PNO - Năng lượng ở đâu, mục tiêu là gì để Hillary dấn thân cho một hành trình đầy chông gai, làm không bao giờ ngưng nghỉ “vì muốn thế giới trở nên tươi đẹp hơn”, và bà gọi đấy là “công việc chưa hoàn thành”.
LTS: Hôm nay, dù bà Hillary Rodham Clinton có trở thành tổng thống của Hoa Kỳ hay không, thì câu chuyện dấn thân về nữ quyền, về yêu thương của người đàn bà mang “trái tim không giới hạn” này mà bản tổng phổ sự nghiệp chính trị của bà đã bao lần vang lên vì điều đó, sẽ là sự thôi thúc và khơi gợi hành động lẫn ước mơ cho nụ cười chứ không phải nỗi đau trên hành tinh lắm bất trắc này.
Mặc cho thùng phiếu ở thị trấn nhỏ Dixville Notch, quận Coos, bang New Hampshire đã được khui, tôi không quan tâm đến tỷ lệ nghiêng về Lừa xanh hay Voi đỏ, bất luận về mọi trưng cầu, công bố ở nhiều kênh tuyến khác nhau, tôi chỉ mường tượng về những bàn chân lạnh cóng trong đêm của những nông dân sau mùa thu hoạch, họ phải mất cả ngày đường để đến chỗ bỏ phiếu cho kịp, vào ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Mười Một.
176 năm đã trôi qua từ cái quy ước ngẫu nhiên, mà có phần thuận lợi cho người dân trong một quốc gia nông nghiệp non trẻ Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, về quyền bầu cử, đến nay, ngày thứ Ba ấy vẫn là một dấu mốc cho lịch sử xứ cờ hoa. Dù rằng, lịch sử ấy, đến thời điểm này, vẫn “tôn trọng” hay cố chấp vin vào những lá phiếu của đại cử tri - dựa trên cái “thỏa hiệp 3/5” bất nhẫn, quy định nô lệ da đen không được quyền bầu cử nhưng được tính bằng 3/5 người thường trong thống kê quy mô dân số của mỗi bang!
Cũng tại New Hampshire, mặc cho những lá phiếu đại cử tri đầu tiên đã được kiểm đếm, tôi cố gắng không để mình bị cuốn vào dòng trạng thái xanh xanh đỏ đỏ nhưng rõ ràng, không thể không ngước nhìn ánh mắt và nụ cười ngời sáng ấy, để ngoái lại niềm tin tuy có phần ngây thơ (vào Bản tuyên ngôn nhân quyền của cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789) nhưng lại biểu hiện ý chí mạnh mẽ của Marie - Olympe de Rouges, khi chỉ hai năm sau, năm 1791, bà phác thảo Bản tuyên ngôn về quyền của phụ nữ và công dân.
Năm 1793, người phụ nữ ấy thản nhiên bước lên đoạn đầu đài với quy án “chống đối chính phủ” từ cái bản tuyên ngôn nữ quyền nhân vị của chính mình, để rồi 150 năm sau, năm 1944, phụ nữ Pháp mới được cầm trong tay lá phiếu bầu, quyền công dân của nữ giới Pháp được chính thức thừa nhận.
Cái chết của M.O de Rouges không phải là sự trả giá đầu tiên cho tiếng nói nữ quyền nhưng là sự kích hoạt cho một tinh thần vì quyền của phụ nữ ở ngay chính xứ sở được mệnh danh là khai sáng, là tiến bộ, là văn minh.
Sự đăng quang trong suốt tiến trình vận động cho đến thời khắc đứng trước cánh cổng Nhà Trắng đã chực mở toang của Hillary Rodham Clinton không phải là vòng nguyệt quế để chúng ta hân hoan chúc mừng nhau chiến thắng của nữ quyền - nhân quyền từ nơi mọi ngõ ngách của hành tinh này.
Nhưng ít nhất đã có những cơ hội, những nghiệm sinh, những lựa chọn, những quyết định mà ở từng thời điểm, ở mỗi quốc gia, ở giữa những cán cân đầy bấp bênh, sóng sánh, nguy hiểm, đám đông phổ thông lẫn đại diện tinh hoa đã nghiêng về phụ nữ, đã dành cho họ cái vị trí họ xứng đáng nhận lãnh và được tôn vinh.
Họ sinh ra là trẻ em gái, họ đã nỗ lực không ngừng để trở thành người - đàn - bà, định đoạt cuộc đời, tương lai của chính mình và những người xung quanh bằng phẩm chất và năng lượng đàn bà của mình cũng như tinh thần tôn trọng nam quyền, tôn trọng những dị biệt, những khoảng cách không giới hạn.
Nhìn lịch trình di chuyển, kèm theo khối lượng công việc cùng những “khủng hoảng thông tin” có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu, từ ai của người phụ nữ ấy; ngắm nhìn cái gia thế danh giá, không gian ấm áp của gia đình và sự viên mãn ở tuổi thất thập bên chồng, con gái và cháu ngoại Charlotte, tự chặc lưỡi, còn có sự nhọc nhằn, tận tụy cho những điều nào khác nữa sao? Năng lượng ở đâu, mục tiêu là gì để Hillary dấn thân cho một hành trình đầy chông gai, hay đâu ai buộc mình cứ phải làm cho xong, cho tốt, làm không bao giờ ngưng nghỉ “vì muốn thế giới trở nên tươi đẹp hơn”; và bà gọi đấy là “công việc chưa hoàn thành”. Liệu có bao giờ hoàn thành?
Lướt theo những hình ảnh, đọc lại những dòng hồi ức trong Những lựa chọn khó khăn, mới hiểu vì sao ứng cử viên đảng Dân chủ đã đáp trả thích đáng Donald Trump: “Khi nào ông ấy đi đến 112 quốc gia, đàm phán thỏa thuận hòa bình, lệnh ngừng bắn... hoặc dành 11 giờ liền điều trần trước ủy ban quốc hội, ông ấy mới có thể nói với tôi về sức chịu đựng”. Và càng không thể lý giải vì sao “bỗng dưng” lại xảy ra một cuộc tranh luận, so kè, chạy đua giữa hai đại diện mà sự chênh lệch đến từ quá nhiều vấn đề, lĩnh vực và nhất là nền tảng văn hóa.
Nhưng Hillary Rodham Clinton đã ở đó, trên phim trường trong hai phiên tranh luận, dọc theo các bang chiến trường lẫn thủ phủ quê nhà để thực hiện giấc mơ và lý tưởng đời bà. Như cái cách mà cô bé Hillary Diane Rodham đã trải qua tuổi thơ ở Park Ridge, ngoài giờ học (và học rất giỏi) còn tranh thủ giữ trẻ thuê, hay khi đã thành hôn với Bill Clinton, với tư cách là luật sư, Hillary là người tích cực trong công tác đấu tranh cho quyền trẻ em, là người đồng sáng lập Hội ủng hộ Gia đình và Trẻ em bang Arkansas.
Một tuổi trẻ nhiệt thành, ban đầu theo phái Cộng hòa và rồi được “thức tỉnh” bởi những bài diễn thuyết của mục sư M.Luther King Jr. cô con gái đầu của nhà Rodham đã chuyển hướng theo Dân chủ. Đã có sự chần chừ đôi chút giữa tình yêu và sự nghiệp để đến khi tìm thấy sự hòa hợp giữa hai con đường ấy chung một lối, từ chối cơ hội mở rộng tại một văn phòng luật sư tại Washington, bà đã quyết theo Bill Clinton về Arkansas sau nhiều ánh mắt ngỡ ngàng của bạn bè, cậu có mất trí không đấy…
Đó là một cuộc đời luôn nhìn về phía trước, luôn khát khao tiến tới gần vùng ánh sáng của sự thay đổi, sự nhập cuộc, chấp nhận từ bỏ một cuộc sống dễ dàng, đơn giản, quen thuộc. Và quan trọng, không khó để nhận ra những sai lầm, thất bại của bản thân, lại càng không dễ để nhanh chóng cho qua sau lời sám hối chân thành.
Thảm kịch Benghazi là một nốt trầm buồn vào cuối nhiệm kỳ ngoại trưởng của Hillary. Bà nhận hết trách nhiệm về mình, không tránh né, đổ thừa nhưng cũng quyết liệt đáp trả mọi dụng ý sai lệch. Tại phiên điều trần, Ngoại trưởng Mỹ đã trình bày: “Theo quan điểm của tôi, nhìn về quá khứ để tìm hiểu lý do tại sao các nhóm dân quân này quyết định làm những việc họ đã làm (tấn công bất ngờ và sát hại bốn chuyên viên ngoại giao Mỹ, trong đó có đại sứ Mỹ Chris Stevens), thì không quan trọng cho bằng truy lùng họ và đưa họ ra công lý, rồi khi đó có lẽ ta sẽ tìm hiểu những gì đã xảy ra”.
Mặc dù, khi đối diện chính mình, trái tim của người vợ, người chị, người mẹ, Hillary đã mang theo niềm hối tiếc sâu sắc.“Tôi thường nghĩ về những gia đình mất đi người thân yêu khi phụng sự tổ quốc. Tầm quan trọng của sứ mệnh và lòng biết ơn của đất nước đối với họ có thể mang lại đôi chút khuây khỏa, nhưng suy cho cùng, không lời nói hay hành động nào của bất kỳ ai trong chúng ta có thể lấp đầy khoảng trống còn lại”.
Sẽ không có một lý thuyết nữ quyền nào hấp dẫn và thuyết phục hơn chính cuộc đời của Simone de Bauvoir; và bây giờ, là một phần quan trọng trong sự nghiệp chính trị của đại diện đảng Dân chủ, người đàn bà Mỹ, Hillary Rodham Clinton. Thông điệp Hillary “nhân quyền là quyền của phụ nữ, và quyền của phụ nữ là nhân quyền, dứt khoát là như thế” đã được bà viết từ chính cuộc đời dấn thân của mình. Mục đích cuối cùng của bà là gì, một câu hỏi tương tự như thế đến từ Madeleine Albright - nguyên ngoại trưởng Mỹ, Hillary đã không ngần ngại trả lời: "Đại diện cho phụ nữ và trẻ em, tôi muốn nới rộng hết mọi giới hạn khả dĩ".
Hơn thế, người phụ nữ ấy có niềm tin và sự kiêu hãnh của mình để khẳng định: “Mỗi ngày người Mỹ cần một người để bảo vệ và tôi muốn trở thành người bảo vệ đó”.
Ngày 22 tháng 1 năm 2009, Hillary Rodham Clinton chính thức nhậm chức ngoại trưởng thứ 67 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, sau màn chào hỏi đồng nghiệp, bà tiến vào văn phòng Bộ trưởng ở tầng thứ 17 - Phòng Gỗ gụ. Trong căn phòng riêng, có lá thư của người tiền nhiệm, nguyên ngoại trưởng Condoleeza Rice để sẵn. Condi khiêm nhường và sắt đá, viết ngắn, chân thành, để lại những dòng chuyển giao về người kế nhiệm: “Bà có phẩm chất quan trọng nhất cho công việc này: lòng yêu nước sâu sắc”.
Cả Condi lẫn Hillary đều xứng đáng, và đúng; đúng với tất cả những ai mang theo cái phẩm chất ấy trong cuộc lựa chọn dấn thân. Từ giảng đường đến văn phòng luật sư, rồi đến ngày bước chân vào cửa chính đường C của văn phòng Bộ Ngoại giao, Hillary mang theo tinh hoa của lòng yêu nước. Như bao nhiêu người phụ nữ của nước tôi, họ đi từ những cánh đồng khô cháy, từ con nước lớn ròng, từ những đường phố chằng chịt kẽm gai hay tả tơi vì bom đạn bước vào cuộc chiến vệ quốc với “chứng chỉ” duy nhất cũng là lòng yêu nước. Họ hồi sinh và kiến thiết đất nước này, thành phố thân yêu này cũng chính từ phẩm chất không - của - riêng - ai ấy, nhưng lại là phẩm chất thiêng liêng nhất, giản dị nhất, chân thành nhất.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.