Người cán bộ hội có tấm lòng nhân ái, lan tỏa yêu thương

26/09/2022 - 09:50

PNO - Mở tiệm tạp hóa, nhưng ít khi đứng bán mà để một thùng giấy trước cửa, ai mua gì cứ bỏ tiền vô đó và tự lấy tiền dư, vì bà luôn tất bật với hàng trăm công việc không tên vì mọi người.

Bà là Phan Thị Thanh Thủy, 56 tuổi, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 5, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TPHCM. 

“Bữa nay bắp bắt đầu ra trái, sắp tới tôi sẽ thu hoạch cả vườn chia cho mọi người” - bà Thủy phấn khởi. Suốt buổi sáng cuối tuần, bà lui cui trong khu vườn nghĩa tình của Hội, hết nhổ cỏ, vạch lá tìm ốc sên lại kéo dây tưới nước. Vườn nằm trên đường số 3, khu phố 5, rộng 300m2 mới được cải tạo vào đầu năm nay từ bãi đất trống nhiều rác. Lúc đó, bà trồng toàn rau thơm, nhưng do đất trũng, thường xuyên ngập, lại bị ốc sên cắn phá nên không thu hoạch được gì. Hai tháng trước, bà kêu gọi cán bộ, hội viên khu phố góp tiền đổ đất, trồng bạc hà, sả, ớt và bắp.

Bà Thủy vui khi vụ bắp đầu tiên trong khu vườn nghĩa tình của Hội bắt đầu ra trái
Bà Thủy vui khi vụ bắp đầu tiên trong khu vườn nghĩa tình của Hội bắt đầu ra trái

Ngày nào bà cũng ra vườn chăm bẵm, sẵn tiện ghé qua công viên Imexco gần đó dọn vệ sinh. Công viên có nhiều cây xanh, ghế đá và thiết bị tập thể dục ngoài trời, được xây dựng vào năm 2019, có sự góp công rất lớn của bà Thủy. Là người có uy tín ở địa phương nên khi bà kêu gọi chung tay làm công viên, mọi người đều nhiệt tình hưởng ứng và cùng góp được 200 triệu đồng. Nhờ số tiền này, cộng với sự đầu tư của chính quyền địa phương mà bà con khu phố 5 có nơi để dạo mát, thư giãn sau mỗi ngày làm việc. Khi công viên được đưa vào sử dụng, không chỉ cùng cán bộ, hội viên phụ nữ khu phố tình nguyện dọn rác, bà Thủy còn vận động kinh phí làm sân bóng rổ và bóng chuyền tại đây. Bà chia sẻ: “Từ ngày có công viên, các đội văn nghệ, dưỡng sinh của chị em nhà Hội hay tập trung luyện tập. Chúng tôi cũng thường tổ chức sân chơi, gian hàng ẩm thực phục vụ trẻ em vào các dịp Trung thu, quốc tế thiếu nhi. Thấy mọi người vui, lòng tôi hân hoan lây. Tôi đang xin mấy cái xích đu lắp cho các cháu nhỏ chơi”. 

Xong việc ngoài vườn, bà Thủy chạy về soạn đồ làm bánh cua, bánh Trung thu, nói để mang ra công viên chia cho trẻ nhỏ. Bà nhận mình là người phụ nữ yêu bếp, cho nên, từ nhiều năm nay đã tự học làm bánh thông qua các clip trên mạng rồi mua lò và dụng cụ thực hành. Ban đầu, bà chỉ làm được vài món đơn giản như bánh bông lan trứng muối, bánh su kem, chuối hấp, còn giờ đã thành thạo nhiều loại. Không cần đợi tới dịp, cứ cách vài tuần hay một tháng, bà lại làm vài món bánh, sinh tố hoặc nấu chè tặng lối xóm và anh chị em công nhân ở các khu nhà trọ. 

Dù bận nhiều việc, nhưng bà Thủy vẫn thường xuyên làm các loại bánh tặng mọi người
Dù bận nhiều việc, nhưng bà Thủy vẫn thường xuyên làm các loại bánh tặng mọi người

Gia đình bà cũng có 15 phòng cho thuê. Trên chiếc bàn đặt trước khu trọ luôn có mấy thẩu chanh muối và rượu mơ do bà làm sẵn dành cho mọi người.

Không chỉ nhiệt huyết trong các hoạt động bảo vệ môi trường và chăm lo cho người khó khăn, cô Thủy còn rất quan tâm vấn đề an ninh trật tự. Năm 2015, cô vận động bà con góp tiền lắp 18 mắt camera dọc theo đường số 3 và các con hẻm nhỏ. Một số hộ dân cũng được cô khuyến khích tự trang bị camera trước nhà, vừa để phòng chống trộm, vừa giúp ghi nhận tình hình xả rác, vật nuôi phóng uế bừa bãi giúp địa phương có giải pháp tuyên truyền, nhắc nhở. Khi phát hiện đèn đường hư hay khu vực nào thiếu sáng, cô sẽ ngay lập tức tìm cách lắp cái mới. 

Chị Huỳnh Vị Thuỷ - Chủ tịch Hội LHPN P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TPHCM

Nhắc đến người chủ trọ của mình, anh Phạm Anh Trường (quê Đồng Nai) xúc động: “Tôi ở đây đã 5 năm, thấy cô hay làm đồ ăn, thức uống tặng mọi người. Cô chỉ cho chứ không chịu nhận lại cái gì. Ban đầu, chúng tôi cứ hỏi miễn phí thiệt hả cô, vậy là cô rầy, kêu chẳng lẽ có bấy nhiêu mà tao lấy tiền của bây. Vợ chồng tôi đến với nhau 12 năm, có hai mặt con mà chưa thể làm đám cưới. Lễ Quốc khánh vừa rồi, nhờ cô giới thiệu, chúng tôi được tham gia lễ cưới tập thể do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM tổ chức. Hạnh phúc và biết ơn cô rất nhiều. Hễ cô rủ ra khu phố tổng vệ sinh đường sá hay tham gia các hội thi văn nghệ - ẩm thực do Hội Phụ nữ tổ chức là chúng tôi theo liền”. 

Ngoài nguồn thu từ nhà trọ, bà Thủy còn mở tiệm tạp hóa. Bởi toan lo việc Hội, thành ra thay vì đứng bán cả ngày, bà mở cửa cho khách tự nhiên lấy món hàng cần mua rồi bỏ tiền vô thùng. Hỏi, không sợ mất đồ, cụt vốn sao, bà cười: “Tôi mở tiệm từ năm 1998, đến nay chòm xóm và các cháu ở trọ đều quen mặt hết, có gì mà lo. Cháu nào kẹt tiền tới mua thiếu cũng chủ động ghi sổ rồi trả sau rất đàng hoàng”. 

Mẫn Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI