Gà trống nuôi dạy 10 đứa con
Kim Tae-hoon, 45 tuổi, là cha nuôi của 10 cậu bé Triều Tiên không có cha mẹ, đứa nhỏ nhất mới 10 tuổi, lớn nhất 22 tuổi. Thông thường “bầy con” của anh Kim đều ở trường nhưng từ tháng 4/2020, Hàn Quốc đã bắt đầu chuyển sang giảng dạy trực tuyến.
Vào buổi học từ xa đầu tiên, anh Kim đưa các con đến một cái bàn lớn trên tầng hai, nơi có wifi mạnh nhất và để mỗi em tự đeo tai nghe, tránh lẫn lộn âm thanh với nhau. Dù vậy, cả nhà vẫn bỡ ngỡ trước hệ thống trực tuyến xa lạ và các thiết bị công nghệ mới thuê từ văn phòng giáo dục địa phương.
|
Các chàng trai của gia đình anh Kim vui đùa trong một chuyến dã ngoại gần đây |
Việc đăng nhập của hai trong số những cậu bé học cùng cấp bị xáo trộn và Geum-seong (15 tuổi) - đứa trẻ vừa trốn khỏi Triều Tiên một năm trước, cần sự giúp đỡ nhiều hơn những người khác.
Trong khi đó, Jun-seong, con út trong gia đình, bị cha mắng vì xem YouTube trên máy tính bảng thay vì chú tâm học. Dù vậy chỉ hai ngày sau, Kim Tae-hoon nói rằng các chàng trai đã ổn dưới sự giám sát chặt chẽ của anh.
Tám trong số những đứa con của anh Kim đã vượt qua biên giới mà không có người lớn đi kèm, một mình hoặc với anh chị em và không có người thân nào ở Hàn Quốc. Kim giải thích: “Các gia đình gửi con đến Hàn Quốc để tìm cuộc sống tốt hơn. Nếu những đứa trẻ còn quá nhỏ, chúng thậm chí còn được cõng trên lưng của người môi giới".
Theo Bộ Thống nhất hai miền Triều Tiên, đã có 33.658 người rời Triều Tiên đến Hàn Quốc tính đến tháng 3/2020, trong đó khoảng 15% từ 19 tuổi trở xuống. Kể từ năm 2017, chính phủ ghi nhận ít nhất 96 trẻ em vượt qua biên giới mà không có cha mẹ.
Kim Tae-hoon không bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ trở thành người chăm sóc cho 10 cậu con trai. 15 năm trước, anh làm việc trong ngành xuất bản và dành thời gian rảnh rỗi tham gia tình nguyện tại Hanawon - cơ sở tái định cư do chính phủ điều hành ở Seoul, nơi tất cả những người chạy trốn từ Triều Tiên sống trong ba tháng, tham gia khóa học để chuẩn bị hòa nhập xã hội.
Tại đây, anh Kim gặp một cậu bé tên Ha-ryong (khi ấy 10 tuổi). Mẹ của Ha-ryong tìm được một công việc xa nhà nên phải để con trai ở lại một mình; cậu bé đề nghị anh Kim làm người trông nom và đó là bước ngoặt của cuộc đời anh. Từ đó, anh Kim tiếp tục nhận thêm trẻ em từ Triều Tiên, từng người một. Cậu con trai sống cùng anh lâu nhất cho đến tận hôm nay là Cheol-gwang. Cậu bé đến Hàn Quốc vào đêm Giáng sinh năm 2012, lúc chỉ mới 11 tuổi.
Cheol-gwang và chị gái ban đầu cố gắng trốn thoát cùng mẹ nhưng bị bắt lại và giam giữ. Cậu được thả ra một mình và người chị gái cũng được thả ba tháng sau đó, nhưng mẹ của cả hai không bao giờ xuất hiện trở lại. Cuối cùng, Cheol-gwang và chị gái cũng trốn thoát thành công sang Hàn Quốc. Geum-seong thừa nhận rằng lúc đầu cậu rất sợ anh Kim.
Khi số thành viên gia đình tăng, anh Kim đến đăng ký với Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc để thành lập "nhà tập thể" - hình thức tổ chức nhỏ nhất của quốc gia có thể cung cấp nơi ở cho trẻ em mà không cần sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ thay thế. Dù vậy theo anh, "những đứa trẻ nghĩ về nơi đây như một ngôi nhà thực sự, không phải là một cơ sở xã hội”.
|
Các chàng trai của gia đình anh Kim vui đùa trong một chuyến dã ngoại gần đây |
Ban đầu, cha mẹ của Kim Tae-hoon một mực phản đối quyết định của anh, thậm chí cắt đứt mọi liên lạc suốt vài năm, nhưng cuối cùng họ đã chấp nhận và giờ trở thành những người ủng hộ nhiệt tình nhất, coi các cậu bé như cháu nội của mình.
Công tác hậu cần tại nhà là nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng Kim vẫn muốn tự mình làm tất cả các công việc. Anh kể: "Phần khó nhất là mua sắm hàng tạp hóa. Khi bạn có bầy con là những cậu bé đang lớn, chúng ăn như ngựa! Tôi chất đầy giỏ hàng của mình với số lượng lớn thực phẩm, nhưng tất cả đều sẽ biến mất chỉ sau một ngày". Thức ăn được anh đóng gói cẩn thận trong sáu tủ lạnh. Hai máy giặt chạy không ngừng mỗi ngày và anh Kim cần hút bụi quanh nhà liên tục.
Tuy mệt mỏi, anh ấy không yêu cầu các chàng trai giúp đỡ gì khác, bởi anh tin rằng điều quan trọng nhất là các con được nuôi dưỡng tốt: "Tôi không yêu cầu chúng bất cứ điều gì khác ngoài việc lớn lên và biết cách cư xử đàng hoàng. Đó là những gì tôi từng được cha mẹ nuôi dạy". Bởi phải quán xuyến rất nhiều nhiệm vụ trong nhà, anh Kim không thể chọn cho mình một công việc toàn thời gian.
Gia đình lớn của anh Kim sống ổn nhờ một số phúc lợi của chính phủ và hỗ trợ từ doanh nghiệp. Dù vậy, anh nói rằng mình không cảm thấy thoải mái khi nhận trợ giúp tài chính; do đó, gần đây anh đã mở một quán cà phê nhỏ trong nỗ lực tìm kiếm sự độc lập về kinh tế.
“Chúng tôi là một gia đình”
Tài chính không phải thách thức duy nhất mà gia đình lớn của anh Kim phải vượt qua. Sự kỳ thị mới chính là điều khó khăn hơn cả. Ban đầu, anh Kim chuyển nhà khá đều đặn do tiền thuê nhà tăng hoặc cần nhiều không gian khi có thêm con và mỗi lần như vậy đều tạo ra sự chú ý không mong muốn. Một lần, gia đình thậm chí còn bị cảnh sát đến hỏi thăm vì bạn học của một trong những đứa trẻ cáo buộc cậu bé là gián điệp từ Triều Tiên.
|
Hình ảnh Triều Tiên trong các bức vẽ từ ký ức của những cậu con trai nhà anh Kim |
Anh Kim thổ lộ: “Khi người Hàn Quốc nghe rằng ai đó đến từ Triều Tiên, họ có xu hướng hoài nghi, một số thậm chí còn tỏ ra thù địch. Thật buồn khi những đứa trẻ của tôi vẫn còn là thanh thiếu niên. Đáng lẽ chúng không nên bị phán xét dưới góc độ chính trị”. Trong thực tế, nhiều đứa trẻ gốc Triều Tiên không thể học tại trường chính thống ở Hàn Quốc do sự kỳ thị, nhưng anh Kim tin rằng có bạn bè là người Hàn Quốc và tạo ra những kỷ niệm tại trường học bình thường sẽ là một tài sản quý giá đối với những đứa trẻ của anh.
Bảy năm trước, một trong những cậu con trai, Jin-beom, quyết định ứng cử vị trí chủ tịch hội học sinh. Giáo viên của Jin-beom gọi cho Kim, nói rằng nhà trường lo lắng cậu bé sẽ gặp rắc rối với bạn bè, nhưng Kim khẳng định con anh sẽ buồn hơn nếu không được giáo viên ủng hộ. Cuối cùng, cậu bé đã được các học sinh khác bầu chọn.
Mỗi năm, gia đình anh Kim chọn một dự án để làm cùng nhau. Đôi khi đó là một triển lãm nghệ thuật và đôi khi là một vở nhạc kịch. Gần đây nhất là cuốn sách du lịch giới thiệu những bức ảnh mà các chàng trai trẻ chụp về phong cảnh Hàn Quốc.
Anh Kim kể: "Các con tôi nói rằng chúng tò mò về hai điều khi còn ở Hanawon. Một là Hàn Quốc trông như thế nào... và hai là liệu người dân có thích chúng hay không? Vì vậy, gia đình quyết định ghi lại cảnh quan Hàn Quốc khi đi du lịch". Sau đó, anh và các con sẽ quyên tặng bản sao của cuốn sách cho trẻ em ở Hanawon để giúp chúng vượt qua nỗi sợ về những điều chưa biết.
Dưới sự chăm sóc tận tình của anh Kim, những đứa trẻ rất lạc quan về tương lai ở Hàn Quốc. Tham vọng của các cậu bé bao gồm trở thành người viết truyện tranh, kiến trúc sư và vận động viên điền kinh. Ha-ryong, cậu bé đầu tiên anh nhận nuôi, đã rời đi và đang học năm cuối đại học ngành xã hội học. Dù bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai, Kim nói rằng cánh cửa căn nhà của anh sẽ luôn mở, bởi "chúng tôi là một gia đình".
Linh La (theo BBC)