắng xong chuyện, cô còn đào xoáy lên nỗi đau của người ta, cô rêu rao anh họ ngoại tình, anh họ xấu hổ nhục nhã thì cô vui chắc, cô có nghĩ đến tâm trạng của bố mẹ anh ấy khi thiên hạ bàn tán ông bà có đứa con trai không ra gì, cô có nghĩ đến tâm trạng hai đứa trẻ khi đi đâu cũng bị người ta chỉ trỏ nói bố nó thế này, bố nó thế kia không? Chị dâu có dại hay khôn đến phiên cô phán xét hả? Chị dâu chưa đủ khổ hay sao mà cô còn xát muối vào lòng chị ấy?"
|
Hình minh họa |
Minh thu dọn quần áo lôi vợ con đi ngay khi trời vừa sáng, chắc từ giờ anh không dám cho vợ về quê nữa, anh xấu hổ khi chạm ánh mắt người làng, Quyên vẫn không nhận ra mình đã sai. Trong đám con cháu Quyên là người học cao nhất, cô có bằng thạc sỹ lại làm trong ngành ngân hàng nên tiếng nói của cô khá “có trọng lượng” trong nhà. Các bà các mợ ở quê thì thi nhau khen Quyên biết ăn biết nói, đúng là có học có chữ vẫn khác, nhất là nhìn con gái cô bụ bẫm mũm mĩm như búp bê thì cô lại được khen biết cách chăm con, vợ chồng về quê mà các bà các chị đến hỏi cách nuôi con.
Dần dà, Quyên thấy mình nói điều gì cũng đúng và ngày càng lên giọng dạy dỗ như thể cha chú người ta, thấy đứa trẻ bẩn thỉu cô độp ngay nói mẹ nó không biết chăm con còn ham đẻ để thằng bé nhếch nhác, khổ nỗi người ta khen trước mặt Quyên nhưng tìm Minh để than khiến anh không biết nói sao. Góp ý với Quyên thì cô cho là anh áp đặt khó tính, “em có nghe ai nói gì đâu, người ta còn mang cả rau cả gạo sang nhờ em nấu cơm cho con người ta ăn kìa!”
|
Cô đã quên cái ý cái tứ nên có. Hình minh họa |
Minh thở dài, không biết trách vợ hay trách các bà các cô ở quê siêng năng tâng bốc khiến Quyên được đà vùng vẫy như cá gặp nước rồi sinh ra tật luôn cho mình là đúng, mình học cao hiểu rộng mà quên đi cái ý cái tứ nên có. Hay nên trách anh ngay từ đầu đã không nói chuyện dứt khoát về tính “thích nhai lại” của cô. Có lẽ chuyến này anh phải nói chuyện thẳng thắn với vợ nếu muốn yên nhà yên cửa. Lúc nãy đi, anh đã nhìn thấy cái lắc đầu cùng tiếng thở dài của bố mẹ anh, những người nông dân quê mùa chân chất …
Nguyễn Bảo Anh