Người cao huyết áp, đái tháo đường lưu ý gì khi giãn cách?

03/08/2021 - 07:14

PNO - Tỷ lệ tử vong ở người mắc COVID-19 có bệnh nền tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường cao gấp năm lần so với người bình thường.

Các bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, một nghiên cứu trên người mắc COVID-19 cho thấy, tỷ lệ tử vong ở người có bệnh nền tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường cao gấp năm lần so với người bình thường.

Do đó, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đình Sơn Ngọc, Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng, bên cạnh việc tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch của Bộ Y tế, người bệnh cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc mà mình hiện có.

Nếu còn ít, bệnh nhân hãy gọi điện thoại cho bác sĩ điều trị hoặc phòng khám chuyên khoa mà mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định. Cần kiểm tra và chắc chắn rằng đã có các trang thiết bị y tế cơ bản như nhiệt kế, máy đo huyết áp… Trong trường hợp có chỉ định tái khám, phải đeo khẩu trang và thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của cơ sở y tế.

Một người nếu bị khó thở, nặng ngực, mệt mỏi tăng dần hoặc huyết áp, tần số tim không ổn định phải thông báo cho bác sĩ điều trị để nhận được hướng dẫn xử trí phù hợp. Khi gặp các triệu chứng nặng như khó thở, đau ngực nhiều, tím tái… cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được chuyển đến bệnh viện gần nhất.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Trần Minh Triết, Khoa Nội tiết Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh của bệnh nhân đái tháo đường. Thời gian qua, nhiều bệnh nhân không thể đến khám bệnh, dẫn đến bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị.

Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường, các biến chứng lại e ngại, không đến bệnh viện khám. Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng của người bệnh thay đổi, ít vận động… cũng làm cho đường huyết tăng cao, khó kiểm soát và tăng nguy cơ xuất hiện nhiều biến chứng liên quan đến đái tháo đường.

“Một số trường hợp người bệnh tự ngưng thuốc quá lâu dẫn đến hôn mê tăng đường huyết phải nhập viện cấp cứu. Hoặc một số trường hợp xuất hiện các biến chứng, ví dụ bị thương ở bàn chân, nhưng người bệnh không dám đến bệnh viện và cố gắng chịu đựng, đến khi vào bệnh viện thì tình trạng đã rất nặng nề, nguy cơ đe dọa đến tính mạng”, bác sĩ Trần Minh Triết cho biết.

Các bác sĩ cho biết, hiện nay các bệnh viện đều thực hiện sàng lọc COVID-19 cho người đến khám, chữa bệnh, nhiều phương án đảm bảo an toàn đã phát huy hiệu quả. Vì vậy, người bệnh, nhất là có bệnh mạn tính đừng ngại ngần đi khám bệnh, báo ngay cho bác sĩ điều trị khi sức khỏe của mình có vấn đề. Nhất là xuất hiện các triệu chứng, biến chứng bất thường. 

Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, giãn cách tại nhà quá lâu dẫn đến tăng nguy cơ thừa cân và béo phì. Các rối loạn này là tiền đề dẫn đến các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường type 2, bệnh khớp… Người thừa cân cũng có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn khi nhiễm virus SARS-CoV-2. 

“Mọi người nên duy trì lối sống tích cực, rèn luyện thể chất, kiểm soát cân nặng và kiểm soát căng thẳng. Mỗi ngày vận động ít nhất 30 phút. Hãy tận dụng phòng khách, ban công, cầu thang… cho việc tập thể dục. Một người 70kg sẽ đốt cháy khoảng 100 calo cho 1,6km. Nếu đi bộ 8km với 10.000 bước chân có thể đốt cháy 500 calo”, bác sĩ Lâm Vĩnh Niên khuyến cáo. 

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI