Người chở chữ qua sông

18/08/2022 - 17:05

PNO - Trên chuyến phà qua sông Hậu một ngày mưa giăng, tôi đã nhìn thấy màu xanh của cồn Phó Ba. Và “gặp lại” mảnh đất này trong trang viết của nhà văn trẻ đất An Giang Lê Quang Trạng: tập bút ký "Người chở chữ qua sông" (Nhà xuất bản Thanh niên) vừa xuất bản.

Đi dọc triền sông

Cách đây khoảng 20 năm, cồn Phó Ba từng được gọi bằng cái tên “cồn bốn không”. Nghĩa là không đường, không điện, không trạm xá và không nước sạch. “Đêm đêm đứng phía thành phố sáng đèn ngó sang sông, chỉ thấy ở phía cồn lốm đốm sáng nhỏ nhoi như những ngọn đèn câu lênh đênh, hiu hắt…” - Lê Quang Trạng viết.

Người chở chữ qua sông - tiêu đề tác phẩm cũng chính là bài viết về mảnh đất “đơn côi giữa dòng sông Hậu” này. Câu chuyện về những cô giáo đã vì yêu thương mà ở lại xứ cồn, ở lại với bọn trẻ “hôi sình”, thiếu ăn thiếu mặc. Ở lại vùng đất đìu hiu để gieo chữ qua từng năm tháng. 

Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng (trái) trong buổi giao lưu với độc giả quê nhà vào ngày 15/8 vừa qua, tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang - ẢNH: NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng (trái) trong buổi giao lưu với độc giả quê nhà vào ngày 15/8 vừa qua, tại TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang - Ảnh: Nhà xuất bản Trẻ

“Cuộc sống các cô cũng như các em học sinh gắn bó với đò và sông nước. Nên bài học đầu tiên của đám trẻ trên cồn không phải là bài học chữ, mà là bài học nhận biết dòng sông nước rong, nước kém; nhận biết con sóng hung, sóng dữ, sóng dồn; nhận biết đất răn, đất lở…” - lời chia sẻ của cô Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh, trên cồn Phó Ba. Còn bọn trẻ trên cồn, ngày ngày ra bến sông đón cô giáo đều trấn an: “Cô ơi, cô đừng sợ sóng lưỡi búa. Sóng mà đánh chìm xuồng là tụi con lội ra vớt cô vô bờ liền”. Chỉ vậy thôi mà khiến người đọc rơi nước mắt. 

Đất cồn mỗi năm cứ lở dần. Nhưng đất lở đến đâu, người xóm cồn dọn đi đến đó. Không ai nỡ bỏ xứ cồn mà đi. Người ở lại cùng đất - dẫu nghèo, nhưng xiết bao ân tình. Lê Quang Trạng đi qua những triền sông, tìm đến những nơi xa xôi, heo hút, tìm đến những thân phận người để viết. Nhà văn cũng như một người chở chữ qua sông, bằng tâm hồn của một người trẻ thiết tha yêu quê hương mình, và vùng sông nước miền Tây. Có lúc, như trong một thước phim điện ảnh, chàng trai trẻ một mình về đất Mũi đi tìm món chè mắm trong nỗi nhớ của ông nội. “Trái mắm trôi sông” không tìm thấy trong thành phố, món chè mắm trong ký ức của người già là những ngày ăn cùng đồng đội ở trong rừng. 

Một ngòi bút sẽ còn đi xa

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người viết lời mở đầu cho tập bút ký Người chở chữ qua sông của Lê Quang Trạng, nhận định: “Trạng viết những câu văn đầy mỹ cảm. Đọc tập bút ký, tôi thấy nó đặc quánh chất miền Tây, và vẫn tầng tầng lớp lớp suy ngẫm, nhiều tư liệu thuyết phục được trích dẫn tinh tế. Trạng làm mềm chúng bằng chất văn hồn nhiên, tình yêu mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” và cắm dùi ở đó (chưa bao giờ rời xa) của mình - với An Giang, rồi xứ Cà Mau, các mùa nước nổi, với bông điên điển và cá linh. Tất cả đã hấp dẫn tôi”. 

Người chở chữ qua sông – tác phẩm thứ 5 của Lê Quang Trạng
Người chở chữ qua sông – tác phẩm thứ 5 của Lê Quang Trạng

Trong Người chở chữ qua sông, Lê Quang Trạng viết về miền Bảy Núi, về Ba Chúc, về chiếc cầu nối hai bờ biên giới - nối cả ký ức và hiện tại từ chiến trường biên giới Tây Nam. Nhà văn đi tìm “cha đẻ” của bài ca cổ Chợ Mới đã in sâu vào tâm khảm bao thế hệ, kể chuyện về “kép độc” của biển cực Nam, về bác Ba Phi, về những người nông dân chân đất… Viết về nơi nào, về nhân vật nào cũng thấm đẫm hồn quê, tình đất. 

Quê nhà An Giang với những huyền thoại của dãy Thất Sơn, với những trầm tích văn hóa và số phận lịch sử đặc biệt đã trở thành nguồn cảm hứng không bao giờ cạn của cây bút sinh năm 1996. Nhìn tuổi nghề, Lê Quang Trạng vẫn còn rất trẻ, nhưng những gì anh làm được cho văn chương khiến không ít người khâm phục. Giải Ba Văn học Tuổi 20 lần VII, giải A giải thưởng Văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ lần thứ VI, giải thưởng Tác giả trẻ của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; cùng hàng loạt giải thưởng truyện ngắn…

Nhưng Trạng ít khi nào nói về những giải thưởng của mình, niềm vui lớn lao với văn chương cũng chỉ chia sẻ với vài bạn bè cầm bút, những người thân thiết. Trạng cũng không cố tình làm nổi bật mình trên mạng xã hội, anh chỉ lặng lẽ viết, lặng lẽ đi thực tế, cần mẫn tìm tư liệu. Văn chương với Lê Quang Trạng như một tình yêu đã được ươm mầm từ thuở ấu thơ, và tình yêu ấy chưa bao giờ vơi cạn.  

Làm thơ, viết truyện ngắn, bút ký, truyện dài thiếu nhi - thể loại nào Lê Quang Trạng cũng để lại dấu ấn riêng. Sau Người chở chữ qua sông, Lê Quang Trạng cho biết, tác phẩm sắp tới sẽ là câu chuyện dành cho thiếu nhi: Cá Linh đi học (dự kiến sẽ được Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành). Truyện dài thiếu nhi đầu tay của anh là Thủ lĩnh băng vịt đồng.

Cả hai tác phẩm đều có bối cảnh là không gian sông nước miền Tây. Lê Quang Trạng từng chia sẻ: “Miền Tây đã tạo nên trang viết của tôi, và tôi tin tôi sẽ còn viết nhiều về miền đất này”. Còn những người biết Lê Quang Trạng, cũng luôn tin chàng trai trẻ đất An Giang sẽ ngày càng đi xa hơn nữa trên con đường văn nghiệp. Nói như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, ngòi bút của Lê Quang Trạng chính là được “đất quê ta nâng bước” khi được tắm mình trong không gian ngọt phù sa… 

Cầm Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI