Người cán bộ Hội trung kiên, nghĩa tình

07/05/2015 - 17:36

PNO - PN - Tham gia hoạt động Hội Phụ nữ (PN) từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến nay đã 80 tuổi nhưng dì Hai Sáng (Võ Thị Sáng, SN 1935, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống PN Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn còn nặng duyên với từng...

edf40wrjww2tblPage:Content

HÀNG CHỤC NĂM ĐI TÌM ÂN NHÂN

Tại buổi gặp gỡ, giao lưu giữa nữ cán bộ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nữ thanh niên Q.Thủ Đức, TP.HCM hôm 27/4, dì Hai Sáng đã tạo ấn tượng đặc biệt với mọi người bởi cách nói chuyện thân tình, gương mặt phúc hậu.

Dì Hai Sáng quê ở Đức Phổ, Quảng Ngãi. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, dì đi học bình dân học vụ rồi hoạt động phong trào thanh thiếu niên địa phương. 16, 17 tuổi, dì tham gia gùi lương, tải đạn chi viện cho chiến trường Tây Nguyên. Bị địch bắt, giam cầm một thời gian, đến năm 1956, dì vào Sài Gòn làm thuê.

Năm 1960, dì thoát ly theo cách mạng, nhận nhiệm vụ xây dựng cơ sở bí mật tại xã Thạnh Mỹ Tây (nay thuộc Q.Bình Thạnh). Tối đến, dì lại về căn hầm bí mật trong nhà ông Hai Nhiên ở Q.Phú Nhuận. Dù rất nghèo nhưng gia đình ông Hai Nhiên đã bảo bọc, chở che cho dì khỏi những trận lùng sục, “tìm-diệt” cộng sản của địch.

Đến năm 1962, dì Hai Sáng về làm Hội phó Hội PN cánh Bắc Thủ Đức (cũ). Dì kể: “Cán bộ phụ vận sống trong lòng dân, được dân bảo bọc. Chúng tôi vận động tiểu thương, người dân đóng góp lương thực, nhu yếu phẩm cho bộ đội. Bà con mình thương cán bộ phụ vận lắm, có gì góp nấy”.

Ngày 2/1/1969, dì Hai Sáng bị bắt cùng với dì Nguyễn Thị Chín (giao liên), Nguyễn Thị Nhứt (cơ sở của cách mạng) tại xã Tam Bình (nay là phường Bình Chiểu, Q.Thủ Đức). Khi đó, cậu con trai duy nhất của dì, anh Nguyễn Nghĩa Định (SN 1965) chưa tròn bốn tuổi. Thấy má bị đẩy ra xe, Định lẫm chẫm chạy theo, vừa khóc vừa gọi “má ơi! má ơi!”.

Ngồi trên xe nhìn con té nhào xuống hố cát, lòng dì Hai Sáng đau như cắt nhưng bất lực. Ngay khoảnh khắc đó, một người đàn ông mặc quần cụt, áo bà ba rách bươm đã ào tới bế Định vào lòng. Những ngày dì ở đề lao Gia Định, người thân đến thăm và cho biết, Định được một người tên Ké cứu giúp. Suốt bảy năm tù đày, bị tra tấn ở đề lao Gia Định, nhà giam Thủ Đức, Tân Hiệp (Biên Hòa, Đồng Nai), khám Chí Hòa và nhà tù Côn Đảo, chưa có ngày nào dì quên tên ông Ké - người đã giúp đỡ đứa con nhỏ dại.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, dì Hai Sáng về làm Hội trưởng Hội PN huyện Thủ Đức (cũ). Đôi chân của người nữ cựu tù chính trị Hai Sáng qua bảy năm bị đánh đập đã yếu nhiều, nhưng dì vẫn đi không biết mỏi. Dì ra chợ Thủ Đức vận động chị em vào tổ chức Hội. Thương quý dì, không chỉ hăng hái với phong trào Hội, nhiều tiểu thương còn để dành rau củ, thịt cá, bánh trái tặng bộ đội.

Dì thường nói với con cháu: “Gian nan, dài lâu cỡ nào má cũng phải tìm được ân nhân”. Tâm nguyện đó của dì cuối cùng cũng thực hiện được vào năm 2011. Ông Ké tên đầy đủ là Nguyễn Văn Ké (Chín Ké), ngụ P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức. Gặp lại ân nhân, thấy ông sống trong cảnh khó khăn, tuổi già bệnh tật, dì Hai Sáng bàn với các con tìm cách lo cho ông. Khi chính quyền địa phương xây nhà tình thương tặng ông Ké, con dâu của dì là chị Nguyễn Ngọc Lan chạy ngay ra chợ Thủ Đức mua mùng, mền, giường, chiếu, quạt máy…, thuê xe chở đến.

Nhà ông Ké không có điện, chị Lan chạy lo thủ tục, chi phí mắc điện. Hàng tháng, dì và các con phụ ông Ké ít tiền sinh hoạt, thuốc men. Các con, cháu dì thường xuyên tặng quà cho ông dịp lễ, tết.

Nguoi can bo Hoi trung kien, nghia tinh

Dì Hai Sáng (hàng sau, thứ hai từ phải qua) thường lặn lội về nhiều tỉnh tặng xe đạp cho học sinh nghèo

CÓ TRƯỚC CÓ SAU

Là chủ tịch Hội PN quận, về hưu năm 1985, dì nhận công tác tại Chi hội PN KP.3, P.Bình Thọ. Từ những năm 1976, 1977, dì Hai Sáng đã bắt đầu xây tặng nhà tình thương cho PN nghèo. Chồng mất sớm, chị Ngọc Lan đi làm mướn nuôi ba đứa con. Mẹ con chị sống trong túp lều được che chắn bằng vài tấm bạt rách. Dì Hai Sáng tới thăm, xây nhà tình thương tặng chị. Hồi mới từ Côn Đảo về, dì đi tìm dì Nguyễn Thị Nhứt, Nguyễn Thị Một (Út Một). Chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Biết dì Nhứt, dì Một chật vật áo cơm, dì liền nhận nuôi suốt đời. Hiện, dì đang chăm lo sinh hoạt hàng tháng cho dì Nguyễn Thị Sáu (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức). Dì Sáu bị khiếm thị bẩm sinh. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dì Sáu đã ẵm bồng, chăm sóc con của các cán bộ phụ vận như dì Hai Sáng.

Mấy năm nay, sức khỏe yếu dần nhưng dì Hai Sáng vẫn lặn lội về các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau hoặc ngược lên Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk hỗ trợ xây cầu nông thôn, tặng tập, sách, quần áo, xe đạp cho học sinh nghèo. Nhớ ơn nuôi giấu của ông Hai Nhiên, dì tìm về huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ (quê ông Hai Nhiên) xây tặng địa phương một cây cầu trị giá 50 triệu đồng. Năm 2013, dì góp 20 triệu đồng làm nhà tình thương cho hộ nghèo bị ảnh hưởng bão lũ tại Quảng Bình và một căn (20 triệu đồng) cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng...

Chị Lê Thị Mai Hoa, Chi hội trưởng Chi hội PN KP.3, P.Bình Thọ cho biết: “Từ năm 2011, khi tôi làm chi hội trưởng đến nay, năm nào dì Hai Sáng cũng ủng hộ chi hội một triệu đồng mua thẻ bảo hiểm y tế, chăm lo cho PN nghèo, bệnh tật, người già neo đơn. Dì cũng luôn sẵn sàng hỗ trợ chi phí tổ chức gói bánh tét tặng công nhân, người nghèo dịp Tết; mua tặng tập, sách, góc học tập cho học sinh hiếu học. Dì là tấm gương cán bộ Hội mẫu mực, nhiệt tình, sống hết lòng vì mọi người”.

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI