Người châu Á ở Đức trở thành mục tiêu phân biệt chủng tộc và bạo lực

20/03/2021 - 12:17

PNO - Định kiến chủng tộc về người châu Á vốn rất nhiều ở Đức, và thường chuyển sang hành vi tấn công thân thể. Cũng như ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới, COVID-19 chính là nguyên nhân thúc đẩy tình trạng phân biệt chủng tộc chống người châu Á.

Sinh viên nhiều quốc gia, trong đó có nhiều người đến từ châu Á, ngồi học trên giảng đường một trường đại học ở thành phố Zwickau, bang Saxony (Đức) - Ảnh: DW
Sinh viên đa quốc gia, trong đó có nhiều người đến từ châu Á, ngồi học trên giảng đường một trường đại học ở thành phố Zwickau, bang Saxony (Đức) - Ảnh: DW

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc “cắm rễ trong xã hội Đức”

"Người Trung Quốc, người châu Á, chúng mày đến đây làm gì?" Những lời này nhắm vào Zacky, một sinh viên Indonesia ở Đức khi anh ta đi trên phố ở Berlin. Một lần anh thực sự bị một người đàn ông tấn công khi đi bộ gần Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên của thành phố.

Puspa, một cô gái đến từ Indonesia như Zacky và là sinh viên tại Đại học Bonn, cũng có những trải nghiệm về phân biệt chủng tộc. Đêm giao thừa năm mới, khi rời gia đình một người bạn đi bộ về nhà, có ai đó đã ném pháo vào người cô. Do có kinh nghiệm từ trước nên Puspa mang khăn trùm đầu.

Nhà làm phim tài liệu Trung Quốc Popo Fan (có trụ sở tại Berlin) kể lại những trải nghiệm đau đớn với nạn phân biệt chủng tộc trong tàu điện ngầm Berlin. Vào năm 2019, trước đại dịch, Fan đi đến nhà ga Kottbusser Tor và một gã đàn ông hét vào mặt anh: “Hãy cút về Trung Quốc!". Khi sự cố xảy ra, xung quanh anh có mặt 7-8 hành khách, nhưng không ai có ý kiến gì cả. "Không ai giúp tôi, thậm chí không ai ngước nhìn, mọi người chỉ tập trung vào điện thoại của mình, cũng có người ngước mắt lên nhưng chỉ trong giây lát".

Thái độ phân biệt chủng tộc đối với những người gốc Á nổi lên gay gắt sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, nhưng thành kiến ​​đối với người châu Á đã xuất hiện từ lâu ở Đức.

Cảnh sát ở Rostock-Lichtenhagen triển khai các biện pháp chống phát xít mới trong cuộc bạo động năm 1992 - Ảnh: DW
Cảnh sát ở Rostock-Lichtenhagen triển khai các biện pháp chống phát xít mới trong cuộc bạo động năm 1992 - Ảnh: DW

Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống người châu Á gia tăng kể từ sau đại dịch

Kể từ khi COVID-19 bùng phát ở Đức vào năm ngoái, định kiến ​​phân biệt chủng tộc chống người châu Á ngày càng lộ rõ. Nhà làm phim Pop Fan nhớ lại việc anh bị chửi bới và gọi là "Corona" (Coronavirus) trong tàu điện ngầm. Anh kể lại: "Tôi đến gặp cảnh sát và nói rằng họ phải hành động, nhưng họ không làm gì cả. Tôi hỏi thẳng, các ngài đang chờ đợi điều gì? Hay chờ tôi bị người ta dùng súng bắn chết?”. Từ đó, Fan quyết định tránh xa hệ thống giao thông công cộng ở Berlin, tránh xa trải nghiệm mang lại cho anh những ký ức đau buồn.

Popo Fan cho biết, sự phân biệt chủng tộc chống người châu Á ở Đức có nhiều hình thức, anh lưu ý rằng truyền hình Đức hầu như không có các nhân vật châu Á. Ngay cả khi người châu Á xuất hiện trên màn ảnh, họ cũng có xu hướng khắc họa những định kiến ​​như "cô bồi bàn trong một nhà hàng châu Á" hay "cô gái làm việc ở tiệm spa", anh nói.

Những định kiến ​​cũng ngấm dần vào thế giới hẹn hò. Anh Fan nói: “Trong cộng đồng người đồng tính, cũng có định kiến. "Những người đàn ông trên ứng dụng hẹn hò Grindr nói rằng họ sẽ không quan hệ với đàn ông châu Á bởi vì họ nghe nói điều đó giống như quan hệ tình dục với cá heo”.

Một ví dụ khác về nạn phân biệt chủng tộc chống lại người châu Á trên các phương tiện truyền thông Đức gây xôn xao gần đây, khi Matthias Matuschik, người dẫn chương trình trên đài phát thanh Bayern 3 của Bavaria, đã so sánh nhóm nhạc nam BTS của K-pop với virus COVID-19 sau khi họ cover ca khúc Coldplay "Fix You”. Anh ta mô tả BTS như "một loại virus độc hại và hy vọng rằng sẽ sớm có vắc-xin”. Mạng xã hội toàn cầu đã phản ứng dữ dội sau tuyên bố của Matuschik.

Tuy nhiên, Michelle, một phụ nữ trẻ Trung Quốc sống ở Bonn, nói rằng cô cảm thấy mình được chấp nhận ở Đức. "Những người cần chỉ đường thường hỏi tôi mặc dù tôi trông giống người ngoại quốc", cô nói. Ban đầu, cô cảm thấy có sự phân biệt đối xử, nhưng cô tin rằng đó có thể là do sự hiểu lầm văn hóa.

Thanh niên ''xuống đường'' chống phân biệt chủng tộc

Trong khi đó, thanh niên Đức đang tham gia nhiều hơn vào các vấn đề chống phân biệt chủng tộc và thường cởi mở và dễ chấp nhận hơn, theo Frank Joung, người dẫn chương trình podcast Halbe Kattofl (Half Potato) nhằm thúc đẩy đối thoại giữa những người Đức có nguồn gốc nhập cư.

Joung cho biết, “họ là những người trẻ tuổi, thường trò chuyện với mọi người trên khắp thế giới, họ kết nối với nhau thông qua các ứng dụng, họ nghe nhạc K-pop, xem Black Panther. Tôi cho rằng họ thậm chí còn không nghĩ xem ai là người da màu hay da trắng”.

Nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc Kocak chia sẻ cảm xúc: "Với phong trào Black Lives Matter và các phong trào chống phân biệt chủng tộc sau vụ Hanau, một điều gì đó đã xảy ra". Hanau là một thị trấn gần Frankfurt của Đức, nơi xảy ra vụ xả súng hàng loạt hồi tháng 2/2020 tại một quán bar hút shisha, giết chết một số người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Kocak tuyên bố: “Chúng ta đang sống trong một thế giới bất công và chúng ta cần đoàn kết nhiều hơn, những người trẻ tuổi nhận ra sứ mệnh này và họ xuống đường chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”.

Hoàng Diệu (theo DW)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI