Hoàng hôn ngã mình, nắng hắt vàng ươm xuống luống hoa cải hai bên đường. Ngôi làng phố núi Darahoa (xã Hiệp An, H.Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) xinh đẹp, yên bình chào đón những vị khách lạ bằng bức tượng gà chín cựa khổng lồ trong tư thế bệ vệ nằm ngay giữa làng.
Làng Darahoa nổi tiếng hơn những làng khác trong vùng nhờ tiếng tăm của bức tượng gà lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn gốc bức tượng này thì không phải ai cũng biết. Tôi hỏi nhiều người nhưng đều nhận được cái lắc đầu, nếu biết cũng chỉ đại khái, đoán chừng. Trong lúc bối rối, một cụ bà khều tay, ra hiệu đi về phía nhà bà: “Hãy hỏi K’Đông con gái tôi”.
K’Đông là một trong số không nhiều người dân trong làng am hiểu tường tận nguồn gốc, sự tích của bức tượng. Chị được biết đến như một tình nguyện viên du lịch với bề dày hơn 20 năm kinh nghiệm. Nếu may mắn gặp chị, ắt hẳn du khách sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời về nơi đây.
“Linh hồn” của buôn làng
K’Đông là con thứ bảy trong gia đình có 12 chị em thuộc dân tộc K’Ho. Từ khi sinh ra, K’Đông đã thấy sự xuất hiện của chú gà khổng lồ đứng oai vệ trước ngõ nhà mình, bức tượng gắn liền với tuổi thơ của chị, là nơi buôn làng thường tụ tập hát ca, nhảy múa, ăn uống trong các dịp lễ hội và cũng nhờ nó, chị mới có cơ duyên làm công việc thú vị của một hướng dẫn viên.
Nhà đông anh em nên học đến lớp 8, K’Đông đành gác lại việc học để nhường đường đến trường cho các em. Đứng giữa hai sự lựa chọn là làm rẫy và dệt thổ cẩm, chị chọn nghề thủ công truyền thống. Nhưng có lẽ trong suy nghĩ ngây thơ của tuổi 15, K’Đông chọn niềm vui hơn là ý nghĩa chia sẻ gánh nặng với gia đình, bởi khung dệt của mẹ nằm ngay ngõ, mỗi ngày ngồi đó, chị sẽ được gặp khách du lịch.
Nước da trắng của những vị khách Tây mắt xanh, tóc xoăn luôn là điều mới mẻ, lôi cuốn sự tò mò của cô bé chưa một lần bước chân ra khỏi làng. Nhờ những lần bẽn lẽn đi sau các anh chị hướng dẫn viên và già làng, K’Đông thuộc nằm lòng sự tích tượng gà và nhiều câu chuyện liên quan đến văn hóa du lịch của làng Darahoa.
Chị chỉ tay ra khoảnh đất phía dưới bức tượng, kể về khoảng thời gian đẹp của tuổi thơ. Ngày bé, chị thường cùng bạn bè trong xóm lót rơm dưới chân con gà, nằm chơi và để “hóng” khách du lịch. Nhiều hôm còn ngủ lại đêm ở đó, dưới đôi chân vạm vỡ chất đầy rơm ấy, đã nhiều lần lũ trẻ đoan chắc với nhau: “Không đâu đẹp bằng bầu trời đêm đầy sao ở làng mình”.
Chị rất yêu ngôi làng, điều đó thể hiện qua cách chị gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống và vẫn hàng ngày ngồi đây bên khung cửi, nồng nhiệt đón khách du lịch.
So với ngày xưa, phong thái, kinh nghiệm hướng dẫn của chị có phần đĩnh đạc, truyền cảm của một người phụ nữ từng trải. Sau nhiều năm tự học hỏi, rèn luyện, K’Đông đã tự tin giao tiếp với bạn bè quốc tế bằng vốn tiếng Anh lưu loát của mình. Chị tự nhận xét khả năng ngoại ngữ của mình “chỉ vừa đủ giao tiếp”. Đó có lẽ là câu trả lời khiêm tốn của chị, bởi tôi đã thật sự bất ngờ khi dõi theo cuộc trò chuyện của chị với bốn vị khách người Đức hôm đó.
K’Đông chào hỏi, chuyện trò với khách bằng ngữ điệu không khác của người bản xứ. Một người trong đoàn thốt lên “What a surprise!” (ngạc nhiên chưa). Mọi người có vẻ thích thú, chăm chú lắng nghe chị kể sự tích tượng gà. Đó là câu chuyện buồn của đôi tình nhân người dân tộc K’Ho, gia đình nhà trai đã thách cưới cô gái phải tìm con gà có chín cựa.
Cô lên núi, đi khắp mọi nơi nhưng không tìm được lễ vật và cô chết trong rừng sâu. Dân làng thương tiếc, lập nên bức tượng gà để tưởng nhớ cô, đồng thời yêu cầu bãi bỏ hủ tục thách cưới này. Câu chuyện làm du khách không khỏi xúc động, một du khách nữ trao cho chị cái ôm nhẹ rồi "boa" tờ 100.000đ. K’Đông khéo léo từ chối: “Làm ơn đừng làm thế, đó là công việc của tôi mà, rất hân hạnh được đón tiếp các bạn và hy vọng mọi người sẽ nhớ về làng của chúng tôi”. “Đó là công việc…”, “làng của chúng tôi…”, “rất hân hạnh”, dường như là những “tuyên ngôn” cho công việc tình nguyện mà chị đang làm.
Quả thật, công việc đó đòi hỏi sự tự nguyện mà chỉ những người đầy nhiệt huyết, tình yêu vô cùng lớn dành cho các giá trị văn hóa của làng như chị mới có thể làm tốt đến như thế.
Từ chối nước Bỉ vì làng cần có mình
K’Đông bận bịu khi một lúc làm những hai việc, lại vừa phải làm “gà mẹ” chăm sóc các chú “gà nhíp” ở nhà. Nhưng với chị, đó là “sự bận rộn hạnh phúc nhất” bởi chị đang được làm những việc mình thích.
Cưới chồng năm 2000 nhưng đến năm 2006, chị mới đón con đầu lòng. Chăm con vất vả nhưng chị luôn có chồng sát cánh, cùng san sẻ mọi điều. Chị bảo mình may mắn lắm mới được làm vợ anh. “Nhập gia tùy tục”, là người Kinh nhưng anh sẵn sàng theo chế độ mẫu hệ của người K’Ho, tức đàn ông trong nhà sẵn sàng xắn tay áo giặt tã cho con, bếp núc phụ vợ chứ không chỉ làm việc nương rẫy nặng nhọc.
Anh thường xuyên địu con lên rẫy, vừa làm vừa chăm con, hiếm khi nổi cáu, cộc cằn. Chồng thích chị làm hướng dẫn viên, chẳng những thế, anh còn bập bẹ học tiếng Anh để khi có dịp sẽ chào hỏi xã giao vài câu với du khách, hoặc thỉnh thoảng cũng có cái để “khè” với các con, mặc dù anh biết, khả năng của chúng bỏ xa anh nhờ đã được mẹ giao tiếp song ngữ từ khi… còn nằm trong bụng.
Các con cũng như chị lúc nhỏ, cứ “lẽo đẽo” trò chuyện với người nước ngoài nên giao tiếp bằng tiếng Anh khá tốt.
Mặc dù kinh tế gia đình khá khó khăn nhưng với suy nghĩ “người biết hài lòng là người nắm giữ hạnh phúc”, chị đã và đang sống trong niềm hạnh phúc đó. Chị quyết nắm chặt dẫu cho có nhiều “cơ hội vàng”, chỉ cần chị gật đầu đồng ý sẽ có cuộc sống hoàn toàn sung túc ở trời Tây. Đó là lời gợi ý chân thành của chị gái chị - K’Gro. K’Gro cưới chồng Bỉ, có đầy đủ điều kiện, tiềm lực tài chính để đón K’Đông sang định cư. Clarot - chàng trai người Bỉ bảy năm trước một mình chạy xe máy xuyên Việt, đã dừng chân trước ngôi làng Darahoa xinh đẹp và “ở luôn không chịu đi” vì phải lòng K’Gro.
Cuộc gặp gỡ tình cờ và lời cầu hôn “ập đến như sóng”, cả gia đình lắc đầu từ chối vì không thể tin được chuyện như trên trời rớt xuống thế này. “Cưới vợ phải cưới liền tay”, Clarot xin phép về nước để chuẩn bị những thứ cần thiết và hứa sẽ sớm quay lại Việt Nam cùng gia đình hỏi cưới K’Gro.
Để làm tin, Clarot để mọi thứ quý giá nhất trên người cùng chiếc Honda Suzuki lại rồi về nước. Đúng ba tuần sau, anh quay lại, chính thức cầu hôn K’Gro. Đó là đám cưới hoành tráng nhất, đặc biệt nhất trong lịch sử làng Darahoa. Sau bảy năm kết hôn, năm nào K’Gro cũng cùng chồng về thăm gia đình, ở lại Việt Nam ít nhất hai tháng.
Vậy nên, K’Đông không chỉ giỏi tiếng Anh mà chị còn giao tiếp tốt tiếng Pháp (Bỉ và Pháp sử dụng chung ngôn ngữ). Mới đây, chị vừa có kỳ nghỉ dài ba tháng ở Bỉ. Dường như câu chuyện xoay quanh người phụ nữ dân tộc có nước da ngăm đen, nổi bật với khuôn miệng cười tươi rói này không thể không khiến người ta thích thú, ngưỡng mộ.
Và cái cách chị trải lòng về cảm xúc lần đầu đặt chân đến châu Âu, cảnh sắc phương Tây qua câu từ miêu tả mộc mạc, lôi cuốn khiến tôi thật sự “ganh tỵ” với chị. Tuy nhiên, điều đáng quý nhất ở K’Đông là thái độ và cách nhìn nhận rất sâu sắc của chị về cuộc sống. Nước Bỉ tráng lệ, là một nơi mà nhiều người mơ ước được sống, nhưng sau những ngày hưởng trọn cuộc sống tươi đẹp như mơ ấy, chị lại muốn nhanh chóng về nhà.
Chị bồn chồn, lo lắng vì lẽ: liệu có bạn bè quốc tế nào đến làng mà bỏ lỡ nội dung sự tích tượng gà, mờ tịt về văn hóa, con người làng Darahoa chỉ vì… vắng mình? Nghĩ đến những trường hợp như vậy, chị nóng lòng trở về hơn lúc đi. Rồi chị về làng, mang theo rất nhiều điều hay sau chuyến đi để góp nhặt lại làm vốn cho công việc hướng dẫn du lịch của mình.
Mặc dù chỉ làm du lịch tại chỗ nhưng chị biết được văn hóa nhiều vùng miền qua lời kể của khách về những nơi họ đã đi qua. Trong đó, chị quý nhất là lần gặp gỡ gia đình người Hà Lan nọ. Trong lúc chị trò chuyện với hai vợ chồng thì hai cô con gái của họ cũng kịp kết thân với bọn trẻ nhà chị, rồi bằng mọi cách, chúng thuyết phục ba mẹ cho ngủ lại nhà K’Đông một đêm.
Một, hai đêm rồi kéo dài đến ngày thứ bảy, gia đình họ chấp nhận hủy hết các điểm đến còn lại ở Việt Nam để hai con được trải nghiệm cuộc sống tại nhà K’Đông. Bọn trẻ cần có được nhiều bài học từ sự hòa nhập cuộc sống với cộng đồng người K’Ho. Sống cùng một mái nhà, họ đã cùng nhau trải nghiệm nhiều điều, bản thân K’Đông và các con chị cũng học được rất nhiều từ cách sống của gia đình kia. Ngày chia tay, cả hai bên đều bịn rịn, mong chờ lần gặp gần nhất sắp tới.
Mong muốn của K’Đông là có một nhà nghỉ (dạng homestay) nhỏ, không phải để kinh doanh mà đơn thuần đó sẽ là nơi dừng chân thoải mái để chào mừng những người bạn mới và đón những người bạn cũ quay trở về thăm chị. K’Đông hẹn tôi một ngày không xa, chúng tôi sẽ có một đêm cùng quây quần bên chum rượu cần, nhấm nháp miếng gà rừng nướng rồi say với những câu chuyện về nét văn hóa đặc sắc của dân làng Darahoa. Vô tình hay bởi vương vấn, suốt đường về, tay tôi cứ vân vê chiếc khăn choàng thổ cẩm chị dệt, có dòng chữ “Chicken village” (làng Gà).
Kim Liên