Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người là triển lãm đang được dư luận quan tâm trong những ngày qua. Với không gian triển lãm tại trung tâm TP.HCM, sự kiện này đã thu hút hơn 6.000 lượt khách với giá vé 200.000 đồng/lượt.
Tuy nhiên, khi sự bí ẩn còn chưa hé lộ hết thì nhiều ý kiến đã phản đối sự kiện, bởi hơn 130 mẫu vật được trưng bày đều được nhựa hóa từ cơ thể người thật. Ngoài sự bí ẩn về nguồn gốc của những thi thể, dư luận còn cho rằng việc trưng bày thi thể người thật là việc làm không nhân văn.
|
Một mẫu vật trong triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người |
Nói về quan niệm của người Á đông dành cho người đã khuất, GS.TS Trần Ngọc Thêm cho biết: “Trong quan niệm chung của người phương Đông, thế giới luôn tồn tại hai cõi âm - dương tách biệt. Người chết chưa phải là hết. Cõi dương, dành cho người sống, có tính chất động. Còn cõi âm, dành cho người chết, mang tính chất tĩnh. Nghĩa rằng, cơ thể người chết luôn phải được chôn cất, giữ ở trạng thái tĩnh, sự tĩnh lặng tuyệt đối, không nên có sự tác động nào”.
Việc bảo vệ, giữ gìn thi hài đối với các quốc gia phương Đông rất được xem trọng, trừ một số nơi có tập tục khác như thủy táng, thiên táng... Với người Việt, từ xa xưa, việc các cụ già tự chuẩn bị cỗ hậu (cỗ thọ, quan tài, áo quan) rồi đặt cạnh bàn thờ, được xem như một tục lệ bình thường. Người kỹ tính hơn sẽ cho xây thêm chiếc quách bên ngoài.
Với vua chúa, quan lại hoặc những người có chức sắc trong xã hội, việc làm này còn long trọng, kỹ lưỡng hơn bằng cách xây dựng những phần mộ, lăng tẩm kiêng cố, uy nghi, thậm chí từ khi mới lên ngôi. Riêng vua chúa, để bảo vệ thi hài sau khi qua đời, thường vị trí lăng sẽ không đồng nhất với vị trí được chôn cất.
Cơ thể người chết còn được tắm rửa kỹ lưỡng, thay quần áo mới, gọi là lễ mộc đục. Người Việt cũng tránh những việc mổ xẻ, khai quật thi thể người đã khuất, để tránh những điềm gở. Ngoài ra, một số tục lệ kiêng kỵ khác cũng được duy trì như: không để người chết ở trần, không để chó mèo nhảy qua xác người, không để nước mắt người sống rơi vào thân thể người chết...
|
GS.TS Trần Ngọc Thêm cho rằng, người chết cần được tôn trọng về cơ thể, phải đặt ở nơi yên tĩnh hoàn toàn |
Người dân tộc Thái khi chết đi, thi thể còn được bảo vệ bằng cách cuốn bằng vải trắng, do người Thái làm, sau đó được cuốn tiếp vào chăn bông và cót ép. Với người Kh’mer, xương cốt sau khi hỏa táng hoặc địa táng đều được gửi lên chùa. Với người Ba-na, người chết vẫn được lo cơm ăn, nước uống hằng ngày, thậm chí chia của như người còn sống. Họ được xây nhà mồ khang trang. Thậm chí, thân gỗ làm quan tài cũng được chuẩn bị từ trước đó rất lâu.
Trong cuốn Nghi lễ của người Trung Hoa do Bùi Quang Tiêu chủ biên (nhà xuất bản Thanh Hóa, 2007) có đề cập đến 9 quy trình trong tang ma của người Trung Quốc. Theo đó, cơ thể người chết được thực hiện từng thao tác rất cẩn thận, từ việc đặt hướng nằm khi vừa nhắm mắt cho đến lúc đặt vào áo quan. Khi thi hài đã lọt vào áo quan, phải cắt bỏ hết mọi dây buộc chân, buộc tay để người chết có thể được nằm thoải mái, dẫu sự sống sinh học đến đây đã dừng lại. Cơ thể người chết cũng được trang điểm để tươi tắn, xinh đẹp như thuở còn sinh thời. Đến nay, tục lệ này đã lan truyền sang một số quốc gia lân cận.
Người Lào cũng xem trọng cơ thể người chết. Sau khi tắm bằng nước nóng hay nước lạnh, người chết sẽ được tắm lại bằng nước thơm hoặc dùng nước dừa để rửa mặt. Việc chải tóc, mặc trang phục, quấn vải khâm liệm cho người chết cũng được thực hiện theo đúng nguyên tắc (lược bẻ gãy làm đôi, một phần tóc chải về phía sau, mái chải về phía trước, mặc hai bộ trang phục - bộ bên trong lộn trái, bộ bên ngoài mặc bình thường…). Đây được xem là những nghĩa cử cung kính giữa người còn sống với cơ thể người đã khuất. Hướng đặt thi hài sao cho linh hồn của người quá cố có thể siêu thoát cũng là điều được xem trọng.
Một dân tộc tại Indonesia lại có phong tục giữ thân thể của người đã khuất trong gia đình hàng tháng đến vài năm trước khi mang đi chôn cất, bởi sự lưu luyến với người thân. Thậm chí, khi đã chôn cất nhiều năm, các thi thể đều được khai quật lên để lau rửa, trang điểm, thay quần áo mới để thể hiện tình cảm của người còn sống với người đã khuất. Dù phong tục này vấp phải nhiều chỉ trích, khi xã hội đã phát triển, ở một góc độ nào đó, vẫn cho thấy được quan điểm của người phương Đông - luôn dành sự tôn trọng cho thân thể người chết.
|
Một dân tộc tại Indonesia có phong tục trang điểm, thay quần áo cho xác người chết sau nhiều năm |
“Quan niệm văn hóa của người Việt Nam luôn xem trọng chữ nhân, con người là trên hết, nên mọi việc làm ảnh hưởng đến người chết là không nên”, PGS.TS Phan An - Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ - nói.
Việc hàng trăm mẫu vật trưng bày được làm từ xác người thật khiến không ít người Việt bị sốc với hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Nguồn gốc thi thể ở đâu? Người thân, gia đình họ nghĩ gì khi cơ thể bị xé phanh ra từng mảng như thế? Người đàn ông nào đủ can đảm để hiến xác người vợ đang mang thai 5 tháng? Người mẹ nào đã hiến bào thai của mình?... Khoa học có lý lẽ của khoa học, nhưng văn hóa cũng có tiếng nói riêng.
|
Mẫu vật người mẹ đang mang thai ở tháng thứ 5 được trưng bày trong triển lãm |
Không riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới đã có những không gian trưng bày thi thể người, để hiểu về sinh học, lịch sử, nhưng đó không phải là sự kiện mang tính đại chúng, hay kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi. Tại Pháp, Úc hay Mỹ... cũng đều đã có những phản ứng quanh triển lãm xác người. Riêng Pháp đã cấm loại hình triển lãm này vào năm 2010.
Thụy Khuê