Người bị tim mạch có thể tử vong vì bệnh răng miệng

28/02/2018 - 05:00

PNO - Đối với người bình thường, việc bị viêm nướu răng, hoặc nhổ răng không phải là vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, việc này có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người có bệnh tim mạch.

Nhiễm trùng van tim, phù phổi cấp sau khi nhổ răng

Mới đây, nam bệnh nhân N.T. T., 56 tuổi, ngụ tại Đồng Nai, phải nhập Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cấp cứu vì sốt, khó thở kéo dài sau khi nhổ răng. Tại bệnh viện, ông T. được chỉ định siêu âm tim và phát hiện bị nhiễm trùng van tim.

Theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Định - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch của bệnh viện - ổ vi trùng trú ngụ lâu ngày trong răng của người bệnh đã bị phát tán khi nhổ răng. Các loại vi trùng này nhiễm vào máu, di chuyển khắp cơ thể. Khi đến tim, những vi trùng này bám lại, gây nên ổ nhiễm trùng ở van tim, phát triển thành những mảng sùi.

Hậu quả còn diễn tiến nghiêm trọng hơn khiến ông T. bị hở van động mạch chủ, hở van hai lá và ba lá. Nếu không phẫu thuật ngay, những mảng sùi kia có thể rớt ra, theo máu lên não, làm tắc mạch máu não. Để cứu sống ông T., ê-kíp phẫu thuật tim của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã phải dùng màng ngoài tim của chính bệnh nhân tái tạo van động mạch chủ, sửa chữa van tim. Đến nay, bệnh nhân đã hồi phục. Ông T. không ngờ lần nhổ răng đó lại khiến mình rơi vào tình cảnh nguy hiểm như vậy.

Bệnh lý răng miệng và tim mạch thoạt nghe có vẻ không liên quan nhưng thực tế lại có mối quan hệ mật thiết. Ths - bác sĩ Võ Tuấn Anh, khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cảnh báo: “Nhiều người dân có thói quen hễ nhổ răng hay điều trị viêm nướu, lấy cao răng thì cứ đến thẳng các phòng nha đóng tiền rồi được phục vụ luôn mà không nói với bác sĩ nha khoa bệnh sử của mình. Chúng tôi vẫn dặn các bệnh nhân tim mạch khi đi chữa răng, phải nói mình bị bệnh tim để nha sĩ có phương án điều trị kháng sinh dự phòng, nhưng đa số họ quên mất điều này”.

Bản thân bác sĩ Tuấn Anh từng ghi nhận một nam bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, sau khi ra phòng nha tư nạo tủy về nhà bị sốt, khó thở. Lúc nhập viện cấp cứu, bệnh nhân đã trong tình trạng phù phổi cấp. Khi siêu âm, bác sĩ nhận thấy tim bệnh nhân giãn to, van tim gần như bị đứt ra.

Nguoi bi tim mach co the tu vong vi benh rang mieng
Người có tiền sử bệnh tim mạch có thể nguy kịch sau khi nhổ răng

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trước khi thực hiện bất cứ ca phẫu thuật nào liên quan đến tim, các bác sĩ đều chỉ định bệnh nhân kiểm tra bệnh răng miệng và xử lý triệt để nếu có. Nếu phát hiện bệnh nhân bị nhiễm trùng nhưng chưa có ổ sùi ở van tim thì phải dùng kháng sinh từ 40 - 60 ngày rồi mới phẫu thuật.

Viêm nội tâm mạc thứ phát vì vệ sinh răng miệng kém

Bệnh răng miệng gây biến chứng vào tim còn xảy ra ở cả trẻ em do phụ huynh chủ quan, thiếu quan tâm tới con. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, chị T. T. B., quê Trà Vinh, rầu rĩ cho biết, con gái chị tên P. T. X., 4 tuổi, bị viêm nội tâm mạc thứ phát phải nhập viện điều trị. Bé X. có tiền sử thông liên thất lỗ nhỏ bẩm sinh, được chỉ định theo dõi tới khi được 5 - 6 tuổi cần xử lý.

Các bác sĩ cũng đã dặn phụ huynh cần chú ý vệ sinh răng miệng cho bé để tránh những biến chứng nguy hiểm vào tim. Từ trước tết Nguyên đán, con gái chị B. bỗng dưng sốt, lừ đừ. Sau khi đưa bé vào bệnh viện để khám, kết quả siêu âm cho thấy, có cục sùi trong tim.

Các bác sĩ đã cho bé cấy máu và tìm ra được loại vi khuẩn thường trú trong răng miệng tên là tụ cầu vàng. Chị X. mếu máo, chỉ vì bất cẩn mà tính mạng con mình bị đe dọa, nhẹ nhất cũng phải nằm viện điều trị kháng sinh đặc hiệu trong 
một tháng.

Bác sĩ Nguyễn Huỳnh Phương Thùy - khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - cho biết, tháng nào bệnh viện cũng tiếp nhận điều trị một vài bệnh nhi bị viêm nội tâm mạc thứ phát liên quan đến vi trùng từ răng miệng. Đối với những bệnh nhân tim mạch, điển hình là nhóm bệnh tim bẩm sinh như: thông liên thất, còn ống động mạch chủ, tứ chứng Fallot… muốn nhổ răng cũng cần có kế hoạch điều trị dự phòng.

Các bệnh nhân này thường phải uống kháng sinh và những loại thuốc theo chỉ định trước khi nhổ răng 1 giờ và sau khi nhổ răng 5 giờ. Trong một số trường hợp, người bệnh còn cần sử dụng kháng sinh dự phòng bằng cả đường chích. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI