Người chị không biết chữ

10/12/2013 - 20:10

PNO - PN - Nhà có năm anh chị em, bốn người làm giáo viên, một người… không biết chữ. Người không biết chữ là chị Hai, con của ba trước. Sau khi ba trước mất, má đi thêm bước nữa.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chị Hai khi ấy tròn mười tuổi. Nhà nghèo, từ nhỏ chị không được đi học, theo má buôn gánh bán bưng. Bốn đứa em cùng mẹ khác cha lần lượt chào đời, chị Hai ở nhà giữ em. Đến tuổi đi học, bốn đứa em đều được ba cho đến trường, chị Hai trở lại với gánh rau phụ má. Một bữa ba đi phụ hồ, sập giàn giáo té nặng. Ba nằm liệt. Ngày trước, ba quan niệm nghèo cỡ nào cũng lo cho các con ăn học, không hiểu sao, từ lúc nằm một chỗ, ba thay đổi tính nết, bắt các con nghỉ học. Trong cơn đau, ba thường hỏi: “Thằng Ba, con Tư… đâu?”. Biết các con lén ôm vở đi học, ba vừa quát vừa khóc: “Lũ bây lưng dài tốn vải, ăn học làm chi, lo kiếm việc mà làm”. Má với chị Hai cứ thay phiên lấp liếm: “Đứa đi làm mướn, đứa đi mót lúa chứ học hành gì”. Suốt một tháng ba nằm bệnh, bốn đứa không dám học bài vào ban đêm, toàn giả vờ xin ba sang hàng xóm chơi, rồi lén ra sau hè chong đèn ngồi học. Nhân lúc ngồi bóp chân cho ba, chị Hai hỏi sao dượng không cho các em đến trường nữa. Ba nhìn chị, nước mắt lưng tròng: “Để tụi nó đi làm phụ con với mẹ. Dượng không đành nhìn cả nhà trông cậy vô hai người đàn bà”. Chị Hai an ủi ba: “Con với má lo được. Mấy em thích đi học lắm”.

Nguoi chi khong biet chu

Thấy bán rau không lời nhiều, chị Hai chuyển sang đi phụ hồ, chăn vịt, cắt lúa thuê. Ba nằm đúng một năm thì mất. Nửa năm sau má cũng qua đời trong một vụ tai nạn. Hoàn cảnh gieo neo. Bốn đứa tính rủ nhau bỏ học. Chị Hai biết, kêu cả bốn lại rầy: “Chị có bảo đứa nào phải nghỉ học không?”. La xong, chị khoác áo đi phụ hồ. Không lâu sau, có người quen trên huyện về tìm người giúp việc. Chị Hai theo họ. Mỗi tháng chị về thăm nhà được hai ngày, mang tiền, quần áo, bút vở về cho các em. Sau bảy năm giúp việc nhà, chị Hai được bà chủ cho ít tiền làm vốn về buôn bán. Chị Hai lấy hàng trên huyện đưa lên miền núi bán. Nhờ những chuyến hàng của chị, bốn đứa em lần lượt trở thành sinh viên trường cao đẳng sư phạm.

Ra trường, bốn đứa đều đi dạy trên huyện. Có người theo đuổi nhưng chị Hai không chịu lập gia đình. Chị đứng ra dựng vợ gả chồng cho từng đứa. Chị Hai lủi thủi một mình sống dưới quê, đứa nào mời lên ở, chị đều từ chối, nói: “Đi hết, hương hỏa ba má bỏ cho ai?”. Chị chỉ chịu lên huyện mỗi khi có đứa em sinh con, nhờ giúp đỡ. Tám đứa cháu thi nhau chào đời, đố có “nhóc” nào chưa từng nằm trong lòng chị nghe hát ru bằng những bài vọng cổ.

Mới đây, cả nhà tụ họp, anh Ba đề nghị: “Chị Hai khổ nhiều rồi, nhà có mấy cái đám giỗ, tụi mình chia ra nhận, để chị rảnh rang, nghỉ ngơi”. Ba người em nói vô: “Phải rồi, để chị Hai nghỉ”. Chị Hai ngồi bậc cửa, xa xăm: “Chia chi bây, cứ để đó cho chị”. Giọng chị chùng xuống: “Cứ như bao lâu nay, để mỗi bận giỗ tụi bây còn về, anh chị em có dịp tụ họp đông đủ”. Chị nói có nhiêu đó, sao đứa nào cũng lén lau nước mắt.

 YÊN NHẠN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI