Người bị bạo hành cần được quyền chọn nơi tạm lánh

01/06/2022 - 07:00

PNO - Góp ý vào dự luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) sửa đổi, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng: Cần quy định quyền của người bị bạo hành là được lựa chọn nơi tạm lánh, đặc biệt là được ở trong chính ngôi nhà của mình để có được cảm giác an toàn.

Tại sao người bị bạo hành lại phải ra khỏi nhà?
Chiều 31/5, tiếp tục chương trình của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, tại buổi thảo luận tổ của Đoàn ĐBQH TP.HCM về Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Lệ nêu ý kiến, trong dự luật có quy định về lệnh cấm tiếp xúc. Cụ thể, người có hành vi bạo lực phải giữ khoảng cách với nạn nhân từ 50 mét trở lên. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm quyền cho người bị bạo lực. Cụ thể, họ phải được lựa chọn chỗ ở trong chính ngôi nhà của mình khi có lệnh cấm tiếp xúc. Bà Lệ nêu thực tế, trước nay, hầu hết người ra khỏi nhà đều là người bị bạo hành, trong khi họ có mong muốn được cư trú ngay tại nhà mình. 

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân (đứng) - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - phát biểu thảo luận về dự luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), chiều 31/5
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân (đứng) - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - phát biểu thảo luận về dự luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), chiều 31/5

Cũng từ quan điểm trên, bà Lệ lưu ý, trong dự thảo có quy định phải bố trí nơi tạm lánh cho người bị BLGĐ. “Người có hành vi xâm hại, bạo lực tại sao không phải đi khỏi nhà mà lại là người yếu thế? Đề nghị phải có nơi cách ly cần thiết cho đối tượng có hành vi BLGĐ” - bà Lệ nói.
Cùng với quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho rằng cần bổ sung vào dự luật, người bị BLGĐ được quyền lựa chọn nơi tạm lánh, vì “khi các vụ việc xảy ra, đa phần người bị bạo hành là phụ nữ, khi đi tạm lánh, không chỉ có bản thân mà còn có con cái đi theo. Họ phải ra khỏi ngôi nhà của họ khiến tình hình càng căng thẳng hơn”. 
Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết cho biết, liên quan tới dự luật này, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã có hai hội thảo để lấy ý kiến. Có rất nhiều ý kiến liên quan tới nội dung: Tại sao người bị bạo hành phải ra khỏi nhà của mình trong điều kiện họ bị thương, sang chấn tâm lý và đôi khi nhà là do chính họ sở hữu hoặc bỏ tiền thuê, trong khi người thực hiện hành vi bạo lực lại được ở trong ngôi nhà đó? “Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu các quy định pháp luật hiện hành để có quy định trục xuất người có hành vi bạo hành ra khỏi nhà nhằm bảo vệ những người yếu thế” - Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM nói. 

Nâng cao vai trò của cộng đồng

Bà Bạch Tuyết đánh giá, thời gian qua nhiều nơi vẫn chưa thể hiện tốt vai trò của cộng đồng trong phòng, chống BLGĐ. Điển hình như vụ việc bé gái bị người tình của bố

Cần quản lý hình ảnh bạo lực gia đình trên phim ảnh

Hiện nay, những hình ảnh BLGĐ như đánh ghen, chồng đánh vợ… vẫn đang được trình chiếu nhan nhản trên phim ảnh và các sản phẩm nghệ thuật. Điều này sẽ làm mọi người có suy nghĩ BLGĐ là bình thường, những đối tượng như trẻ em rất dễ bị tiêm nhiễm. Đề nghị, bên cạnh việc tập trung tuyên truyền về phòng, chống các hành vi BLGĐ trong luật, cần quản lý một cách đồng bộ, không tuyên truyền, cổ súy hình ảnh BLGĐ trên phim ảnh. 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

bạo hành tới tử vong tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), người xung quanh nghe em bé khóc nhiều lần nhưng không quan tâm, cô giáo cũng không quan tâm nhiều. “Nếu nhận được sự quan tâm nhiều hơn, vai trò của cộng đồng tốt hơn, thì cháu bé không đến nỗi như vậy” - bà Bạch Tuyết bày tỏ. Từ đó, bà cho rằng, cần phải tuyên truyền nhiều hơn để làm thay đổi nhận thức, nâng cao vai trò của cộng đồng trong phòng, chống BLGĐ. 

Cũng từ vụ việc đau lòng nói trên, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân đặt vấn đề, thời gian qua, có một số vụ việc như người tình của bố, người tình của mẹ có hành vi bạo lực dẫn tới trẻ bị tổn thương, thậm chí tử vong rất thương tâm, trong khi dự luật mới chỉ quy định hành vi bạo lực được áp dụng với người đã từng ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng. Do vậy, cần bổ sung thêm quy định “Hành vi bạo lực được áp dụng đối với người đã ly hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng và thành viên gia đình của người đã ly hôn”. Như vậy mới không bỏ sót các trường hợp người bị bạo lực là thành viên gia đình, đặc biệt đối với con riêng là trẻ em. 
Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cũng lưu ý thêm, hiện dự thảo đang quy định trách nhiệm của Hội LHPN trong việc tổng hợp, báo cáo các vụ việc bạo hành gia đình. Đây là việc mà Hội đã làm lâu nay. Tuy nhiên, với mỗi vụ việc, từ xem xét tới xử lý là cả một quá trình, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều đơn vị, các bên liên quan. Bà Phượng Trân đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung về sự phối hợp thực hiện tổng hợp, báo cáo để có đầy đủ dữ liệu thông tin, tránh những vụ việc có sự chồng chéo, khiến việc báo cáo không được đầy đủ. 

Huyền Anh

Thủ tục và điều kiện còn phức tạp, chưa thực sự bảo vệ nạn nhân

Mặc dù luật hiện hành có hẳn sáu điều khoản quy định các hình thức hỗ trợ nạn nhân, các bộ ngành đều phải quan tâm xây dựng các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ, nhưng hầu hết nạn nhân từ các vụ BLGĐ lại không chủ động tìm kiếm sự trợ giúp từ chính quyền, các cơ quan, ban ngành. Theo thống kê, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng; cứ ba phụ nữ thì có gần một người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục… Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị BLGĐ không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an (theo Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam thực hiện, công bố năm 2020). 
Có nhiều nguyên nhân, kể cả từ phía người bị bạo lực và từ cộng đồng. Một vài nơi vẫn cho BLGĐ là vấn đề thuộc phạm vi gia đình nên đôi khi khá thờ ơ với nạn nhân, vì vậy nạn nhân cảm thấy không được hỗ trợ và họ ngại tiếp xúc với chính quyền. 
Thêm nữa, để được chính quyền bảo vệ, nạn nhân phải viết đơn đề nghị. Trong khi nhiều nạn nhân không biết phải trình bày đơn thế nào. Một số trường hợp, nạn nhân còn bị người có hành vi bạo lực hoặc người nhà ngăn cản, đe dọa nếu viết đơn hoặc tố cáo hành vi bạo lực. 
Đứng trước tình cảnh ấy, nạn nhân thường lựa chọn im lặng.  

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân 

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Quyen le 03-06-2022 06:04:43

    Vẫn còn một vấn đề mà chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa, phòng ngừa trước BLGĐ và trẻ vô gia cư. Khi ly hôn chia con để nuôi dưỡng, cha mẹ bắt con đi xin ăn, không cho đến trường học bắt đi làm khi chưa đến 18 tuổi, Bộ LĐTBXH cần can thiệp vào các trường hợp cha hoặc mẹ, cả cha mẹ không đủ điều kiện hoặc không muốn nhận nuôi các cháu. Vì đa số các cháu bị bạo hành, vô gia cư đều nằm trong các trường hợp này. Nhiều nước trên thế giới làm rất tốt như có cô nhi viện của chính phủ, là một gia đình lớn để bao bọc bảo vệ các cháu, về kinh phí trích từ ngân sách 50%, 50% kêu gọi đóng góp từ nhiều nguồn trong xã hội, dân ta có truyền thống lá lành đùm lá rách. Nhưng quỹ này phải minh bạch không để vẫn đục lại ảnh hưởng tương lai các cháu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI