Người châu Á ở nước ngoài: Hòa nhập, không hòa tan

30/01/2014 - 21:09

PNO - PN - Những ngày giáp Tết, những người Việt ở nước ngoài cứ nhìn thấy nhành mai nở sớm ở quê nhà mà bạn bè đưa lên Facebook là nôn nao nỗi nhớ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thích nghi

Người nhập cư châu Á là nhóm cộng đồng phát triển nhanh nhất ở Mỹ, chiếm 60% sự gia tăng dân số ở đất nước cờ hoa (theo báo cáo của Cục Điều tra dân số Mỹ năm 2013). Tại Úc, sự bùng nổ dân nhập cư châu Á đang định hình lại cơ cấu dân số của Úc, vốn thống trị bởi những người châu Âu đến từ sau Thế chiến thứ II (theo báo cáo Cục Thống kê Úc năm 2012). Hòa nhập mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa của người Á Đông là điều không dễ dàng.

Hai tấm chăn dày được cột chặt bằng một chiếc cà vạt đặt gần một cái gối trên ghế sofa trong phòng khách nhà bà Phương Lu. Cụ Doanh Nguyễn, 81 tuổi, mẹ của bà Lu, đã chuẩn bị những tấm chăn cho một chuyến đi xa. Cụ Doanh cũng tháo hết ảnh gia đình treo ở phòng khách xuống, gói ghém lại. “Mẹ tôi đã sẵn sàng mọi thứ để về Việt Nam”, bà Phương giải thích. Nhưng, cụ Doanh chẳng đi đâu cả. Cửa đã bị khóa để ngăn không cho cụ ra ngoài. Cụ bị bệnh Alzheimer và con cụ - bà Phương, 61 tuổi, thợ làm móng tay, phải nghỉ việc hai năm trước để ở nhà chăm sóc mẹ.

Nguoi chau A o nuoc ngoai: Hoa nhap, khong hoa tan

Việc chăm sóc người già gốc Á ở Mỹ có đặc thù văn hóa riêng

Lòng hiếu thảo và tôn kính người lớn tuổi là một trong những nét đạo đức văn hóa của người châu Á. Con cái có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ khi về già. Nhưng, trong cuộc mưu sinh hối hả ở Mỹ, do hoàn cảnh, bố mẹ và con cái không sống gần nhau hoặc con cái đều phải đi làm, lối sống trên đang phải thay đổi để dung hòa giữa việc giữ gìn truyền thống và sự thích nghi với hoàn cảnh. Các nhà dưỡng lão và các cơ sở hỗ trợ sinh hoạt người lớn tuổi theo kiểu châu Á được lập ở Souderton, bang Pensylvania. Cách đây ba năm, những dịch vụ như thế rất hiếm thấy.

Nhu cầu có những trung tâm dịch vụ chăm sóc người già theo đặc thù văn hóa riêng của châu Á đang ngày càng tăng. Dịch vụ này cho phép người Mỹ gốc Á vẫn giữ những người thân yêu của mình ở nhà, nơi họ sử dụng ngôn ngữ của mình và được ăn các món quen thuộc. Điều này hoàn toàn khác biệt với văn hóa phương Tây vốn đề cao tự do cá nhân. Sự gần gũi người thân và tình cảm ấm áp của gia đình là những điều mà các cụ tìm kiếm trong đoạn đường cuối của cuộc đời.

Thế hệ “boba”

Đến Factory Tea Bar (Nam California) bất kỳ buổi tối nào sau chín giờ sẽ thấy sinh viên và các giảng viên đầy nghẹt. Nhưng, quán không phục vụ nước uống có cồn, chỉ có trà sữa trân châu, mà người ta quen gọi là “boba”. Có nguồn gốc từ Đài Loan, thức uống này lan sang các nước láng giềng và giờ đang xuất hiện ngày càng nhiều ở những cộng đồng gốc Á tại Bắc Mỹ.

Nguoi chau A o nuoc ngoai: Hoa nhap, khong hoa tan

Ảnh: Ngọc Hồ.

Tiffany Porter, một khách người Mỹ gốc Hoa ở quán Factory Tea Bar giải thích: “Boba là độc nhất của người châu Á. Nếu một người gốc Á tại Mỹ muốn cảm thấy thoải mái và tìm chút không khí quê nhà thì nên đến một quán bán boba, nơi họ có thể trò chuyện thoải mái và trao đổi thông tin với những đồng hương của mình”.

Tiffany Porter là đối tượng nhà xã hội học Wang Oliver gọi là “thế hệ boba”. Theo ông Wang, “thế hệ boba” mở rộng từ thế hệ trẻ thanh niên gốc Á ngày nay trở ngược về trước khoảng 20 đến 30 năm, khoảng thời gian mà những suy nghĩ, khái niệm về người châu Á ở miền Nam California có nhiều thay đổi. Thời gian trước, người Mỹ gốc Á dường như “vô hình”, nhưng ngày nay chuyện đó đã thay đổi, nhiều gương mặt châu Á xuất hiện trên truyền hình và các phương tiện truyền thông. Họ không còn rập khuôn như xưa mà là một chân dung châu Á khác, hòa nhập, tự tin và năng động.

“Văn hóa Boba” tại miền Nam California đã được chấp nhận bởi những người đến từ khắp châu Á và trở thành một phần trong cuộc sống của người gốc Á. Đó cũng là lối sống người Mỹ gốc Á đang lan rộng khắp nước Mỹ. Ở các trường đại học hoặc ở đâu có người Hoa thì ở đó có ít nhất một quán boba và tất cả những người châu Á đều biết về nó. Những quán cà phê Boba đã trở thành một biểu tượng của sự thay đổi văn hóa của thế hệ châu Á “Tây hóa”.

Tìm kiếm chính mình

Câu chuyện của Michele Lee, người Australia gốc Lào cho thấy một cái nhìn khác về thế hệ người châu Á ở nước ngoài. Cô gái 34 tuổi này là con thứ ba trong số bảy anh chị em. Mẹ cô di cư đến Úc vào những năm 1970 và gặp cha cô, từng là một du học sinh tại Lào. Mang trong mình dòng máu Á Đông nhưng cô là “dân Tây” chính hiệu, được giáo dục và trưởng thành trong một xã hội hoàn toàn khác biệt với văn hóa phương Đông.

Nguoi chau A o nuoc ngoai: Hoa nhap, khong hoa tan

Chở xuân về nhà. Ảnh: Ngọc Hồ.

Hiện sống ở Melbourne, Michele Lee là một phụ nữ Úc điển hình mà hầu hết các cô gái Úc mơ ước: có học thức, đi du lịch những nơi mình muốn và có một sự nghiệp khá tốt, là nhà văn, nhà viết kịch. Tên tuổi của cô bắt đầu được chú ý khi cô phát hành quyển Banana Girl vào năm ngoái, kể về cuộc đời mình - một cô gái gốc Á lớn lên trong một thế giới khác xa so với văn hóa cổ xưa của những người họ hàng dân tộc H’mong của Lào.

Hấp thụ lối sống phương Tây, Michele Lee trải nghiệm cuộc sống như dân hippi đích thực ở vùng ngoại ô Melbourne. Quyển sách của cô đã làm bùng nổ dư luận, khi vẽ lên cuộc sống của một phụ nữ trẻ phức tạp và hấp dẫn đi tìm chính mình vì chơi vơi giữa hai thế giới Đông - Tây khác biệt. Dù có cuộc sống… như Tây nhưng với Lee, cội nguồn gốc Á là một phần không thể phủ nhận, với những chuyến về thăm quê hương thường xuyên.

 AN KHUÊ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI