Vui sao nước mắt lại trào...
Ngày 6/11/2023, khánh thành tuyến đê bao đường Thủ Ngữ (xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) - nơi Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định đóng quân trong kháng chiến chống Mỹ - ông Chín Giang (Ngô Tấn Quân, cựu Bí thư Quận đoàn quận 11, TPHCM) xúc động viết: “Vậy là tuyến đê bao chống lũ ở xã Mỹ Hội đã hoàn thành. Bao cảm xúc, kỷ niệm, nhớ thương lại tràn về trong ký ức làm nước mắt mình cứ tuôn trào…”.
Như bao lần chia sẻ tâm tư trên Facebook, người cựu cán bộ đoàn đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác khẳng định, hoàn thành tuyến đê bao coi như ước nguyện cuối đời của ông đã hoàn thành.
Ông Chín Giang kể, năm 1966, lần đầu ông về căn cứ Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định, quãng đường từ chợ Bà Tồn đến trạm giao liên chỉ hơn 1km mà phải qua gần chục cây cầu khỉ. Có những cây cầu phải bò chứ không dám bước.
 |
Bà Nguyễn Thị Huệ tại lễ trao giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ tám |
Sau giải phóng, năm 1977, ông cùng cán bộ văn phòng Thành đoàn về lại căn cứ xưa để tìm mộ đồng đội. Từ ấp Mỹ Thuận đến nơi chôn cất các liệt sĩ phải mất hơn 60 phút xuồng máy, lội bộ hơn 100m đường sình lầy, trơn trượt, rất khó đi. Cũng từ chuyến đi này, ông biết được ước nguyện của nhiều người đã ngã xuống là sau khi độc lập, đất nước sẽ xây cầu cho dân, cho học sinh đi lại dễ dàng.
“Vậy mà cho đến năm 2007, tuyến đường đê từ cầu Thủ Ngữ trong đến cầu Bà Rằng vẫn là đường đất, cầu khỉ vẫn còn là cầu khỉ. Năm 1978 và 1979, nước tràn đê bao gây úng ngập, làm chết những vườn cây ăn trái của bà con cả vùng. Những năm 2020-2022, năm nào tôi cũng về Mỹ Hội thăm các gia đình chính sách, lần nào về tôi cũng đến tuyến đê bao, nơi các chiến sĩ hy sinh, tôi thấy tuyến đường đê 600m nhiều chỗ bị nứt nẻ, nhiều chỗ bị nước khoét sâu, có nguy cơ gây vỡ đê” - ông Chín Giang ngậm ngùi.
Rồi căn bệnh ung thư thanh quản khiến ước nguyện làm lại tuyến đê bao để đền ơn đáp nghĩa cho bà con vùng đất đã cưu mang mình và các chiến sĩ đã bao lần bị gián đoạn. Bắt gặp tâm tư của người cựu cán bộ đoàn, bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM - đã tìm đến và hứa sẽ đứng ra thực hiện công trình này.
Chỉ trong vài ngày bà đã phối hợp với Ban Liên lạc cựu cán bộ đoàn phía Nam và Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn vận động và hỗ trợ 400 triệu đồng cho UBND xã Mỹ Hội thực hiện ước nguyện của ông Chín Giang. Ngày 5/10/2023, công trình được khởi công, người dân ấp Mỹ Hội hồ hởi tự nguyện góp công. Sau 1 tháng làm việc, con đường bê tông rộng rãi đã hoàn thành, ô tô 4 bánh chạy vào chạy ra, cầu khỉ đã thành cầu bê tông cốt thép.
Trước đó, giữa năm 2023, hòa cùng niềm vui của 50 hộ dân ấp Tân An, xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, cụ ông Nguyễn Văn Lạc (104 tuổi) cứ đi tới đi lui trên chiếc cầu mới xây còn thơm mùi vôi vữa với ánh mắt ngóng trông. 10g, khi đoàn đến khánh thành cầu, ông Lạc đã cảm ơn rối rít. Ông nói: “Ngày nào ở bên này tui cũng ngóng qua bên kia mà con cháu không cho đi cầu khỉ. Mấy chục năm nay chỉ ước ao có cây cầu bê tông để qua bên kia chơi thăm mấy ông bạn già, ôn lại chuyện cũ. Không ngờ tới lúc gần đất xa trời lại có cầu để đi thiệt. Nghe tụi nhỏ nói nay đoàn về khánh thành nên sáng sớm tui đi bộ ra cầu chờ mọi người, nguyện phải gặp cho bằng được để cảm ơn những người đã cho tiền làm chiếc cầu này. Coi như tui sống được đến ngày hôm nay là đã mãn nguyện rồi”.
Nghe ông cụ bày tỏ, bà Nguyễn Thị Huệ cười mà đôi khóe mắt cay cay. Nắm đôi tay gân guốc của ông, bà nhắn gửi: “Nay có cầu rồi, vậy thì cụ phải cố gắng khỏe để sống lâu hơn. Phải đi chơi bù bao nhiêu năm nay chỉ quẩn quanh ở nhà”.
Đó là một ngày nắng rực rỡ, chói chang trên dòng kênh Ông Tô. Chiếc cầu có kinh phí xây dựng hơn 458 triệu đồng, dài 32m, rộng 3,5m, trọng tải 2,5 tấn, mang tên dòng kênh đã nối đôi bờ, thay cho chiếc cầu khỉ chông chênh suốt bao năm. Niềm vui rạng ngời hiện rõ trên khuôn mặt những người dân ấp. Cụ Lạc cũng ở lại chung vui, chụp hình với bà con bên chiếc cầu mới cho đến khi mặt trời đứng bóng.
Kết nối tấm lòng để lan tỏa yêu thương
Không chỉ có cầu Ông Tô và tuyến đê bao Thủ Ngữ, trong 2 năm 2023 và 2024, bà Nguyễn Thị Huệ đã cùng Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM vận động hội viên đóng góp xây dựng 10 cầu giao thông nông thôn cho đồng bào vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, Bạc Liêu và Cà Mau… Để đảm bảo vận động xây dựng cầu với chi phí từ 200 đến hơn 400 triệu đồng/cầu, bà Nguyễn Thị Huệ đã thực hiện sáng kiến “Nhiều hội viên cùng tham gia thực hiện một công trình”.
Chia sẻ về sáng kiến này, bà cho biết, sau dịch COVID-19, những doanh nghiệp gắn với hội nhiều năm không còn khả năng hỗ trợ nên bà vận động trong hội viên, cứ 5 người nhận 1 chiếc cầu thì sẽ cùng nhau thảo luận, vận động sao cho đủ kinh phí, thống nhất trong việc tài trợ, xây dựng và giám sát việc thi công.
 |
Bà Nguyễn Thị Huệ trong chuyến chăm lo cho trẻ mồ côi tại cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi Vĩnh Phước An (Bạc Liêu) trong dịp Quốc tế Thiếu nhi năm 2024 |
“Các cô lớn tuổi rồi, không làm ra tiền, chỉ sống bằng đồng lương hưu và tiền con cháu cho. Trong khi những công trình như xây cầu cần số tiền lớn, do đó, các cô vận động trong hơn 300 hội viên và người thân, bạn bè cùng đóng góp. Ngay cả những nghệ sĩ, những đại sứ nhân ái cũng đồng hành bằng cách live stream bán hàng để kêu gọi cộng đồng đồng hành. Như vậy, 1 công trình đã có sự chung tay, đóng góp của rất nhiều người, chia sẻ yêu thương đến mọi người” - bà Nguyễn Thị Huệ nói.
Ngoài 10 cầu nông thôn, từ sáng kiến này, hội còn sửa chữa 11 căn nhà tình thương ở các tỉnh Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Gia Lai, góp phần giảm bớt khó khăn cho nhiều hoàn cảnh. Hội cũng đến các tỉnh Tây Nguyên xây nhà vệ sinh, tặng bồn chứa nước cho dân. 2 năm qua, hội đã vận động hơn 24 tỉ đồng để thực hiện các chương trình an sinh xã hội và vận hành 7 mái ấm của mình.
Với cách làm này, bà Nguyễn Thị Huệ là cá nhân duy nhất được Hội LHPN TPHCM trao giải thưởng Nguyễn Thị Định lần thứ tám diễn ra tháng 10/2024. Hội LHPN TPHCM nhận định: “Mô hình đã phát huy sức mạnh tập thể để mỗi hội viên phát huy vai trò, tích cực tham gia đóng góp vào các công trình an sinh xã hội có ý nghĩa, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong tập thể, từ đó mang lại hiệu quả cao, đạt, vượt chỉ tiêu trong từng chương trình”.
Những người đóng góp phải rờ được, thấy được những việc hội làm Để vận động đủ kinh phí làm chừng đó việc trong 2 năm qua, chúng tôi trước hết phải tạo niềm tin cho hội viên bằng những chương trình, dự án cụ thể. Mạnh thường quân, những người đóng góp cho hội phải rờ, thấy được những việc hội làm chứ không thể chung chung, mơ hồ. Nhờ có kế hoạch cụ thể và làm đúng cam kết, hội ngày càng thu hút được nhiều người. Những chuyến về nông thôn khánh thành cầu hay trao tặng nhà tình thương, chúng tôi thường kết hợp tặng quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn ngay tại địa phương để niềm vui được nhân đôi. Ngoài những phần quà vật chất, hội cũng tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ do nhóm nghệ sĩ là đại sứ nhân ái của hội trình diễn, mang đến món ăn tinh thần cho người dân vùng sâu, vùng xa, được bà con nhiệt tình hưởng ứng và tham gia rất đông. Bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM |
Thu Lê