Người bạn tin cậy của nhân dân Việt Nam

21/09/2023 - 06:30

PNO - Ngó đi ngó lại, ngó trước ngó sau mới thấy, người Nhật là người bạn tin cậy của chúng ta hiện nay và cả trong tương lai rất xa nữa.

Hiện nay, Nhật Bản đứng thứ hai trong 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ở Việt Nam với 4.765 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 63,94 tỉ USD, quy mô bình quân 13,4 triệu USD/dự án, cao hơn quy mô bình quân chung của cả nước 11,7 triệu USD/dự án.

Cầu Cần Thơ tổng mức đầu tư khoảng 342,6 triệu USD) bằng nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (khoảng 15%).
Cầu Cần Thơ tổng mức đầu tư khoảng 342,6 triệu USD) bằng nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (khoảng 15%).

 Ở TPHCM, tính đến cuối tháng 11/2021, đã có 3.218 dự án của Nhật Bản đầu tư, tổng vốn gần 7,42 tỉ USD, chiếm 10,44% tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài, đứng thứ tư trong 116 quốc gia và vùng lãnh thổ về tổng vốn đầu tư trực tiếp. TPHCM hiện có 13.000 người Nhật sinh sống, hình thành các khu phố Nhật Bản như ở đường Thái Văn Lung, Lê Thánh Tôn, khu Thảo Điền…

Những con số trên phản ánh rằng Việt Nam là điểm đến đáng tin cậy của Nhật Bản; các doanh nghiệp, tổ chức - và nói chung là người Nhật - đã chiếm được lòng tin, sự kính trọng của người dân Việt Nam. 

Có lẽ Nhật Bản là một trong số không nhiều nhà đầu tư tận tâm, tận lực với Việt Nam. Vốn ODA là vốn hỗ trợ phát triển chính thức, nhiều nhất là ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đây là loại vốn mà bên vay được ưu đãi về lãi suất, thời gian trả nhưng bị ràng buộc bởi nhiều quy định như phải mua vật tư theo yêu cầu của bên cho vay, phải sử dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị máy móc và nhân lực của bên cho vay. 
Thực tế, có rất nhiều dự án ODA mà phía Việt Nam phải nhận quả đắng. Nhưng với vốn ODA của Nhật Bản thì không có chuyện đó. Trong tất cả dự án mà người Nhật đầu tư vào Việt Nam, họ đều mang đến Việt Nam những công nghệ và kỹ thuật mới nhất, hiện đại nhất. 

Các chuyên gia Nhật Bản không giấu người Việt Nam bất cứ bí mật nghề nghiệp nào, từ kỹ thuật đến vận hành và quản lý, bảo trì. Những công nghệ tích hợp, những kỹ thuật thi công phức tạp, vận hành máy móc hiện đại đều được các kỹ sư, công nhân có tay nghề bậc cao của Nhật Bản chuyển giao ngay cho các kỹ sư và công nhân Việt Nam một cách nhiệt tình cho đến khi phía Việt Nam thành thạo. Họ luôn hoàn thành các cam kết về tiến độ và quy trình kỹ thuật, không một chút khuất tất. 

Trong quan hệ xã hội, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn giữ chữ tín. Cho đến nay, hầu như không có cuộc đình công hay phản ứng tập thể nào xảy ra trong các công ty Nhật Bản ở Việt Nam. Các chủ doanh nghiệp chăm lo cho công nhân chu đáo, như xây nhà lưu trú cho công nhân, bao trọn gói tiền trọ, điện, nước. 

Năm 2007, sự cố cầu Cần Thơ khiến nhiều người chết và bị thương, phía Nhật Bản đã nhận toàn bộ trách nhiệm và ngoài việc khắc phục hậu quả sập cầu, họ còn hỗ trợ để con em các nạn nhân được học hành chu đáo cho đến khi trưởng thành. Thế hệ con cháu của những người xấu số trong vụ sập cầu ấy rất buồn nhưng không oán người Nhật bởi họ đã trọn vẹn nghĩa tình. 

Nhật Bản đã hỗ trợ rất lớn cho Việt Nam trong quá trình tái thiết và phát triển, nhưng ở Việt Nam chưa có địa danh, công trình mang tên một nhân vật hay sự kiện nào của Nhật Bản. Đã từng có đề xuất đặt tên nhà báo người Nhật Bản Takano Isao hy sinh trong chiến tranh phía Bắc năm 1979 cho một đường phố ở tỉnh Lạng Sơn. Cũng có chuyên gia đề nghị đặt tên quảng trường trước cửa Nhà hát TPHCM là quảng trường Việt - Nhật để ghi nhận sự đóng góp của họ cho tuyến metro số 1. Gần đây nhất, có ý kiến đề nghị đặt tên cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho một đường phố đẹp ở TP Hà Nội. Nhưng tất cả đều chưa thành hiện thực. 

Ngó đi ngó lại, ngó trước ngó sau mới thấy, người Nhật là người bạn tin cậy của chúng ta hiện nay và cả trong tương lai rất xa nữa. Cha ông ta thường nói “hãy chọn bạn mà chơi”. Khi chơi với người Nhật, chúng ta không phải đề phòng, e dè, cảnh giác, bởi họ quá tử tế. Vậy thì, chúng ta cũng nên đáp lại sự trọn vẹn, nghĩa tình này. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI