Người biểu tình Thái Lan “đóng cửa” Bangkok: Khó tìm được thỏa hiệp

15/01/2014 - 07:51

PNO - PN - Cuộc tuần hành với mục đích lật đổ chính phủ Thái Lan đã tiếp diễn hết ngày thứ hai nhưng vẫn trong không khí hòa bình, không có hành động bạo lực đáng kể nào.

edf40wrjww2tblPage:Content

Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đề nghị gặp các thủ lĩnh nhóm biểu tình vào hôm nay 15/1 để bàn về khả năng hoãn cuộc tổng tuyển cử, dự định diễn ra ngày 2/2. Tuy nhiên, phe chống chính phủ đã từ chối đề nghị này. Thủ lĩnh nhóm biểu tình, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban, liên tục khẳng định ông không quan tâm đến bất kỳ cuộc bầu cử nào, mục đích cuối cùng của cuộc phong tỏa này là thay thế chính phủ hiện nay bằng một hội đồng nhân dân với mục đích thay đổi toàn bộ cơ cấu bầu cử. Theo ông, điều này sẽ là một phần của cuộc cải cách chính trị và có tác dụng làm suy giảm ảnh hưởng của gia đình Shinawatra.

Một nguồn tin trên báo chí Thái Lan, dựa vào thái độ nhân nhượng của bà Yingluck, đã cho rằng bà đang tính đến chuyện từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, thông tin này chưa được xác nhận. Tình hình hiện nay cũng đã dẫn đến lời đồn quân đội sẽ ra tay để ổn định tình hình, một hành động được cho là mang tính chất đảo chính, nhưng Tư lệnh quân đội, Tướng Prayuth Chan-ocha, đã chính thức tuyên bố quân đội sẽ không tham gia vào cuộc tranh chấp giữa hai phe. Ông chỉ yêu cầu các bên kiềm chế và sớm tìm ra một biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Nguoi bieu tinh Thai Lan “dong cua” Bangkok: Kho tim duoc thoa hiep

Người biểu tình trong ngày đầu “đóng cửa Bangkok” - Ảnh: Bangkok Post

Cuộc phong tỏa có thể tiếp diễn từ năm đến bảy ngày nữa, Giám đốc Cơ quan an ninh quốc gia Paradorn Pattanatabut dự kiến. Tuy nhiên, theo các hãng tin quốc tế, hầu hết các hoạt động kinh doanh, du lịch vẫn diễn ra bình thường, dù hệ thống giao thông công cộng phải hoạt động với công suất cao hơn.

Thủ lĩnh nhóm biểu tình đã thúc hối người biểu tình gia tăng cường độ phản đối. Ông nói: “Chúng ta phải bao vây các tòa nhà chính phủ, đóng cửa chúng vào buổi sáng và chỉ ra về vào buổi chiều. Trong vòng hai hoặc ba ngày nữa, chúng ta phải đóng cửa mọi tòa nhà chính phủ, bắt đầu bằng việc cắt điện và nước”. Đó cũng là một trong những kế hoạch chủ yếu của phe biểu tình.

Tuy nhiên, việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của các bộ, vì hầu hết các cơ quan trực thuộc chính phủ đều đã dời địa điểm làm việc đến nơi khác. Chẳng hạn, bà Shinawatra đã đến làm việc tại một tòa nhà trực thuộc Bộ Quốc phòng ở ngoại ô Bangkok, nhiều quan chức các bộ thì được phép làm việc ở nhà.

Phóng viên VTV ghi nhận Phe đối lập đẩy mạnh sức ép với chính phủ của bà Yingluck

Đến chiều 14/1, không khí Bangkok vẫn yên bình, những người biểu tình như đang dự một lễ hội lớn. Ông Jarumporn Chotikasathien, Chủ tịch Thị trường chứng khoán Thái Lan, nói với hãng tin Reuters: “Việc giao dịch chứng khoán vẫn diễn ra bình thường vào buổi sáng với chỉ số index giảm nhẹ vào thời điểm nghỉ trưa”. Không có biện pháp bảo vệ đặc biệt nào đối với nơi này. Một phóng viên của hãng Reuters cho biết, một nhóm đông người biểu tình đã đi ngang trụ sở thị trường chúng khoán và cơ quan hải quan nhưng không dừng lại. Điều đáng lo là ông Suthep Thaugsuban từng khẳng định, thị trường chứng khoán sẽ là một trong những địa điểm bị “đánh chiếm” đầu tiên khi phe biểu tình quyết định “tăng tốc”.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã đóng cửa trụ sở chính, chuyển địa điểm làm việc đến nơi khác, được cho là ở tỉnh Nakhon Pathom, phía Tây Bangkok. Siam Paragon, trung tâm thương mại lớn nhất Bangkok vẫn mở cửa bình thường hôm thứ Ba, nhưng người mua sắm giảm hẳn.

Người dân Bangkok vừa hưởng thêm được một đêm an bình, nhưng không ai dám chắc ngày mai sẽ ra sao…

THIỆN NGA
(Theo Huffington Post, Guardian, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI