Người cha bạc đầu dẫn con gái đi xăm số điện thoại lên tay

03/07/2023 - 06:30

PNO - Người cha già ở Long An nhờ người thợ xăm tại TPHCM thực hiện dòng chữ “bệnh tâm thần” kèm số điện thoại lên tay cô con gái. Đây là dòng mực xăm đặc biệt nhất anh từng thực hiện. Câu chuyện thu hút hàng chục ngàn lượt tương tác trên nhiều trang fanpage.

 

Người con gái được ba dẫn đi xăm chữ bệnh tâm thần và số điện thoại trên tay.
Người con gái được ba dẫn đi xăm chữ "bệnh tâm thần" và số điện thoại trên tay

Cách đây ít ngày, một người thợ xăm tại TPHCM chia sẻ anh đã tiếp một khách hàng đặc biệt. Người cha già ở Long An dẫn cô con gái tới, ông nhờ anh xăm chữ “bệnh tâm thần” kèm số điện thoại lên tay con.

Câu chuyện thu hút hàng chục ngàn lượt tương tác trên nhiều trang fanpage. Người thực hiện hình xăm kể, người cha nói con gái ông bị trầm cảm sau sinh. Trước đây, chị cũng từng là khoa khôi xóm, nhiều người theo đuổi. Từ ngày sinh con xong, chị hay bỏ nhà đi lang thang và không biết đường về. Gia đình có để bảng tên, dán số điện thoại lên áo… nhưng chị không điều khiển được hành vi nên luôn tháo mất. May rằng mỗi lần chị đi lạc đều có người quen thấy và dẫn về.

Lần này, ba chị quyết định xăm về tình trạng bệnh, thêm số điện thoại trên cánh tay, để nếu chị đi lạc sẽ được người tốt báo tin cho gia đình.

Bên cạnh những bình luận chia sẻ về hội chứng trầm cảm sau sinh, rất nhiều người bày tỏ sự xót xa trước hoàn cảnh của người cha và cô con gái. Người cha bạc đầu nhẽ ra phải được an hưởng tuổi già, nhưng vẫn phải lặn lội theo con, tìm con về nhà.

Đau lòng hơn, nhiều người kể và bình luận "những câu chuyện cha mẹ già chăm con đã lớn tướng như vậy chẳng hiếm". Bước vào xóm làng hay con phố nào cũng có thể gặp phải một vài trường hợp đau lòng tương tự. Con bị tai nạn, nằm một chỗ - cha mẹ chăm. Con lớn lên với trí tuệ không bình thường - cha mẹ chăm. Con sa cơ lỡ vận, không kiếm được cơm ăn - cha mẹ chăm. Con lười làm ham chơi nghiện ngập - cha mẹ chăm …

Xóm tôi có chị Sơn "điên” đã hơn 40 tuổi, cả ngày chị lang thang khắp các nhà trong xóm. Đi đến đâu có các anh, các chú đàn ông, chị cũng cười bẽn lẽn. Qua nhà nào thấy cái gì đẹp như cái kẹp tóc, đồng hồ, cái váy đang phơi trên móc, chị cũng cầm về… Mỗi buổi chiều, mẹ chị lại phải vừa đi vừa hét gọi: “Sơn, về ăn cơm!” và khi gặp phải kéo tay chị mới chịu về.

Nhốt ở nhà không được, mà thả ra thì sợ làm phiền xóm làng, mẹ chị đành đi từng nhà xin lỗi, mong họ thông cảm. Thấy con gái lấy trộm đồ gì mang về, mẹ con lại phải dắt nhau đi trả.

Nhà có 3 người con, hiện chỉ một mình người mẹ chăm sóc chị Sơn. Bà luôn lo lắng: “Mai này tôi mất đi, không biết ai lo cho con. 2 anh trai thì cùng lắm cũng cho miếng cơm, chứ ai nuôi nó như mẹ được!”.

Người cha ở Long An dẫn con đi xăm dòng chữ số đặc biệt
Người cha ở Long An dẫn con đi xăm dòng chữ và số đặc biệt

Kể từ khi lấy chồng và sinh con đến nay, chị Nga (50 tuổi, Nghệ An) không làm được việc gì ngoài nuôi con. Không biết có phải do ba chị bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam từ những năm đi chiến trường hay không mà chị Nga sinh 3 con ra thì cả 3 đều có vấn đề.

Con trai đầu của chị bị liệt nửa người, sống yếu ớt ,đến năm 17 tuổi thì mất. Con trai thứ hai của chị Nga nay đã 25 tuổi nhưng bị bệnh động kinh, tâm trí chỉ bằng đứa trẻ lên 3. Hễ có tiếng động lớn là cậu lại ngã lăn ra, co giật ở bất kỳ chỗ nào như sân, vườn, đường… Người cậu lúc nào cũng đầy thương tích, vết cũ chưa khô máu đã sứt da chỗ mới. Con gái thứ 3 của chị bị bệnh thoái hóa tủy, hiện đi lại được nhưng chân rất yếu, bác sĩ tiên lượng có thể sẽ phải ngồi xe lăn trong tương lai.

Chồng chị Nga suốt 20 năm nay luôn phải đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền gửi về nuôi con. Mỗi ngày, chị Nga cố gắng để lo từng bữa ăn, giấc ngủ, tới việc tắm táp cho những đứa con đã lớn.

Bác Nguyễn Văn Hòa (80 tuổi, sống tại Q.2, TP Thủ Đức, TPHCM) từng liên hệ đến bệnh viện tâm thần để xin cho anh con trai ngoài 40 tuổi nhập viện. Sau một lần bị tai nạn năm 25 tuổi, thần kinh của anh không còn bình thường. Anh thường xuyên “lên cơn” đập phá đồ đạc, chửi rủa, gây chuyện mỗi khi uống rượu. Nhốt trong nhà, anh sẽ phá cửa để đi ra ngoài cho bằng được để đi tìm quán rượu.

Không có tiền, anh sẽ uống chịu, chủ quán tìm đến nhà bác Hòa để đòi nợ. Nhưng lạ là nếu không có rượu, anh con trai sẽ cư xử bình thường. Thậm chí anh còn lấy vợ và sinh con. Chỉ là nỗ lực ngăn anh uống rượu bao nhiêu năm vẫn không được.

Đã đến tuổi gần đất xa trời, bác Hòa vẫn phải nuôi cả gia đình anh con trai. Vì anh không có năng lực kiếm tiền, lại quậy phá, chị vợ anh thì cũng không biết kêu ai ngoài ba chồng.

Sức khỏe bác Hoà ngày càng yếu, tiền cũng cạn dần, bác bất đắc dĩ phải cho con vào bệnh viện tâm thần. Nhưng chuyện đâu đơn giản. Bác Hòa thở dài: “Tôi tưởng nhốt được nó, nhưng nó trốn ra ngoài được. Giờ nó còn hận tôi, phá phách gấp mấy lần”.

Cảm động trước câu chuyện của người ba, anh chủ tiệm xăm đã không lấy tiền công.
Cảm động trước câu chuyện của người cha, anh chủ tiệm xăm đã không lấy tiền công

Dù vất vả và khổ đau đến mấy, những người cha, người mẹ vẫn không thể bỏ con. Càng có tuổi, nỗi lo rồi ai sẽ chăm lo cho con càng đè nặng.

Xã hội ngày càng hiện đại, những mối quan hệ cha mẹ và con cái ngày càng trở nên xa cách, con dễ xích mích với cha mẹ vì những điều không đáng. Con ruồng rẫy cha mẹ vì không cho tiền, vì không làm “Osin” trông cháu, hay chỉ vì cha mẹ già ngày càng lẩm cẩm...

Câu chuyện người cha đi xăm số điện thoại lên cánh tay đứa con trầm cảm một lần nữa nhắc nhở nhiều người rằng: Không ai thương con, yêu con, chăm lo cho con bằng cha mẹ. Con có vấn đề gì thì người đau lòng nhất và sẵn sàng cưu mang con luôn là cha mẹ. Vậy nên hãy trân trọng, hiếu kính với cha mẹ mình khi còn có thể.

Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI