Người bệnh đột quỵ hay nổi nóng?

11/02/2023 - 06:35

PNO - Ở những người tái bệnh đột quỵ nhiều lần dễ rơi vào rối loạn cảm xúc giả hành, dẫn đến xúc cảm không phù hợp với hoàn cảnh như cười trước chuyện buồn hay tự nhiên khóc khi đang vui.

 

* Sau đột quỵ, chồng tôi bị yếu liệt một bên tay, chân, nói chuyện khó khăn. Mặc dù chồng tôi vẫn tích cực tập vật lý trị liệu, có thể đi lại bằng dụng cụ trợ giúp nhưng anh luôn trong tâm trạng buồn bã, mệt mỏi. Gần đây, anh trở nên cáu gắt, dễ bực tức, thậm chí la lối, đập đồ đạc trong nhà. Tôi phải làm sao để anh không bị mất kiểm soát như hiện tại?

Phan Thị Ngọc Ánh
(tỉnh Bình Dương)

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thị Ngọc Quyên - Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - trả lời: Sau đột quỵ hay cơn thiếu máu não thoáng qua, một số người bệnh thường có sự thay đổi cảm xúc, dẫn đến rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc giả hành, trầm cảm và có ý định tự sát… 

Ban đầu, những cơn lo lắng chỉ xuất hiện với tần suất vừa phải. Nếu không được phát hiện và điều trị có thể tiến triển thành những cơn rối loạn hoảng loạn kịch phát từng đợt, kèm những triệu chứng toàn thân như co quắp tay chân, thở nhanh nông...

Ở những người tái bệnh đột quỵ nhiều lần dễ rơi vào rối loạn cảm xúc giả hành, dẫn đến xúc cảm không phù hợp với hoàn cảnh như cười trước chuyện buồn hay tự nhiên khóc khi đang vui.

Nặng nề hơn, việc hạn chế trong hồi phục chức năng làm người bệnh bị trầm cảm, nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh sẽ nặng nề hơn dẫn đến người bệnh có ý định tự sát. Cũng có người thiếu kiên nhẫn, tự ti, mặc cảm, lo sợ phải làm phiền người thân trở thành gánh nặng cho gia đình.

Để xoa dịu, hồi phục tổn thương tâm lý cho người bệnh, ngoài sự cố gắng của bệnh nhân, gia đình, người xung quanh nên quan tâm, hỗ trợ cho họ. Cùng người bệnh xây dựng lối sống năng động, động viên bệnh nhân tham gia các hội nhóm, gặp gỡ tiếp xúc mọi người, cũng như lắng nghe tâm tư tình cảm, khó khăn của họ để có những hỗ trợ hợp lý.

Như vậy, trường hợp chồng chị rất có thể đã rơi vào các rối loạn về tâm lý. Vì vậy, bên cạnh chia sẻ, chị nên đưa anh đến bệnh viện có chuyên khoa tâm lý, hay gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn, điều trị kịp thời.

Phạm An (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI