Người chi hội trưởng xem công tác hội là nghề

10/12/2017 - 10:24

PNO - Sau nhiều lần cùng chị em 'đi họp phụ nữ', chị Nguyễn Thị Bạch Yến ngày càng hiểu rõ hơn vai trò của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Từ một người khá rụt rè và sống khép kín, chị Yến đã đảm nhiệm tốt vai trò chi hội trưởng phụ nữ, luôn nghĩ ra những cách hiệu quả để giúp chị em trong khu phố tăng thu nhập, thoát nghèo. 

Nguoi chi hoi truong xem cong tac hoi la nghe
Chị Yến (mặc áo khoác) cùng hội viên, phụ nữ tất bật chuẩn bị “bữa cơm cộng đồng” cho những người có hoàn cảnh khó khăn trong khu phố

ĐẦU TƯ DÀI HẠN CHO NGHỀ

6g sáng ngày rằm tháng Chín, hàng chục người lần lượt tập trung tại góc đường Phùng Tá Chu, khu phố 8, P. An Lạc, Q. Bình Tân, TP.HCM để nhận “bữa cơm cộng đồng” do chi hội phụ nữ (PN) tổ chức. Không khí rộn ràng diễn ra trong 30 phút, rồi vãn dần khi những tia nắng đầu tiên ló ra, đúng lúc 200 phần bánh canh vơi dần trên chiếc bàn gỗ. 

Đây là một hoạt động thường kỳ diễn ra vào ngày mùng Một và rằm mỗi tháng ở khu phố, bắt đầu từ đầu năm 2017. Để có được những “bữa cơm cộng đồng” cho người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ ở phường và những nơi khác đến, ngoài việc vận động nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, chị Yến còn kêu gọi thêm 20 chị em hội viên, PN trong khu phố cùng mình thức dậy từ lúc 3g sáng, cùng nhau cắt gọt, xào nấu, phân chia sẵn các phần bánh canh. Từ khi khởi động chương trình đến nay, các chị đã tổ chức phát hơn 4.000 suất ăn với tổng số tiền gần 40 triệu đồng. 

Đang kiểm tra còn bao nhiêu phần ăn, chị Yến chợt đổi giọng nói tiếng Hoa khi quay sang nói chuyện với các chị trong nhóm. Tôi ngơ ngác chẳng hiểu gì, còn chị phì cười khoe, đó là thành quả lớn lao của mình.

Năm 2003, khi địa bàn hành chính được sắp xếp lại, chị tham gia hoạt động PN với vai trò Chi hội trưởng Chi hội PN khu phố 8. Với chị, hoạt động Hội không chỉ là phong trào, mà là một nghề: nghề công tác xã hội. Chị đến với nghề bằng tất cả tình yêu và đam mê, nên có cả sự đầu tư dài hạn, trong đó có việc dành thời giờ học tiếng Hoa để phục vụ cho “nghề” của mình. Nhận thấy trên địa bàn có hơn 90% dân số là người Hoa, chủ yếu di cư trước năm 1954, đa phần khó tiếp xúc, chị xác định: “Để vận động PN người Hoa tham gia các phong trào, phải học bằng được tiếng Hoa”.

Từ chỗ tiếng được tiếng mất, chị đã giao tiếp bằng tiếng Hoa một cách thành thạo. Công tác vận động nhờ vậy mà dễ dàng hơn. Từ 25 hội viên ban đầu, đến nay, chi hội đã phát triển được 285 hội viên. Không chỉ phần mình, chị hướng luôn hai cô con gái học tiếng Hoa để thuận tiện trong việc giao tiếp với bà con trong khu phố.

LUÔN NGHĨ CÁCH GIÚP CHỊ EM THOÁT NGHÈO

Khu phố 8 tập trung nhiều lao động nghèo, chủ yếu sinh sống bằng nghề gia công, buôn bán nhỏ lẻ, hoặc làm công nhân tại các khu công nghiệp, cuộc sống của các hộ dân còn nhiều khó khăn. Để giúp đỡ chị em vươn lên thoát nghèo, năm 2009, chị Yến mạnh dạn đề xuất với Hội tạo điều kiện cho chi hội hỗ trợ vốn vay để chị em buôn bán, kiếm thêm thu nhập. Chị kể: “Lúc đó, tôi cũng rất lo vì không biết chị em có bảo đảm được đồng vốn sinh lời hay không, nhưng may mắn là mọi việc đều suôn sẻ”. Tin tưởng vào quyết tâm thoát nghèo của chị em, chị luôn theo sát để kịp thời hỗ trợ và định hướng, giúp cho chị em sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Tính đến nay, đã có 250 hội viên được cho vay vốn, trong đó có 51 chị thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và 22 hộ diện này đã vươn lên thoát nghèo. 

Thành công đó không phải là chuyện dễ dàng khi chị nhắc lại thời gian đầu khó khăn, nhiều chị em chưa nắm được tiêu chuẩn xét vay nên đã có những lời xì xầm không hay, ảnh hướng đến uy tín chị và gia đình. “Nhiều lúc hoang mang, tôi đã muốn nghỉ để đầu óc thảnh thơi, nhưng nhìn thấy nhiều chị em khác đang rất cần giúp đỡ, tôi lại có thêm động lực để làm tốt nhiệm vụ của mình. Giờ nghĩ lại, những gì đã qua chỉ là thử thách giúp mình trưởng thành hơn” - chị tâm sự. 

Sau thành công của chương trình hỗ trợ vốn, chị cùng với ban chấp hành chi hội tạo mối liên hệ với các cơ sở có nguồn hàng gia công, vận động hội viên, PN có thời gian nhàn rỗi nhận hàng về nhà làm thêm. 15 chị đã tham gia vào công việc may mùng chụp em bé với tiền công 3 triệu đồng trở lên/chị/tháng. 

Không chỉ quan tâm đến việc phát triển kinh tế và chăm lo đời sống hội viên, chị Yến còn là chỗ dựa cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong khu phố. Như trường hợp chị L., bị lây nhiễm HIV/AIDS từ chồng, đã được chị Yến cùng các cán bộ ban điều hành khu phố không ngừng động viên, tặng xe máy để làm phương tiện mưu sinh. Hiện vợ chồng chị L. đều chí thú làm ăn, cùng chắt chiu chăm lo cho đứa con nhỏ trong độ tuổi đến trường. 

“Đó cũng là lý do để mỗi ngày, tôi càng thấy mình gắn bó hơn với nghề công tác Hội” - chị Yến tâm sự khi kể về những mảnh đời dần đổi thay theo hướng tích cực mà chị là người đã góp một phần tâm sức cho sự đổi thay đó. 

THU LÊ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI