|
Chồng chị thành đạt, là tấm gương sáng của bao người, nhưng chị không chịu được lối sống của anh (ảnh minh họa) |
Gần nửa đêm chị chạy xe về nhà má. Bà mẹ nghe tiếng còi xe quen thuộc liền ra mở cửa. Má biết tính chị nên không cần hỏi han, chỉ lẳng lặng dọn cơm cho chị ăn. Mâm cơm muộn chỉ có dưa leo và cá kho - món chị thích ăn.
Chị trệu trạo ăn cho xong chén cơm rồi lên phòng nằm. Vẫn căn phòng cũ ngày chị chưa lấy chồng, trên tường có bức ảnh cô gái ngồi bên bờ biển và bóng một chàng trai ở phía xa. Ngày đó, chị luôn hình dung cô gái đó là chị, và chàng trai kia là hoàng tử trong mơ: đẹp trai, phong độ, yêu thương chị bằng cả tấm lòng.
Còn bây giờ, chồng có yêu chị không? Câu đó chị không thể trả lời. Trước đây, những đêm vợ chồng cãi cọ, nếu chị bỏ về nhà má, anh sẽ luýnh quýnh gọi cho má, năn nỉ chị về hoặc chạy qua đón chị. Chị làm ỏng làm eo rồi cũng theo chồng về nhà. Còn bây giờ, chị xách xe đi nhưng anh không hỏi, để mặc chị muốn ở nhà ngoại bao lâu thì ở. Chị ăn ngủ chán rồi, buồn giận chán rồi thì lếch thếch về nhà.
Chồng thường đón chị bằng những câu thường ngày: “Sáng anh mới mua tôm, tụi nhỏ đòi ăn tôm nướng”, “Tiền học thêm môn Toán của bé Út tháng này anh đã chuyển khoản cho cô giáo”, “Anh mới gọi thợ vệ sinh máy lạnh”…
Anh ra vẻ bình thản như thể chị mới đi làm về, như thể vợ chồng chưa từng có tranh cãi. Nỗi bực tức trong chị xẹp xuống như bóng xì hơi.
Chị giận chồng quanh đi quẩn lại chỉ một lý do: nhậu nhiều. Anh là giám đốc một doanh nghiệp ăn nên làm ra, nhiều nơi tới học hỏi kinh nghiệm và ký kết hợp đồng. Anh cũng thường xuyên được các tỉnh mời đi truyền đạt kinh nghiệm.
Đồng nghiệp thỉnh thoảng nói với chị: “Tối qua thấy chồng chị trả lời phỏng vấn trên tivi. Ảnh thiệt giỏi!”. Chị cười, không giấu vẻ hãnh diện, nhưng chồng giỏi làm ăn thì cái giá phải trả không hề nhỏ. Anh đi công tác liên miên và thường xuyên phải nhậu với đối tác. Anh biện minh: muốn ký kết hợp đồng, muốn mở rộng quan hệ thì phải xã giao nhiều, nhậu nhiều...
Anh luôn về nhà trong tình trạng mặt mũi đỏ lừ, dáng đi nghiêng ngả. Nhiều bữa anh chưa kịp tắm đã ập lên giường, ngủ say như chết. Hình ảnh người chồng giỏi giang, thành đạt tệ dần trong chị. Chị không còn hãnh diện khi ai đó nói “mới thấy chồng chị trên tivi”…
Chị không chấp nhận những lời bào chữa của anh. Chị quy kết anh là người vô trách nhiệm. Những đồng tiền làm ra, thay vì nhậu nhẹt hoang phí, anh nên tích luỹ cho con. Thời gian bên bàn nhậu, anh nên để dành chơi với con…
Chồng chị cười: “Vậy theo ý em, anh chỉ nên làm nhân viên bình thường, không cần phấn đấu?”. Chị gay gắt: “Nhân viên bình thường cũng được, em chỉ cần cuộc sống bình thường”.
Mạnh miệng vậy thôi, nhưng chị hay tự hỏi, nếu anh không có chí tiến thủ, liệu chị có hài lòng? Chị không hình dung được “cuộc sống bình thường” đó, chỉ thấy quá bức bối ở hiện tại.
Như hôm nay chị đau đầu vì sổ sách ở công ty bị lỗi. Tan tầm, chị ghé đón con và đi siêu thị mua thức ăn thì trời đổ mưa. Chị bơi trong biển nước về đến nhà đã mệt nhoài, chỉ muốn nằm lăn ra giường. Nhưng cơm chưa nấu, con cái chưa tắm rửa, nhà chưa dọn…
Gần khuya, chị đang mệt đuối vì dọn dẹp thì chồng chị về, người sặc mùi rượu. Chị vứt cây lau nhà xuống sàn, gào lên: “Em mệt lắm rồi. Em sẽ ly hôn”. Anh cười hềnh hệch: “Ly thì ly. Con cái anh nuôi. Em cứ lên dọn đồ, anh gọi giúp taxi”. Nói xong anh đổ ập lên sô pha, ngáy ầm ầm...
|
Chị bỏ về nhà ngoại, anh cũng chẳng buồn quan tâm sang đón chị như trước (ảnh minh họa) |
Má hỏi chị: “Hàng tháng chồng con vẫn đưa tiền chợ? Chồng nhậu về chỉ ngủ, không quậy, không đánh con; chồng cũng đã tích cóp mua được nhà, mua được đất...?".
Chị gật đầu xác nhận lời má nói. Má thủng thẳng: "Chồng con thành đạt, ra ngoài xã hội ai cũng tôn trọng. Nhậu nhẹt chỉ là cách xã giao để công việc suôn sẻ. Cái gì cũng có giá của nó. Chồng như vậy, đốt đuốc kiếm không ra. Con đừng đứng núi này trông núi nọ”.
Chị nhìn má. Má nói đúng hết: thành công nào cũng có giá của nó. Có phải chị đòi hỏi quá nhiều? Chị nhớ ai đó đã nói: “Chọn một người đàn ông mạnh mẽ, giỏi kiếm tiền thì phải chấp nhận anh ta ngang ngược, ít có thời gian bên gia đình”. Chị nghĩ nếu chọn người đàn ông không nhậu nhẹt, chiều về lo đón con, nấu cơm, hẳn anh ta sẽ yên phận với đồng lương ba cọc ba đồng.
Ai cũng có thói tật nào đó, chẳng có ai hoàn hảo, bản thân chị cũng vậy. Ngẫm ra, chồng chị vẫn hơn nhiều người. Nói nào ngay, anh không hề căng thẳng với chị, chỉ có chị gây chuyện với chồng. Thay vì bức bối chờ chồng về để cãi cọ, thì chị sẽ chở con đi ăn, đi khu vui chơi, vậy sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều. Chị không thể thay đổi chồng thì cần học cách chấp nhận...
Đức Phương