Kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Phan Kiệm (15/7/1920 - 15/7/2020)

Người chỉ huy những trận đánh chớp nhoáng trong lòng địch

14/07/2020 - 15:44

PNO - Nhìn lại quá trình tham gia cách mạng của ông Phan Kiệm (1920 - 1998), mới nhận ra, từ năm 16 tuổi cho tới những ngày cuối đời, ông chỉ phụng sự một điều duy nhất, đó là sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Trong di cảo để lại, ông viết về mình: “Tôi xuất thân là người con trai độc nhất của một gia đình bần nông ở xã Triệu Thương, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, đất cày lên sỏi đá, đói rét quanh năm. Không chịu nổi cái nhục mất nước, cảnh bóc lột của đế quốc, phong kiến, cường hào ác bá, 16 tuổi, tôi tham gia cách mạng”. Để rồi sau đó là các chuỗi sự kiện của cuộc đời riêng đồng hành cùng vận mệnh chung của dân tộc. 

Ông Phan Kiệm trở thành đảng viên ở tuổi 16. Năm 19 tuổi, ông đã là Bí thư Huyện ủy huyện Triệu Phong và bị thực dân Pháp bắt đày đi Buôn Ma Thuột. Ở trong tù, ông vẫn giương cao ngọn cờ đoàn kết nội bộ, tích cực đấu tranh, tổ chức nhiều vụ vượt ngục cho đồng chí của mình. 

Khi Nhật đảo chính Pháp (năm 1945), lợi dụng tình hình hỗn loạn, ông tổ chức lực lượng phá nhà tù, thoát ra ngoài. Từ tháng 3/1945 đến cuối năm 1948, ông lần lượt đảm đương các chức vụ: Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Chính trị viên Mặt trận Quy Nhơn - An Khê, Chính ủy Trung đoàn Nam Tiến, Chính ủy Trường Lục quân Nam bộ. 

Từ năm 1949 - 1954, ông là Khu ủy viên, Quân khu ủy viên, Trưởng phòng Dân quân Khu 7, Phó tư lệnh Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, quyền Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Ông Phan Kiệm cùng gia đình - Ảnh: gia đình cung cấp
Ông Phan Kiệm cùng gia đình - Ảnh: gia đình cung cấp

Trong những tài liệu lịch sử còn lưu lại, đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn thời đó bao gồm thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và một phần các huyện vùng ven thuộc tỉnh Gia Định, Chợ Lớn như: Thủ Đức, Gò Vấp, Nhà Bè, Trung Huyện… Đầu năm 1950, nhiều cơ sở của ta bị lộ, địch tập trung bao vây, bố ráp, bắt nhiều cán bộ, gây tổn thất lớn cho cách mạng. Ông Phan Kiệm được cấp trên điều về đặc khu để tăng cường sức mạnh chỉ đạo, tổ chức hoạt động quân sự.

Ông liên tục qua lại giữa các vùng để tổ chức, tập hợp lực lượng, hết Đông Nam Bộ lại về khu 9, lên khu 8, về Sài Gòn - Gia Định, rồi lại lên Tây Ninh, khu 7… Bất cứ chỗ nào cách mạng cần, đồng chí Đào Tấn Xuân (bí danh của ông Phan Kiệm) có mặt. 

Thời gian đó, ông là người trực tiếp tổ chức lực lượng biệt động của các đội quyết tử, thực hiện những trận đánh "xuất quỷ nhập thần" trong lòng địch. Hai trận đánh lớn kinh điển của biệt động đặc khu thời kỳ này diễn ra vỏn vẹn trong vòng một tuần, đó là trận đột kích phá hủy kho xăng dầu và bom đạn Phú Thọ Hòa, diệt gọn cả tiểu đoàn Âu Phi và trận đánh bất ngờ vào câu lạc bộ không quân, tiêu diệt tại chỗ 72 phi công địch năm 1952. 

Ông Phan Kiệm còn tổ chức thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt khác gây chấn động thời kỳ đó là cuộc trừ khử hai “trùm sỏ” Mai Hữu Xuân và Trần Bá Thành. Trong nhiệm vụ này, ông Phan Kiệm đã "tương kế tựu kế", sử dụng lực lượng quân báo trá hàng, trà trộn vào hàng ngũ Việt gian để lần tìm manh mối những tên đầu sỏ rồi bí mật trừ khử chúng.

Đầu năm 1953, ông Phan Kiệm với bí danh Năm Thành, trên cương vị quyền Tư lệnh, kiêm Chính ủy Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Ủy viên thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, đã đề xuất với Bí thư Khu ủy là ông Mười Cúc (bí danh của ông Nguyễn Văn Linh) phương án cài người vào hàng ngũ địch. Ông được ông Mười Cúc phê chuẩn và giao toàn quyền quyết định.

Việc đưa Sáu Trí (bí danh của tướng tình báo Nguyễn Văn Khiêm) về hoạt động nội tuyến tại Nha Công an Nam phần, sau này là Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn lúc bấy giờ đã tạo bước ngoặt đặc biệt quan trọng cho cuộc đời hoạt động tình báo của tướng Sáu Trí, góp phần làm nên những chiến công vẻ vang của lực lượng tình báo Việt Nam.

Sau Hiệp định Genève, từ năm 1954-1957, ông Phan Kiệm tiếp tục làm Khu ủy viên Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách Bí thư liên quận 1-4, Ủy viên thường vụ Khu ủy, sau đó là Phó bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đây là thời kỳ địch khủng bố rất ác liệt, lại nhận trọng trách ngày càng lớn, hoạt động lúc ẩn, lúc hiện cạnh hang ổ kẻ thù, ông Phan Kiệm đã bộc lộ rõ tài thao lược và bản lĩnh của nhà lãnh đạo, chỉ huy chiến lược, lập nhiều chiến công vang dội.

Cuối năm 1957, lần thứ hai, ông Phan Kiệm bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Năm 1961, ông vượt ngục trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. Từ năm 1961-1975, ông được phân công làm Phó trưởng tiểu ban Tuyên truyền kiêm Tổ trưởng Nghiên cứu tổng hợp, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, Trưởng tiểu ban Nghiên cứu tổng hợp kiêm Trưởng tiểu ban Đô thị, Ban Công vận Trung ương Cục miền Nam. 

Do hoạt động trong điều kiện khó khăn, ác liệt, lại bị địch tra tấn dã man trong những năm tháng tù đày nên ông lâm bệnh nặng, phải ra Bắc điều trị dài ngày. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông về công tác tại Văn phòng Thành ủy TPHCM và nghỉ hưu năm 1983. Ông qua đời tháng 10/1998, thọ 78 tuổi. 

Hoàng Thành 
** Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong truyện ký Mật mã đặc khu của Đại tá Phan Tùng Sơn

 
TIN MỚI