Người bị bệnh nền, bệnh mạn tính có được tiêm vắc xin COVID-19?

25/06/2021 - 06:23

PNO - Nhiều người bị bệnh ung thư, dù đã điều trị xong nhưng bác sĩ khám sàng lọc vẫn nhẹ nhàng thông báo xin hẹn lại đợt tiêm sau.

Bà H.B., 50 tuổi, cán bộ Hội Phụ nữ một phường ở TP. Thủ Đức, TPHCM cảm thấy sốt ruột vì thấy người khác được tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhưng mình thì chưa. Hai ngày trước, bà hớn hở ra điểm tiêm chủng, rồi phải quay về.

Những người bị bệnh nền, bệnh mạn tính cần phải khám sàng lọc kỹ, cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu
Những người bị bệnh nền, bệnh mạn tính cần phải khám sàng lọc kỹ, cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu

Bác sĩ thấy bà khai trong phiếu sàng lọc: bị ung thư, đã hỏi thăm kỹ rồi tư vấn bà chờ hai tháng nữa để tiêm ở bệnh viện cho an toàn. Trước đó, bà lo lắng nên hỏi thăm bác sĩ điều trị ung thư cho mình và được tư vấn nên tiêm vắc xin càng sớm càng tốt. “Bác sĩ điều trị nói sức khỏe tôi ổn định vì bệnh đã điều trị từ cách đây 5 năm. Hiện tôi chỉ uống thuốc về rối loạn nội tiết”, bà H.B. nói. 

Tương tự, bà T.T.A. (59 tuổi), kỹ thuật viên gây mê tại một bệnh viện ở Q. Bình Tân, TPHCM , cũng bị từ chối tiêm vắc xin từ bác sĩ tại bệnh viện mình làm việc. Bác sĩ sàng lọc thông báo bà A. thuộc trường hợp phải hoãn tiêm do mắc bệnh ung thư. Bà A. cho biết: “Tham khảo các tài liệu y khoa, hỏi ý kiến bác sĩ điều trị tôi đều nhận được thông tin trường hợp của tôi hoàn toàn có thể được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tôi đã kết thúc đợt xạ trị cách đây ba tháng”. Hiện, mỗi ngày vào bệnh viện làm việc, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân mà không được tiêm vắc xin khiến bà rất lo lắng. 

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung Bướu Bệnh viện TP. Thủ Đức, cho biết: “Trong đợt tiêm vắc xin này, rất nhiều bệnh nhân ung thư nhờ tôi tư vấn có nên tiêm hay không. Đa phần với những trường hợp đã điều trị ổn định, hoàn toàn có thể được tiêm vắc xin phòng COVID-19, thậm chí phải nên được tiêm sớm. Tuy nhiên, các bệnh nhân phản hồi là họ đều bị hẹn phải tiêm vào đợt sau”.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ phân tích: “Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân ung thư cho dù đang điều trị vẫn có đáp ứng miễn dịch với vắc xin, mặc dù chậm và ít hơn so với người bình thường. Bệnh nhân ung thư có thể cần thêm mũi ngừa thứ ba thay vì hai mũi tiêm như người bình thường. Còn với những bệnh nhân đã điều trị ổn, đang trong thời gian theo dõi hoặc duy trì thuốc uống thì đương nhiên đủ điều kiện để được tiêm vắc xin như người bình thường. Việc cho tạm hoãn với những bệnh nhân ung thư là lo sợ vô căn cứ”. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, vẫn có trường hợp dù là rất hiếm, bệnh nhân ung thư được tiêm vắc xin trong đợt này. Đó là chị N., 45 tuổi, làm việc tại Khu công nghệ cao, TP. Thủ Đức. Chị N. cho biết mình đã điều trị ung thư vú cách đây bốn năm. Hiện tại, chỉ uống thuốc về nội tiết, sức khỏe ổn định, bệnh không tiến triển. Lần đầu, chị bị từ chối tiêm. Lần thứ hai, tại bàn khám sàng lọc, chị may mắn được khám bởi bác sĩ chuyên khoa ung bướu nên đã được chỉ định tiêm vắc xin phòng COVID-19. Sau tiêm, sức khỏe chị ổn định. 

Ngoài bệnh nhân ung thư, bệnh nhân tim mạch vẫn có thể được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Bác sĩ Lê Hồng Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết: hiện nay, chưa có dữ liệu nào cho thấy bệnh tim mạch làm tăng nguy cơ chống chỉ định tiêm vắc xin COVID-19. Giống như những người khác, bệnh nhân tim mạch phải thông báo cho nhân viên y tế tiêm ngừa về tiền sử phản vệ với thuốc uống, thuốc tiêm hay tiền sử dị ứng với thức ăn.

Chưa có báo cáo nào cho thấy tương tác giữa vắc xin COVID-19 và thuốc tim mạch mà bệnh nhân đang dùng. Do đó, không nên ngưng thuốc tim mạch trước và sau khi tiêm vắc xin . Những thử nghiệm an toàn của vắc xin COVID-19 trên người, bao gồm cả bệnh nhân tim mạch cho thấy không có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào. 

Những phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân tim mạch nặng. Dù vậy, tần suất xảy ra rất hiếm (khoảng một biến cố/hai triệu người tiêm) và lợi ích của tiêm vắc xin vượt trội so với phản ứng dị ứng này. 

Theo Quyết định 2995 ngày 18/6/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vắc xin phòng COVID-19, những người bị bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định thì không thuộc đối tượng trì hoãn tiêm chủng mà thuộc đối tượng cần thận trọng tiêm chủng. Những trường hợp này cần phải khám sàng lọc kỹ, cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.

Những người phải trì hoãn tiêm chủng gồm: người đang mắc bệnh cấp tính hoặc mạn tính đang tiến triển, chưa kiểm soát được; những người suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng; ung thư giai đoạn cuối; xơ gan mất bù…

 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI