Theo một nghiên cứu từ Đại học Oberta de Catalunya (Tây Ban Nha) được công bố đầu năm nay, gần 60% người dân Tây Ban Nha biết rằng côn trùng có thể trở thành nguồn protein thay thế và bền vững trong tương lai. Nhưng cứ 5 người thì có 4 người không sẵn sàng thêm chúng vào chế độ ăn uống với hàng loạt lý do từ ghê sợ đến nghi ngờ về an toàn thực phẩm.
Antoine Hubert - đồng sáng lập và Giám đốc điều hành công ty sản xuất và phân phối protein côn trùng lớn nhất thế giới Ÿnsect (Pháp) - cho rằng cần thay đổi hệ thống thực phẩm của chúng ta. “Thực phẩm là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học mà chúng ta đang chứng kiến trong vài thập niên qua và cũng là nguyên nhân thứ hai gây biến đổi khí hậu”.
|
Ngày nay, côn trùng được nuôi phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới - Ảnh: THE CONVERSATION |
Ông tin rằng côn trùng - cùng với protein thực vật và việc giảm lãng phí thực phẩm - có vai trò quan trọng trên hành trình hướng tới một hệ thống thực phẩm bền vững.
Lợi ích từ côn trùng
Theo Antoine Hubert, một trong những điều mọi người đặc biệt quan tâm khi nói đến các sản phẩm của Ÿnsect là tác động môi trường. Lượng khí carbon phát thải từ côn trùng ít hơn 95% so với bò. Lượng nước tiêu thụ trong hoạt động chăn nuôi côn trùng cũng ít hơn 95 - 98% so với chăn nuôi bò và heo. Chăn nuôi côn trùng còn giúp tiết kiệm diện tích đất.
Tiến sĩ Nathalie Berezina - Giám đốc công nghệ Công ty FlyFeed có trụ sở ở Estonia đang hướng tới việc sử dụng côn trùng để chuyển đổi chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu - nói rằng việc nuôi những con vật này cũng có thể đóng góp cho nền kinh tế tuần hoàn. Đồng Tháp (Việt Nam) là nơi đầu tiên FlyFeed đặt trang trại nuôi côn trùng để sản xuất protein, a xít béo và phân bón từ côn trùng cung cấp cho thị trường.
|
Sản phẩm burger côn trùng giàu protein của Essento - một công ty của Thụy Sĩ chuyên về côn trùng ăn được - Ảnh: ESSENTO |
“Sâu bột chủ yếu ăn thức ăn thừa từ ngũ cốc còn ruồi đen ăn chất thải hữu cơ như trái cây hoặc rau củ thừa…” - cô thông tin. Đó là lý do chúng ta nên sử dụng những con vật đó nhiều hơn bởi chúng đã phát triển một hệ thống rất đặc biệt cho phép tiêu hóa các loại thức ăn thừa khác nhau. Điều này làm cho côn trùng trở nên thực sự có ý nghĩa đối với nền kinh tế tuần hoàn.
Những động vật nhỏ thường có tuổi thọ ngắn. Các điều kiện để nuôi côn trùng cũng thường khá đơn giản. Kết hợp với chất nền (bề mặt một sinh vật sinh sống hoặc chất mà enzyme có thể hoạt động trên đó) giá rẻ có thể giúp tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất protein côn trùng và giải quyết tình trạng khủng hoảng lương thực đang diễn ra trên toàn cầu hiện nay.
Vì sao còn nhiều trở ngại?
Một trong những trở ngại lớn nhất trong việc sản xuất protein côn trùng ở EU (Liên minh châu Âu) là vấn đề pháp lý nhưng vấn đề đó đã thay đổi trong năm qua với việc một số sản phẩm đã được chấp thuận.
“Sự công nhận này là một trong những cột mốc quan trọng của công ty trong 10 năm qua. Điều này có nghĩa thị trường thực phẩm cho con người giờ đây có thể phát triển nhanh chóng” - Hubert nói. Các sản phẩm của Ÿnsect đã được Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu “bật đèn xanh” trên toàn EU.
Hubert cho biết thêm hạn chế thứ hai là công nghệ và số lượng. Tuy vậy, hiện Ÿnsect có thể cung cấp đủ số lượng đơn hàng cho thị trường châu Âu.
“Côn trùng không phải là loại thực phẩm người châu Âu quen tiêu thụ” - Berezina nói. Tuy nhiên, cô đã chỉ ra rằng ẩm thực Pháp thường sử dụng ốc sên, ếch và hàu - những loại thực phẩm vốn xa lạ với hầu hết các quốc gia châu Âu - trong các món ăn.
"Escargot" là một trong những món ăn trứ danh, nổi tiếng khắp thế giới của người Pháp. Món ăn này sử dụng nguyên liệu chính là ốc sên ăn kèm xốt bơ và ngò tây. Hàu cũng là món yêu thích của người Pháp. Họ thường ăn hàu sống cùng bánh mì, bơ, muối, tiêu và chanh kết hợp cùng một ly rượu vang.
Berezina tin rằng để kết hợp được côn trùng vào các món ăn khác nhau, cần làm cho mọi thứ trở nên ngon miệng.
“Mục đích của chúng tôi không phải là thuyết phục mọi người tiêu thụ thực phẩm côn trùng mà chỉ đưa ra những đề xuất về loại thực phẩm này bên cạnh các sự lựa chọn quen thuộc: thực vật, tảo, nấm…” - Hubert nói.
Người châu Âu có sẵn sàng thay thế thịt bằng côn trùng?
Thị trường côn trùng ăn được ở châu Âu và châu Mỹ đang phát triển. Mặc dù chỉ 10,3% người châu Âu nói rằng họ sẵn sàng thay thế thịt bằng côn trùng nhưng thị trường côn trùng ăn được dự kiến sẽ đạt 4,63 tỉ USD vào năm 2027.
|
Côn trùng chế biến sẵn được bày bán tại một khu chợ ở Thái Lan - Ảnh: THE CONVERSATION |
Khả năng chấp nhận thực phẩm có thể thay đổi theo thời gian. Cà chua từng được coi là độc ở Anh và bị loại bỏ trong hơn 200 năm. Tôm hùm - hiện là một món ngon đắt tiền - trước đây thường được dùng làm phân bón, mồi câu cá. Tôm hùm chỉ trở thành món ăn thời thượng từ giữa thế kỷ XVIII. Thị trường tôm hùm toàn cầu dự kiến sẽ đạt 11,1 tỉ USD vào năm 2027.
Việc tiêu thụ côn trùng ở châu Âu cũng có thể trở nên bình thường hóa. Người tiêu dùng phương Tây ngày càng sẵn sàng tiêu thụ thực phẩm chế biến từ côn trùng. Kết hợp côn trùng vào các mặt hàng thực phẩm quen thuộc như bột mì - món côn trùng chiên giòn - được cho là cách đơn giản nhất để chúng trở nên hấp dẫn hơn.
Côn trùng ăn được không phải là giải pháp duy nhất để đạt được một hệ thống thực phẩm bền vững. Tuy nhiên, chúng cung cấp một chất thay thế bổ dưỡng và bền vững hơn nguồn thịt thông thường.
Trong một cuộc thăm dò khác do công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường YouGov (Anh) thực hiện vào năm 2021, Pháp dường như là quốc gia dễ chấp nhận ý tưởng ăn côn trùng nhất.
24% người Đức và 22% người Đan Mạch được khảo sát cho biết họ sẵn sàng ăn thực phẩm có chứa bột côn trùng. Ý và Ba Lan là những quốc gia phản đối ý tưởng này với chỉ 17% và 18% số người được hỏi sẵn sàng ăn côn trùng thường xuyên.
Một báo cáo năm 2022 từ Cơ quan Môi trường của Đức (UBA) cho thấy 80% người dân Đức ghê sợ ý tưởng ăn côn trùng.
Cùng với tình trạng ô nhiễm do ngành công nghiệp thịt và sữa gây ra và vấn đề gia tăng dân số quá nhanh, đột ngột trên thế giới, ngày càng nhiều nhà khoa học tin rằng côn trùng có thể là chìa khóa hạn chế biến đổi khí hậu. Theo Liên hiệp quốc, ngành công nghiệp thịt và sữa chiếm 14,5% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Tháng 1/2023, EU đã phê duyệt thêm 2 loại côn trùng dùng làm thực phẩm cho con người: dế nhà và sâu bột nhỏ - ấu trùng của bọ alphitobius diaperinus, một loài côn trùng thuộc họ tenebrionidae (bọ cánh cứng đen). Trước đó, EU đã công nhận sâu bột vàng và châu chấu. Theo EU, việc tiêu thụ côn trùng đóng góp tích cực cho môi trường, sức khỏe và sinh kế. Họ cũng quy định rằng những thực phẩm này phải được dán nhãn rõ ràng. Động thái này có thể đẩy nhanh quá trình chuyển sang chế độ ăn ít gây hại cho môi trường hơn. Ví dụ, ở Đức, khoảng một nửa dân số có kế hoạch ăn ít thịt hơn, trong khi ở Mỹ, mọi người vẫn ăn nhiều thịt nhưng đổi thịt bò lấy các loại thịt ít gây ô nhiễm hơn như thịt gà. Protein côn trùng có thể cung cấp một giải pháp thay thế với giá cả hợp lý - đặc biệt là đối với thực phẩm chế biến sẵn. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 cho thấy việc nuôi sâu bột vàng như nguồn cung cấp protein sử dụng đất ít hơn 70% và tạo ra khí nhà kính ít hơn 23% so với việc lấy cùng một lượng protein từ việc nuôi gà. |
Thụy Ngọc