Người cha, con rắn và dẫn dắt của truyền thông

26/08/2020 - 10:23

PNO - Có thể người đàn ông không biết việc bắt rắn hổ mang chúa là phạm pháp, thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng có thể ông bắt rắn bán kiếm tiền vì gia cảnh quá khó khăn. Nhưng nếu cổ xúy cho hành động này vì những lý do nào đó, liệu có nên không?

Có cậu bé bị bệnh tự kỷ nuôi một con rùa nhỏ làm thú cưng. Dần dà, cậu xem con rùa như người thân. Bố mẹ cậu bé rất vui vì đứa con trai độc nhất của họ có “người” bầu bạn, giúp bệnh tình thuyên giảm. Cậu bé lớn lên cùng chú rùa - tri kỷ và sự kỳ vọng của người thân về phương pháp trị liệu tình cờ. 

Nhiều người không biết rằng nuôi động vật hoang dã làm thú cưng là phạm pháp và có thể bị phạt rất nặng - Ảnh: Hồng Ngọc
Nhiều người không biết rằng nuôi động vật hoang dã làm thú cưng là phạm pháp và có thể bị phạt rất nặng - Ảnh: Hồng Ngọc

Một ngày nọ, bố mẹ cậu bé đưa con từ Mỹ về Việt Nam thăm quê, nhưng họ không xuất cảnh được vì cậu bé nhất quyết phải mang con rùa đi cùng cho bằng được trong khi luật bay lại không cho phép. Bố mẹ cậu bé phải tìm gặp bác sĩ, nhờ chứng minh bệnh tình của con và mối quan hệ đặc biệt với con rùa - tri kỷ nhưng cũng không được giải quyết. Luật là luật, cậu bé không thể mang con rùa lên chuyến bay nên đành phải ở lại.

Câu chuyện trên tôi nghe một người quen của gia đình cậu bé kể lại. Bây giờ, cậu bé đã là chàng trai gần 30 tuổi và vẫn chưa một lần về Việt Nam vì không thể mang theo con rùa - bầu bạn đi cùng. 

Tôi xin số điện thoại của bố cậu bé, định liên hệ để xác minh thêm về một số tình tiết trong câu chuyện nhưng thấy mình quá vô duyên và có thể gợi thêm nỗi đau cho gia đình họ. 

Tôi cũng thử tìm hiểu thông tin về quy định bay của nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới nhưng không thấy có hãng nào cho phép hành khách mang theo con vật có máu lạnh như rùa, chưa kể đây còn là động vật hoang dã nên quy định càng nghiêm ngặt hơn. Có lẽ, nếu có cách nào đó để giúp con mình có thể mang theo chú rùa về Việt Nam chắc gia đình họ cũng đã làm rồi, không cần sự hỗ trợ của truyền thông - tôi nghĩ thế. 

Từng chứng kiến chủ nhân của một căn biệt thự sang trọng ở Sài Gòn rơm rớm nước mắt khi bàn giao hai con vượn - thú cưng cho lực lượng kiểm lâm nên tôi phần nào hiểu được tình cảm của cậu bé tự kỷ với chú rùa bầu bạn trong câu chuyện trên. Song, phía sau những tình cảm đó là những quy định về bảo vệ động vật hoang dã cần phải được thực thi. Sự ngoại lệ cho trường hợp này sẽ gây ra tiền lệ xấu, có nguy cơ phá vỡ hệ thống pháp luật đang được nhiều nước duy trì trong cuộc chiến chống lại sự tuyệt chủng của các loài vật tự nhiên.

Tại Việt Nam, trước đây, nhiều người có điều kiện kinh tế khá giả thường thích nuôi động vật hoang dã như vượn, khỉ, rùa… làm thú cưng. Sau một thời gian gắn bó họ cũng quyến luyến khi phải giao nộp chúng cho cơ quan chức năng. Đó là tình cảm có thật. Song, không phải vì thế họ được quyền nuôi nhốt động vật hoang dã làm thú vui xa xỉ cho riêng mình.

Câu chuyện về cậu bé tự kỷ và chú rùa “trị liệu” cùng những giọt nước mắt quyến luyến của vị đại gia khi giã từ mấy chú vượn xinh xinh làm tôi nghĩ nhiều về vụ người cha bị rắn hổ mang chúa cắn ở Tây Ninh, đang được bàn tán xôn xao. Có thể người đàn ông không biết việc bắt rắn hổ mang chúa (động vật hoang dã quý hiếm, thuộc nhóm nguy cấp cần bảo vệ nghiêm ngặt) là phạm pháp, thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cũng có thể ông bắt rắn bán kiếm tiền vì gia cảnh quá khó khăn. Nhưng nếu cổ xúy cho hành động này vì những lý do nào đó, liệu có nên không?

Nếu đồng tình với việc bắt rắn quý hiếm để lấy tiền đóng học phí cho con, chúng ta cũng sẽ phải đồng tình với lý do săn bắt các loài hoang dã để lấy tiền nuôi mẹ già, lo con ốm… Chúng ta cũng có thể dĩ hòa, bỏ quá cho cả thú vui nuôi nhốt thú rừng của các đại gia.

Nguy hiểm hơn, nếu đồng tình với cách tiếp cận câu chuyện như vậy, pháp luật sẽ dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi sự dẫn dắt của truyền thông. 

Trung Thanh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI