Người cao tuổi khám, chữa bệnh đã thuận lợi hơn

27/07/2023 - 06:17

PNO - Hơn 10g sáng, sau khi hoàn tất khám tim mạch, huyết áp, nội soi đại tràng…, bà Nguyễn Thị Vân (88 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đến khu vực phát thuốc bảo hiểm của Bệnh viện Thống Nhất chờ lấy thuốc. Bà cho biết được con đưa đến bệnh viện lúc sáng, sau đó bà một mình khám bệnh rất dễ dàng.

Bây giờ khám bệnh tiện lắm 

Bà Vân cho biết đã khám tại bệnh viện này được 21 năm, định kỳ mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, 5 năm trước bà bị ung thư đại tràng, phải phẫu thuật điều trị nên hiện tại bà khám 2 lần/tháng.

Trước đây, việc đi khám bệnh với bà rất khó khăn, thời tiết nóng bức, chờ đợi mệt mỏi. Bây giờ, bệnh viện nhiều ghế ngồi hơn, sạch sẽ, thoáng mát, không phải đợi lâu. Bà cũng như nhiều cụ già khác đã có thể tự đi khám bệnh một mình. “Sáng sớm, con đã đưa tôi đến bệnh viện. Bây giờ khám tiện lắm, đúng là có khoa khám chậm, đợi hơn 30 phút, nhưng so với trước đây thì đã tiến bộ rất nhiều. Bác sĩ tư vấn kỹ, dụng cụ hiện đại nên tôi rất yên tâm”, bà Vân nói.

Hơn 10 giờ sáng, bà Nguyễn Thị Vân đã khám bệnh ở Bệnh viện Thống Nhất xong, được nhận thuốc và chuẩn bị về nhà
Hơn 10g sáng, bà Nguyễn Thị Vân đã khám bệnh ở Bệnh viện Thống Nhất xong, được nhận thuốc và chuẩn bị về nhà

Đều đặn mỗi tháng, ông Nguyễn Ngọc Bích (88 tuổi, ở quận Bình Thạnh) đến Bệnh viện Thống Nhất tầm soát bệnh. Theo ông Bích, tại địa phương cũng có nhiều nơi khám sức khỏe cho người cao tuổi nhưng ông vẫn muốn khám ở đây hơn bởi bác sĩ nhiệt tình, tư vấn kỹ cách sử dụng thuốc. Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ do được khám kỹ nên sử dụng thuốc cũng hiệu quả hơn. Chúng tôi hầu hết lớn tuổi, việc gặp nhau, chia sẻ bệnh cũng thoải mái hơn, đi bệnh viện khác không thích bằng. Nên dù ở Bình Thạnh sang bệnh viện hơi xa, tôi vẫn đăng ký bảo hiểm ở đây”.

Bệnh viện Thống Nhất hiện mỗi ngày khám, chữa bệnh cho khoảng 3.500 người, điều trị nội trú cho 1.200 bệnh nhân là người cao tuổi. Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Lê Đình Thanh - Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM - cho biết, hiện nay dân số Việt Nam đang chuẩn bị bước vào trạng thái dân số già. Theo dự báo của Cục Thống kê, đến năm 2038 nhóm dân số từ 60 tuổi khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% dân số. Con số này sẽ tăng lên 27 triệu người, tương đương 25% dân số vào năm 2050.  

“Đây là con số rất lớn, ảnh hưởng đến nguồn lực lao động, phúc lợi xã hội… Đặc biệt, đối với ngành y tế, tỉ lệ người cao tuổi mắc bệnh cao, kéo theo chất lượng cuộc sống kém. Người cao tuổi không những mắc bệnh phải điều trị, mà cần có người phục vụ, chăm sóc. Chính vì vậy, nghiên cứu điều trị cho người cao tuổi là một phương án chiến lược cần phải đặt ra sớm, và có các giải pháp đồng bộ ngành y tế cùng các ngành khác để thực hiện”, bác sĩ Lê Đình Thanh nhấn mạnh.

Trạm y tế khám miễn phí cho người cao tuổi

Nhu cầu khám, chữa bệnh ở người cao tuổi rất lớn nhưng thực tế hiện nay là phần lớn họ chưa được thông tin, hướng dẫn một cách rõ ràng về việc khám chữa bệnh.

Trước đây, bà Phan Thị Mỹ Thi (66 tuổi, ở quận 3) thường đi khám sức khỏe tổng quát tại một bệnh viện ở quận 10. Mặc dù có bảo hiểm y tế nhưng chi phí khám và mua thuốc thường khoảng 1 đến 2 triệu đồng. Ngày 14/7, bà được Trạm y tế phường 5 (quận 3, TPHCM) mời đến khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí nên bà rất phấn khởi. Bà kể: “Từ lúc phát hiện bệnh thiếu máu tôi thường khám ở bệnh viện mới yên tâm. Tôi không biết có thể khám, lấy thuốc tại trạm y tế. Vừa rồi, tôi được bác sĩ khám đầy đủ từ đo huyết áp, khám tim mạch đến xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm bụng… như đi khám ở bệnh viện. Ở đây cũng ít người, không phải bốc số. Bác sĩ khám, hỏi bệnh kỹ như ở bệnh viện. Tôi mong thời gian tới được khám ở đây cho tiện”.

Chị Trần Thị Thu Hà - Phụ trách Trạm y tế phường 5, quận 3 - cho hay, hiện có 790 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sinh sống tại phường này. Bên cạnh việc quản lý bệnh không lây nhiễm, theo dõi, tư vấn, phát thuốc bảo hiểm hằng tháng cho các trường hợp mắc bệnh mạn tính, bệnh nền, mỗi năm một lần, trạm y tế tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho các cụ. Tháng Sáu vừa qua, trạm y tế đã khám sức khỏe cho 429 cụ. Ngày 14/7, tiếp tục khám đợt 2 cho khoảng 150 cụ. Các cụ được khám các hạng mục như: đo điện tâm đồ, siêu âm; xét nghiệm máu, nước tiểu… Những người chưa được khám trong 2 đợt, dự kiến sẽ được khám vào tháng Mười tới.

Trước khi tổ chức các đợt khám, trạm y tế tham mưu cho UBND phường tuyên truyền, rà soát hộ gia đình có người cao tuổi và gửi thư mời khám bệnh. Người cao tuổi sẽ được khám tại trạm y tế hoặc nhân viên của trạm sẽ đến tận nhà khám cho các cụ sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. Chị Trần Thị Thu Hà thông tin: “Sau khi khám, đa số người cao tuổi thường mắc bệnh nền, bệnh mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường… Một số người được phát hiện mắc những bệnh mới. Trường hợp người bệnh phải dùng thuốc, trạm y tế cũng sẽ phát thuốc miễn phí”.

Hiện các trạm y tế có đủ nhân sự như bác sĩ, điều dưỡng… thuận lợi trong quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng. Điều đáng mừng, từ sau những đợt khám, tư vấn sức khỏe miễn phí, các cụ dần tin tưởng, lựa chọn trạm y tế để khám và nhận thuốc bảo hiểm hằng tháng. Như tại Trạm y tế phường 5, quận 3, trước đây, số lượng người cao tuổi khám bảo hiểm y tế rất ít chỉ khoảng 10-20 người/tháng thì từ đầu năm đến nay, con số này là 70-80 trường hợp. 

Các cơ sở y tế cần có đơn vị lão khoa 

Bác sĩ Lê Đình Thanh cho biết các bệnh lý của người lớn tuổi đều có sự ảnh hưởng đến nhau. Bệnh này có thể làm tăng nặng lên bệnh khác, tác động qua lại với nhau làm nặng thêm tình trạng bệnh, tăng tỉ lệ tàn phế cũng như tử vong. Việc sử dụng thuốc, các giải pháp điều trị cho người cao tuổi nếu chính xác sẽ vừa điều trị bệnh, đồng thời hỗ trợ cho các cơ quan khác hồi phục. 

Hiện đa số người cao tuổi khi khám ra bệnh, chỉ đinh ninh mình mắc một bệnh lý mà bác sĩ vừa chẩn đoán, sau đó tìm các cơ sở chuyên sâu điều trị bệnh lý này. Người bệnh quên rằng mình còn kèm theo 2 đến 3 bệnh đồng mắc khác, nếu đến cơ sở y tế quá chuyên sâu sẽ vô tình bỏ qua các bệnh đồng mắc, như vậy là rất nguy hiểm. Chính vì vậy, các cơ sở y tế nên có đơn vị lão khoa để khám cho người cao tuổi. 

TPHCM: Khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi tại phường, xã

Sở Y tế TPHCM vừa ban hành kế hoạch số 5604 nhằm triển khai thí điểm khám sức khỏe, phát hiện bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi năm 2023 và là cơ sở để triển khai kế hoạch khám sức khỏe cho tất cả người cao tuổi trên địa bàn vào năm 2024.

Theo thống kê của sở, toàn thành phố hiện có hơn 1 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 11,03% tổng dân số. Trong đó, các địa phương có số người cao tuổi đông nhất bao gồm: TP Thủ Đức (95.269 người), quận Bình Thạnh (82.692 người), quận Gò Vấp (67.860 người), quận 8 
(65.227 người)…

Mỗi quận, huyện sẽ chọn ít nhất 1 phường, xã để triển khai thí điểm khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi, hoàn tất trước ngày 31/8. Người cao tuổi sẽ được làm xét nghiệm cận lâm sàng, siêu âm tổng quát, xét nghiệm máu. Đồng thời, trong quá trình thăm khám, nhân viên y tế có chứng chỉ hành nghề sẽ đo sinh hiệu, ghi nhận một số chỉ số về chiều cao, cân nặng, vòng bụng…

Nếu người cao tuổi không thể di chuyển đến điểm khám sức khỏe, các trạm y tế cử nhân viên y tế đến nhà tổ chức thăm khám. Sau khi khám xong, nhân viên y tế nhập đầy đủ kết quả xét nghiệm cận lâm sàng vào phần mềm để đảm bảo dữ liệu được liên thông, kết nối vào hồ sơ sức khỏe của người dân. Trường hợp phát hiện người cao tuổi có dấu hiệu nghi ngờ các bệnh lý, trạm y tế không đủ cơ sở, vật chất, trang thiết bị, nhân viên y tế sẽ giới thiệu đến bệnh viện để làm xét nghiệm chuyên sâu.

Phạm An
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI