Người cha mất con và hành trình cứu lấy người trẻ chán sống, muốn tự tử tập thể

10/09/2018 - 07:29

PNO - Bài viết trên tờ SCMP như hồi chuông cảnh báo xã hội và gia đình về sự tồn tại của “đường dây” tự tử tập thể, được xem là lối thoát cứu rỗi người trẻ bế tắc.

“Muốn chết chung không?”

Nguoi cha mat con va hanh trinh cuu lay nguoi tre chan song, muon tu tu tap the
Ngày 10/9 là “Ngày thế giới ngăn chặn tự tử”.

Bài viết của SCMP đăng tải đúng vào dịp kỷ niệm “Ngày thế giới ngăn chặn tự tử” 10/9 đã vạch trần sự tồn tại của những nhóm tự tử hoạt động bí mật, thể hiện cách nghĩ lệch lạc, âm thầm phá hủy cả một thế hệ.

“Muốn chết chung không?” – Cậu con trai 21 tuổi của anh Hu Jianguo đã nhận tin nhắn như thế trên một mạng xã hội, và cậu đã đồng ý. Phải mất hai năm chuẩn bị, ngày qua ngày liên lạc trao đổi thông tin trên nhóm chat này, con trai anh Hu mới quyết định đón tàu hỏa đi quãng đường hơn 1.000 km từ quê nhà lên Vũ Hán, nơi hai đối tượng là “đồng bọn” chờ sẵn.

Chàng thanh niên chỉ mua vé một chiều, dự định một đi không trở lại. Con trai của Hu cùng hai đối tượng ấy trước đó đã lập nhóm chat kín ba người. Và rốt cuộc, các em đã thành công, tự kết liễu cuộc đời mình, chẳng để lại một dòng chữ nào cho người thân.

Cái chết đột ngột của con trai khiến anh Hu buộc phải tìm hiểu. Anh tìm cách đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội của con rồi bàng hoàng phát hiện một “thế giới đen” chỉ toàn người trẻ độ tuổi con trai đang lên kế hoạch chết cùng nhau.

Đã quá muộn để cứu con, nhưng Hu hiểu mình vẫn còn thời gian giành lấy sinh mạng của những đứa trẻ nông nỗi, bồng bột khác.

Hành trình “ngược dòng”

Nguoi cha mat con va hanh trinh cuu lay nguoi tre chan song, muon tu tu tap the
Trong các nhóm chat, những người trẻ luôn cố thể hiện sự bất cần của mình.

Thông qua tài khoản của con trai đã chết, Hu gia nhập nhóm lớn gồm 475 thành viên, đều là thanh thiếu niên. Anh chủ động xác nhận thân phận thật của mình và muốn nói chuyện với các thành viên của nhóm này. Các em đều tỏ vẻ hung dữ và bảo anh hãy để chúng một mình, vì chúng muốn chết.

Hu đã không từ bỏ. Anh cố gắng tiếp cận từng em và tổng số đối tượng Hu tiếp cận được là 50 em. Anh trò chuyện, tìm hiểu từng trường hợp và dần được tin tưởng đến mức có ngày “bão” tin nhắn đổ về điện thoại anh đến bốn giờ sáng.

Trong nhóm trao đổi trên mạng, các em tỏ ra rất sành sỏi với những ý tưởng chẳng giống ai để tìm đến cái chết nhưng ngoài đời, đây là những người trẻ giấu mình, khá lặng lẽ.

Nghĩ ra những cách tự tử càng khó, thì các em càng được “tôn vinh” trong nhóm mình. Có lần Hu đã chứng kiến một chàng trai với gương mặt không cảm xúc chuẩn bị tự tử trong một khách sạn. Các thành viên còn lại rất phấn khích, liên tục thúc giục, còn nói em cố gắng “hành sự” gọn gàng, đừng để bị phát hiện. Hu rùng mình, ớn lạnh.

Chính anh đã gọi điện báo cảnh sát. Nhân viên khách sạn phải hỗ trợ khẩn cấp và cậu này may mắn sống sót. Chàng trai này lấy biệt danh là Muran, sau đó đã liên hệ với Hu và trải lòng về khó khăn của mình. Cậu ta thất nghiệp, sức khỏe kém và chẳng còn động lực sống.

Hu đã cho Muran chút tiền mua ít nước uống, sau hai lần như thế thì Muran xin là con nuôi của Hu. Muran: “Con muốn làm con của bố và phụng dưỡng bố lúc tuổi già”. Hu khuyên Muran cố gắng tìm một công việc và hãy nghĩ nhiều hơn cho bố mẹ ruột, cũng đừng làm chuyện dại dột nữa.

Rất nhiều hoàn cảnh đã được Hu lắng nghe, đón nhận, và đó là động lực để những người trẻ này níu giữ niềm tin vào cuộc sống.

Cần bàn tay nâng đỡ

Random (20 tuổi) là một thành viên của nhóm chat trên, ngày từ đầu quan sát anh Hu và nhận ra người cha này thật… không bình thường, một người cha cố vượt qua nỗi đau mất con để thật lòng khuyên nhủ những đứa trẻ ông không quen biết, mong muốn chúng quay đầu.

Từ thành viên có ý định tìm đến cái chết vì số nợ quá lớn, Random quyết định “hợp tác” cùng Hu, lập dữ liệu những trường hợp người trẻ muốn tự tử và tìm cách can thiệp, chia sẻ cùng họ.

Random và anh Hu đã ngăn chặn thành công 10 trường hợp. Mạng lưới những tình nguyện viên ngày càng mở rộng và những họ cũng chính là những người từng toan tự tử.

Nguoi cha mat con va hanh trinh cuu lay nguoi tre chan song, muon tu tu tap the
Cần rất nhiều bàn tay nâng đỡ và điểm tựa cho người trẻ.

Theo thống kế của Tổ chức y tế thế giới, tỷ lệ tự sát ở Trung Quốc năm 2016 là 8 trường hợp/100.000 người. Các chuyên gia cho rằng rất khó để ngăn ai đó khi họ có ý định tự tử vì nếu không khéo sẽ khiến tình hình phức tạp hơn.

Anh Hu chia sẻ rằng việc tiếp nhận, lắng nghe những tâm sự tiêu cực đã ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của anh và anh cho biết sẽ dần dừng lại công việc này, giao lại cho những chuyên gia được đào tạo chuyên môn, có cách tiếp cận bài bản và hiệu quả hơn.

Điều mà anh Hu đã làm chính là hồi chuông cảnh báo những phụ huynh, người trẻ và cả cơ quan chức năng, kêu gọi tất cả hãy thật sự đặt mối quan tâm đúng mức đến việc chăm sóc sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Ngăn chặn chỉ là biện pháp cuối cùng. Thay vào đó, quá trình chăm sóc cần phải được thực hiện từ rất sớm.

Năm 2008, Bộ Y tế Trung Quốc đã kêu gọi các địa phương phải thiết lập đường dây nóng hỗ trợ người dân gặp khó khăn tâm lý. Rất nhiều nhóm chat rủ nhau tự tử chung đã bị đánh sập, nhưng vẫn còn đó những nhóm bí mật hoạt động ngày càng tinh vi, và điều này buộc chính quyền phải có những kế hoạch hỗ trợ thiết thực hơn.

Thiên Anh (Theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI