Người cao tuổi có thể viêm phổi chỉ sau 1 lần mắc mưa

12/09/2023 - 06:04

PNO - Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngô Thế Hoàng - Trưởng khoa Nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất - cảnh báo, hiện nay số bệnh nhân đến khám vì bệnh hô hấp đang gia tăng, trong đó có nhiều bệnh nhân là người cao tuổi.

Bình thường, mỗi ngày, 1 phòng khám hô hấp của Bệnh viện Thống Nhất khám 40-50 bệnh nhân, thì nay có thể lên tới 65-80 bệnh nhân. Ước tính, số ca mắc bệnh hô hấp phải nhập viện đang tăng từ 25 - 30%.

Dễ bệnh trong mùa mưa

Sau khi bị mắc mưa, cụ bà N.T.H. (75 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TPHCM) bà cảm thấy ớn lạnh, ho một chút. Nghĩ mình bị cảm, bà uống thuốc, xoa dầu gió giữ ấm ngực và gan bàn chân. 3 ngày sau, bà H. ho nhiều hơn, khạc đờm vàng, khó thở. Lúc này, con gái đưa bà vào Bệnh viện Thống Nhất khám, bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm phổi. Cả bệnh nhân và người nhà đều ngớ ra bởi cứ tưởng viêm phổi thì phải sốt cao nhưng bà H. không hề bị sốt. Các triệu chứng của bà H. chỉ giống như cảm thông thường, vậy mà qua vài ngày lại thành nghiêm trọng như vậy.

Bác sĩ Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất đang khám cho một bệnh nhân bị viêm phổi nặng - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Khoa Nội hô hấp Bệnh viện Thống Nhất đang khám cho một bệnh nhân bị viêm phổi nặng - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Còn cụ ông P.V.Đ. (82 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM) cũng không ngờ mình lại trở bệnh nặng tới mức nhập viện. 4 ngày trước, vào sáng sớm, cụ Đ. đi bộ ra công viên tập dưỡng sinh. Tối đó, cụ cảm thấy uể oải, người hâm hấp nóng, họng hơi đau, sốt nhẹ 37,8 độ C. Cụ được con mua thuốc hạ sốt và đau họng cho uống. Chỉ 3 ngày sau, cụ Đ. bị khó thở, thở dốc và khạc ra đàm xanh. Đi khám, cụ được chẩn đoán bị viêm phổi nặng, cần nhập viện ngay. Con trai cụ Đ. không ngờ ba mình chỉ dậy sớm đi tập dưỡng sinh mà cũng bị viêm phổi.

Bác sĩ Ngô Thế Hoàng cho biết, nhiều loại vi khuẩn (phế cầu, liên cầu, tụ cầu, vi nấm…) thường trú ở đường hô hấp trên của người khỏe mạnh mà không gây bệnh. Nhưng khi có bất kỳ lý do gì làm cho sức đề kháng của cơ thể suy giảm (cảm lạnh, dinh dưỡng kém…), đặc biệt vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt, thì các vi khuẩn này sẽ trỗi dậy. 

Sở dĩ người cao tuổi dễ mắc bệnh hô hấp hơn cả vì sức yếu, dinh dưỡng kém hoặc có thể bị tai biến nằm lâu một chỗ. Không chỉ thế, người cao tuổi còn mắc nhiều bệnh lý mạn tính như xương khớp, tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm phế quản mạn, hen suyễn, giãn phế quản, viêm họng mũi mạn… Các bệnh này về mùa mưa thường tái phát hoặc nặng thêm, làm cho sức khỏe người cao tuổi suy giảm, dễ nhiễm khuẩn hô hấp hơn. 

Nguyên nhân gây viêm phổi ở người già cũng khác với trẻ nhỏ, thông thường là do vi khuẩn, vi rút, đặc biệt do phế cầu. Nếu người cao tuổi có nhiều bệnh lý nền hoặc phải nằm viện nhiều lần thì viêm phổi có thể xảy ra trong bệnh viện. Lúc này, các tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

Bên cạnh đó, do răng yếu nên người cao tuổi ăn uống kém, hay thiếu chất dinh dưỡng, tắm nước lạnh, mặc không đủ ấm cũng là các yếu tố khiến đề kháng suy giảm, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp. Nếu ai nghiện thuốc lá, sống ở vùng có nhiều khói bụi thì càng dễ viêm phổi. 

Triệu chứng không điển hình

Do sức đề kháng của người cao tuổi đã suy giảm nên biểu hiện của nhiễm khuẩn hô hấp đôi khi không điển hình. Đó là lý do tại sao nhiều bệnh nhân chỉ bị ho húng hắng vài tiếng, thậm chí không sốt mà đã bị viêm phổi. Sốt là phản ứng của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Nhưng ở người cao tuổi hệ miễn dịch bị suy giảm nên khi bị vi rút, vi khuẩn gây bệnh viêm phổi tấn công, người cao tuổi có thể không có phản ứng sốt. 

Người bệnh cao tuổi thường có 4-5 bệnh lý mạn tính, nên khi nhiễm khuẩn hô hấp thì tình trạng rất dễ trở nặng. Đặc biệt, các bệnh như viêm phổi, đợt cấp của hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính rất dễ tái phát, gây khó thở. Lúc này, đường hô hấp của họ xuất tiết nhiều nên dễ gây nguy kịch.

Trong giai đoạn thời tiết đang chuyển mùa, bác sĩ Ngô Thế Hoàng khuyến cáo người cao tuổi cần chú ý: Tắm nước ấm, buồng tắm kín gió, không nên tắm lâu, tắm xong phải lau khô và mặc quần áo ngay. Hạn chế quạt máy và máy lạnh (để nhiệt độ vừa phải), không uống nước lạnh có đá, không khí trong phòng luôn thông thoáng. Khi mưa rét, hạn chế ra ngoài, giữ ấm cơ thể để tránh bị lạnh đột ngột. Nếu cần thiết ra đường, phải mặc đủ ấm và đeo khẩu trang. Vệ sinh răng miệng sau ăn, trước và sau ngủ. Nếu có hàm răng giả, cần làm vệ sinh vài lần mỗi ngày.

Mặt khác, người cao tuổi cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vitamin từ rau, trái nhằm nâng cao sức đề kháng. Không nên hút thuốc lá, rượu bia, chăm chỉ tập thể dục mỗi ngày giúp cơ thể tránh bệnh tật. Nên tiêm vắc xin phòng cúm định kỳ và vắc xin phế cầu.

Một điểm lưu ý, con cháu không tự ý mua kháng sinh hoặc cho ông bà, cha mẹ sử dụng đơn thuốc cũ nhiều lần khi có triệu chứng ho, sốt. Như thế sẽ làm tăng sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Ngoài ra, dùng thuốc không phù hợp khiến bệnh tiến triển nặng gây biến chứng, giảm cơ hội điều trị. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI