Người cha tội nghiệp

07/05/2015 - 11:41

PNO - PN - “Tôi không cho rằng số phận mình hẩm hiu, mà chỉ thương các con tôi quá bất hạnh. Tự nhủ không được yếu đuối, mà phải gắng nuôi con bằng mọi giá, đó là cách duy nhất bù đắp lại nỗi đau bệnh tật mà các con đang mang”, anh Đặng Hữu Nghị, 38 tuổi, tạm trú tại P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM trút tâm can.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nguoi cha toi nghiep

Anh Nghị cho bé Tùng uống sửa

HỌA VÔ ĐƠN CHÍ

Vợ chồng anh Đặng Hữu Nghị và chị Đoàn Thị Huyền quen biết nhau tại TP.HCM. Họ là đồng hương xứ Huế, yêu nhau, cưới nhau, rồi mừng vui chào đón đứa con trai đầu lòng. Không may mắn, khi con trai mắc bệnh “đầu nhỏ”. Ngất lịm trước hình hài con, vợ chồng anh Nghị dù rất nghèo, vẫn kiên trì đưa con đi chữa trị. Nhưng từ Bệnh viện Trung ương Huế, đến bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM đều kết luận cháu Đặng Hữu Toàn (hiện 11 tuổi) bị bệnh teo não, khó can thiệp. Đưa con về nhà, thất vọng, đau buồn, họ tự bảo cố gắng chăm sóc giúp con tăng thể lực, luôn gần gũi con, tập cho con những kỹ năng cần thiết.

Hai năm sau, chị Huyền mang thai đứa con thứ hai. Những đợt thăm khám thai, các bác sĩ không phát hiện bệnh. Đứa em mắc bệnh giống anh. “Núm ruột của mình thì mình phải thương, phải nuôi, dù có khó khăn trăm bề”, anh Nghị luôn nói thế khi nhìn hai đứa con lăn lộn trong căn phòng chưa đầy 20m2. Anh nghị phụ hồ, chị Huyền làm công nhân may. Không trụ nổi ở TP.HCM, họ dắt díu về Huế sinh sống, hy vọng có nội ngoại hai bên giúp đỡ.

Về Huế, chị Huyền ở nhà chăm con, anh Nghị ngược lên rừng làm phu trầm, đãi vàng... Vợ chồng thỉnh thoảng mới gặp nhau. Nhớ vợ con, anh đành chịu, cố nén nỗi đau, lo kiếm tiền gửi về quê nuôi vợ con. “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, chưa bao giờ anh cảm nhận điều đó như những năm tháng gắn bó với rừng ở địa bàn các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, đến Phú Yên. Ở nhà, chăm hai đứa con bệnh tật quá vất vả, lại không có chồng bên cạnh, không ít lần chị Huyền nản chí. Rồi chị lại vướng vào chuyện cờ bạc. Họ ra tòa ly hôn.

Tài sản duy nhất của họ là mỗi người nhận nuôi một đứa con tật nguyền. Mẹ anh Nghị đã già, không thể nào chăm nổi đứa cháu bị bệnh, lại cứ liên tục đập phá đồ đạc, nên anh đành mang con đứa con trai lớn quay trở vào TP.HCM sinh sống bằng việc bán vé số dạo. Anh bảo chọn công việc này là phù hợp, vừa có điều kiện bế con theo cùng. Hồi thanh niên, anh chỉ cân nặng 46kg, khi làm phụ hồ phải vác bao xi măng 50kg, nên bị vẹo cột sống. Giờ anh không thể làm việc nặng. Một vài cơ sở giữ trẻ không đồng ý giữ trẻ khuyết tật, còn chỗ nhận nuôi thì số tiền tăng gấp đôi trẻ bình thường, anh không kham nổi.

Trong khi đó, chị Huyền cùng đứa con trai nhỏ, cháu Đặng Hữu Tùng (chín tuổi) đang sinh sống ở Nha Trang. Sinh con với người khác, chị gọi điện thoại đề nghị chồng cũ nuôi cháu Tùng. Thế là anh đón cháu Tùng về nhà. Trong căn phòng trọ trống hoác, anh chua chát bảo: “Tôi phải là điểm tựa cho các con, dù chúng không hiểu được gì cả. Các con đã không có mẹ bên cạnh, thì phải có cha. Mình phải bù đắp, dù chỉ là chút tình thương. Tôi luôn xót xa nghĩ về chuyện nuôi con, không hy vọng con sẽ khôn lớn như bao đứa trẻ khác”.

Nguoi cha toi nghiep

Hai anh em Toàn, Tùng bị nhốt trong khung củi, tại phòng trọ

NHƯ HÌNH VỚI BÓNG

Điều duy nhất mà anh Nghị cho rằng con mình có thể “biết” là thỉnh thoảng cháu Toàn đến hôn lên tóc, lên má anh. Hình như cháu biết cảm nhận nỗi nhọc nhằn và tình thương vô bờ của cha. Cháu còn biết nghe ai đó gọi tên mình, biết chạy lại lay người, đánh thức em dậy. Bấy nhiêu đó cũng đủ để anh Nghị vui. Ba cha con sống cùng nhau, như hình với bóng, đi đâu anh Nghị cũng phải “gom” theo cùng. Anh không thể rời con, dù chỉ vài phút. Toàn có vẻ “chịu đi” hơn em. Toàn đi lòng vòng trong nhà, thấy gì cũng cầm ngắm, săm soi; còn bé Tùng vừa nằm vừa “búng” để di chuyển, rất khó khăn.

Hai anh em với thân hình gầy còm, đầu nhỏ, cặp tai to, giống nhau như đúc. Khi các con uống sữa, ăn cơm, hay mặc quần áo, đều một tay anh Nghị lo. Nhà không có bếp, nên có phần lạnh lẽo. Anh Nghị không dám nấu nướng trong phòng vì các cháu đụng gì quăng nấy, rất nguy hiểm. Theo cha buôn bán về khuya, các cháu thường ngủ tới 11 giờ trưa mới dậy. Sau khi vệ sinh cho các con, ba cha con cùng đi mua cơm, rồi cùng về nhà ăn uống. Bất cứ khi nào, nơi đâu, các con anh Nghị cũng có thể ném, phá, nên ngay cả trong bữa ăn, anh cũng phải hết sức “cảnh giác” với các con. Đi buôn bán, cũng phải kéo theo hai cái “rờ mọt” ấy, bằng cách đóng một cái cũi bằng gỗ, rồi “thảy” hai đứa vào trong.

Anh Nghị bán kẹo bánh cho người đi đường. Vài người dừng lại cho các cháu ít tiền, nhưng phần nhiều là khách hiếu kỳ, dừng xem những biểu hiện lạ của hai đứa trẻ. Anh Nghị đau đớn kể rằng, rất nhiều người từng thẳng thừng lớn tiếng “thằng cha kia ngon lành, sao lại đẻ ra hai đứa con dị dạng như thế. Chắc là nó mướn hai đứa trẻ để mua lòng thương thiên hạ đây...”, rồi họ gọi điện thoại báo công an tới đuổi cha con anh đi nơi khác. Với anh, mỗi đồng tiền người khác cho là một món nợ, có sướng ích gì. Chẳng ai nỡ mang con ra để kiếm tiền như người khác nghĩ. Mà không đi buôn bán, lấy gì nuôi sống các con... Nhưng anh cũng chẳng dám trách người đời, bởi đã có quá nhiều kẻ lợi dụng trẻ em để trục lợi.

Ba cha con anh đi bán không đều đặn, vì có hôm cả hai đứa trẻ đều bệnh. Anh nói vui nhưng nghe thật cay đắng: “Nhiều lúc tôi nói chuyện với các con cứ như là nói chuyện với người hiểu biết. Nói để bày tỏ nỗi lòng, dù các con không hưởng ứng, tôi vẫn cảm thấy vui. Cố lo cho các con được ngày nào, tôi hạnh phúc ngày đó”.

 SONG NGUYÊN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI