Người cha chung của những mảnh đời bất hạnh

24/02/2019 - 16:18

PNO - Chứng kiến nhiều mảnh đời bơ vơ, bất hạnh, ông Thực đã quyết định tìm cách xây dựng một mái ấm chung để mang những mảnh đời này về chăm sóc, nuôi dạy như chính con ruột mình.

Quê vốn ở Việt Trì (Phú Thọ), năm 1993, ông Lê Trung Thực tốt nghiệp Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật rồi chuyển vào thành phố Vinh (Nghệ An) làm giáo viên dạy nghề. Ông bắt đầu tiếp xúc, gần gũi nhiều hơn với những đứa trẻ tật nguyền, mồ côi khi được UBND huyện Đô Lương (Nghệ An) mời về dạy nghề cho những hoàn cảnh này.

Rồi tình thương đối với những đứa trẻ bất hạnh cứ thế lớn dần suốt khóa dạy. Đến khi xong khóa dạy, ông lại không nỡ rời bỏ được nơi này khi nghĩ đến cảnh không còn chăm sóc cho những cháu bé tàn tật, mồ côi. “Thầy đã thương thì thương cho trọn. Giờ thầy về, ai là người dìu dắt các cháu ra thương trường, phát huy tay nghề để mưu sinh”. Nghe câu nói ấy, ông Thực quyết định ở lại mảnh đất nắng gió này.

Nguoi cha chung cua nhung manh doi bat hanh
Ông Thực quây quần vui vẻ bên những "đứa con" của mình

“Chứng kiến nhiều cảnh đời bơ vơ, bất hạnh, tôi ao ước xây dựng một mái ấm tình thương. Trước là để thu gom những đứa trẻ bị bỏ rơi, trẻ tật nguyền, nuôi dưỡng và dạy dỗ các cháu cho đến khi các cháu tìm được công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng”, ông Thực nói.

Để thực hiện nguyện vọng của mình, nam giáo viên này quyết định tìm nhà trọ thuê để rồi bán luôn chiếc xe máy của mình lấy tiền mua 10 chiếc máy khâu để các em học sinh vừa học vừa may quần áo bán lấy tiền. Để có cái ăn nuôi “gia đình góp nhặt” từ những trẻ bại liệt, trẻ mồ côi, tật nguyền này, thầy Thực còn thức khuya dậy sớm để làm bánh bao, đậu phụ đưa đi khắp xóm bán. Chiều muộn lại đạp xe đi thu mua phế liệu, giấy loại rồi lại lo việc chăn nuôi lợn, gà “lấy ngắn nuôi dài”.

Sau nhiều năm trời tận tâm với những mảnh đời bất hạnh, tâm nguyện của thầy Thực cũng thành hiện thực khi Trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An do ông làm giám đốc được thành lập. Khi đã an cư, ông Thực bắt đầu đi khắp ga tàu, bến xe, bệnh viện, “nhặt” trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, đem về trung tâm của mình chăm sóc.

Nguoi cha chung cua nhung manh doi bat hanh
Những em lớn phụ giúp "bố Thực" chăm sóc các em còn nhỏ hơn tại trung tâm

“Có hôm, nghe tiếng khóc trẻ sơ sinh ở bên vệ đường, anh em chạy ra kiểm tra thì thấy một trẻ sơ sinh nằm trong cái làn nhựa. Nhìn gương mặt trẻ bình thường nhưng khi bế vào thay quần áo thì không thấy chân do chân và đùi dính vào nhau”, thầy Thực kể và cho hay không ít trẻ bị bệnh down, bị liệt, viêm gan B, nhiễm HIV… bị bỏ rơi đều được ông đón về chăm sóc, nuôi dạy mỗi khi nhận được tin báo.

Không lấy vợ, ấy vậy mà “người cha” này vẫn đếm con không xuể. Cả trăm đứa trẻ ở trung tâm phần lớn đều không quê hương bản quán đều gọi ông Thực là bố, thậm chí nhiều nhân viên cũng thường gọi ông là bố một cách trìu mến.

Tình thương đó đã giúp hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc và có việc làm ổn định. “Đến nay đã có hơn 200 cháu đi xuất khẩu lao động hoặc vào các tỉnh phía Nam làm công nhân tại các Công ty may xuất khẩu. Nhiều cháu khác do tàn tật không đi xa được thì về quê mở cửa hàng may mặc hoặc buôn bán”, ông Thực nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI