Người cao tuổi lập di chúc có bắt buộc khám sức khỏe?

31/01/2023 - 06:16

PNO - Pháp luật không bắt buộc mọi trường hợp đều phải khám sức khỏe hoặc giám định sức khỏe về tâm thần khi lập di chúc.

Hỏi: Mẹ tôi đã 80 tuổi, trong người mang nhiều bệnh nền, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn. Bà vẫn nghe, nói, đọc, viết được dù có chậm. Tết này, anh em tôi tề tựu về đông đủ, bà có nguyện vọng lập di chúc để lại phần tài sản của bà cho 4 người con, trong đó có một người ở nước ngoài. Tôi nghe nói, đối với người cao tuổi, già yếu… phải khám sức khỏe và có kết luận đủ điều kiện lập di chúc thì mới công chứng được có đúng không? Trong trường hợp này có cần phải nhờ người làm chứng không?

Nguyễn Thị Tuyết (quận Tân Bình, TPHCM)

Trả lời: Theo quy định tại điều 630 Bộ luật Dân sự thì di chúc hợp pháp phải đủ các điều kiện: a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Về thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng, theo quy định tại điều 56 Luật Công chứng thì trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.

Như vậy, pháp luật không bắt buộc mọi trường hợp đều phải khám sức khỏe hoặc giám định sức khỏe về tâm thần khi lập di chúc. Công chứng viên chỉ yêu cầu khi có nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi. 

Đối với việc nhờ người làm chứng, điều 636 Bộ luật Dân sự quy định: “Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên”.

Do mẹ chị nghe, nói, đọc, viết được nên không thuộc trường hợp phải nhờ người làm chứng khi công chứng di chúc.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ

(Đoàn Luật sư TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI