Người chồng bội bạc quay về khi tàn tạ

26/08/2019 - 09:00

PNO - Gọi là chồng, vì anh chị có hôn thú. Gọi là người dưng, bởi anh phản trắc, vô trách nhiệm. Giờ thì, chị đã hết yêu thương anh, nhưng không đành lòng khi thấy anh rên rỉ, đau nhức. Ung thư xương mà...

Chị kể, vì anh mà chị ngồi tù; anh đánh chị bao phen bầm dập, đến chết đi sống lại, anh bỏ mẹ con chị theo “bà nhỏ”… Tội của anh, chất chồng như núi, vậy mà có lần bệnh nặng, anh bị bà nhỏ trả về cho chị, chị chẳng đành lòng ngoảnh mặt làm ngơ, vẫn bao dung cho anh đường về.

Kiểu dang tay ấy, chị bảo là do còn “mắc nợ”. Lần trở về ấy, chị vay mượn số tiền khá lớn, để chữa bệnh cho anh, để rồi, khi bệnh vừa dứt, anh đành lòng bỏ mẹ con chị. Cũng vì chuyện này, mà chị bị mẹ và các em từ mặt, mới vừa làm lành vài tháng nay, thì lại lần nữa chị đón anh.

Nguoi chong boi bac quay ve khi tan ta
Anh bỏ mẹ con chị để theo “bà nhỏ”. (Ảnh minh họa)

Giận là chuyện của mẹ, dù sao đi nữa, chị cũng có với anh hai mặt con. Chị đâu thể vì được mẹ giúp đỡ, cưu mang mà bất chấp lý trí và con tim mách bảo phải độ lượng trước hơi thở sắp tàn của một người gọi là chồng cũng được, gọi là người dưng cũng được.

Gọi là chồng, vì anh chị có hôn thú. Gọi là người dưng, bởi anh vô trách nhiệm. Giờ thì, chị đã hết yêu thương anh, nhưng không đành lòng khi thấy anh rên rỉ, đau nhức. Ung thư xương mà.  

Tháng bảy âm lịch, người ta rần rần đi lễ chùa, làm từ thiện. Bao năm, chị cũng hòa vào dòng người làm phước mùa Vu lan. Nhưng năm nay chị bận anh, bởi ngày sống của anh, chẳng còn bao lâu nữa.

Đổ bô, tắm rửa, bón ăn, chị động viên mình đừng than thở, đừng sân si kiểu như bao nhiêu sức lực, bà nhỏ lấy hết, thân tàn thì trở về báo hại, mà tự nhủ, đây cũng là một cách… từ thiện. Nghĩ thế, nên lòng nhẹ tênh.

Mà thật ra, cũng có một điều, dù cố không nghĩ, cũng không được. Có thể vì chị là đàn bà, vì chị nghèo chăng? Dù khuôn mặt chị khi kể, tỏ ra thư thái, nhưng tôi đọc trong mắt chị những ghen tỵ. Chị đâu phải thần tiên mà không biết so bì.

Chuyện là, ngày chồng quen biết bà nhỏ, bà ấy có một căn nhà ọp ẹp ở ngoại thành, chồng chị tư vấn bán lấy vốn làm ăn, và họ phất lên từ đó. Đến nay đã trong tay mười lăm tỷ đồng, nhưng chồng chị vẫn ngửa tay xin tiền cà phê, thuốc lá mỗi ngày, vì bà nhỏ sợ anh mang về cho bà lớn, vì theo bà nhỏ, số vốn ban đầu là của bả, chứ không phải của anh, nên anh không có quyền.

Chị bảo, người đâu mà thất đức, ngay cả ngày tàn của ổng, mà bà nhỏ cũng không… nhỏ ra giọt tiền nào, gọi là chút tình nghĩa rơi rớt lại với người đàn ông không hôn thú, nhưng mặn nồng đến mười tám năm trời. Hay cả với chị, người đàn bà nghèo bị người khác cướp chồng, nay phải… gánh nợ thay, cũng chẳng được một chút hỗ trợ chi phí nào, dù bà nhỏ thừa biết chị vất vả, con đang tuổi ăn tuổi học, chị là lao động chính.

Giờ chồng quay về, chị không thể bỏ việc mà dồn sức chăm chồng, chỉ có thể là tranh thủ hết sức, động viên con cái “kiểu gì ổng cũng là cha”.

Nguoi chong boi bac quay ve khi tan ta
 
Chị động viên con “Kiểu gì ổng cũng là cha”. (Ảnh minh họa)

Sáng nay, chị rầy thằng con trai mười tám tuổi, vì nó mặt nặng mày nhẹ. Ý nó là ổng có tình nghĩa gì đâu, mà mẹ con chị phải ra tay nuôi nấng. Mọi ý nghĩ của nó, chồng chị đoán ra hết, chị sợ ổng sốc mà bệnh tình nặng thêm, nên mới dắt nó ra trước ngõ chỉ dạy.

Chị muốn dạy cho con tình yêu và trách nhiệm với người sinh thành, ngay cả khi người ấy chẳng ra gì với con cái. Mang sân si, thù hận với mẹ cha, là tội bất hiếu. Còn với chị, vợ chồng một ngày là nghĩa. 

Khánh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI