Người bán hàng rong chán ví điện tử

01/07/2020 - 15:45

PNO - Rất nhiều quầy hàng rong, sạp chợ ở TP.HCM từng chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử nay quay lưng với loại hình thanh toán này.

 

Logo giới thiệu điểm chấp nhận thanh toán đã bị tháo xuống do lượng khách thanh toán ít
Logo giới thiệu điểm chấp nhận thanh toán đã bị tháo xuống do lượng khách thanh toán ít

Chuộng “tiền tươi thóc thật” hơn

Cách đây một năm, khi ghé mua xôi bắp Huỳnh Mai tại 199A Nam Kỳ Khởi Nghĩa và 315 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM, khách đều thấy trên thùng xôi có dán tấm bảng nhận thanh toán bằng ví điện tử (VĐT) MoMo; thay vì trả tiền mặt, khách có thể quét mã QR qua điện thoại. Rất nhiều sạp hàng rong khác cũng “lên đời” theo cách này. Nhiều người thích thú vì mua gói xôi cũng có thể móc điện thoại ra quét. Thế nhưng, hiện nay, những điểm bán hàng rong, đồ ăn vặt vẫn còn nhưng chủ dịch vụ đã dẹp những tấm bảng nhận quét mã QR này.

 

Chị Mai - chủ thương hiệu xôi bắp Huỳnh Mai - lý giải: “Chúng tôi được khuyến khích đăng ký làm điểm chấp nhận thanh toán một số VĐT như MoMo, VNPay, Moca. Các đơn vị VĐT này cam kết sẽ có nhiều chương trình hoàn tiền khi thanh toán, cung cấp cho chúng tôi một lượng lớn khách hàng là những người có sử dụng VĐT. Thế nhưng thực tế, tỷ lệ khách thanh toán bằng VĐT rất ít. Từ lúc gắn bảng thông báo đến nay, tròn một năm, chỉ có vài người thanh toán qua VĐT, còn lại đều trả bằng tiền mặt nên tôi tháo bảng cho rồi”. 

Tại phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm, Q.1, trước đây, có hơn 10 quầy hàng treo bảng giới thiệu chấp nhận thanh toán bằng VĐT, nhưng hiện chỉ nửa số quầy còn treo những tấm bảng này. Nhiều bảng mã QR bị cũ nhòe, khi khách quét mã thì không hiện thông tin người đăng ký.  “Chị bán lâu nay không thấy ai hỏi thanh toán bằng VĐT. Em thanh toán bằng tiền mặt giúp chị, dịch vụ này do đứa em đăng ký, chị không rành” - chủ quầy bán mì xào bò tại đây nói với chúng tôi. 

Còn chủ quầy sinh tố Mai Hương thì nói thẳng, lượng khách thanh toán bằng VĐT tại quầy rất ít. Một số người chọn thanh toán vì VĐT có khuyến mãi, nhưng số tiền khuyến mãi không nhiều, tần suất khuyến mãi, ít nên khách cũng không mặn mà.

“Riêng với mỗi giao dịch của khách, chúng tôi mất phí cho các VĐT là 1-1,2%. Đó là chưa kể, khách thanh toán vào cuối tuần thì chúng tôi phải chờ sang tuần mới được VĐT trả lại số tiền giao dịch. Vì vậy, chúng tôi vẫn khoái khách thanh toán bằng tiền mặt hơn” - chủ quầy Mai Hương nói. 

Việc thay đổi thói quen thanh toán trong hoạt động kinh doanh truyền thống không dễ dàng
Thay đổi thói quen thanh toán trong hoạt động kinh doanh truyền thống không dễ dàng

Ngoài ra, tại các điểm bán hàng rong ở khu chợ Bến Thành và Tân Định (Q.1), công viên Lê Thị Riêng (Q.10), đường Vũ Huy Tấn (Q.Bình Thạnh), các biểu tượng chấp nhận thanh toán qua VĐT tại đây cũng được chủ điểm bán gỡ xuống do không có khách thanh toán. 

Ví điện tử còn nhiều hạn chế

Thanh toán không dùng tiền mặt đang được đẩy mạnh, nhưng nhìn vào thực tế của không ít VĐT, có thể thấy, không dễ để thay đổi thói quen giao dịch bằng tiền mặt.

Theo tiến sĩ Lê Đình Hạc (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM), để thanh toán bằng VĐT, người tiêu dùng phải làm thủ tục tạo ví rồi chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng vào ví hoặc từ ví vào ví. Tuy nhiên, hình thức chuyển tiền từ tài khoản sang ví hoặc từ ví này sang ví kia chưa linh hoạt. Ví dụ, VĐT Ngân Lượng, Bảo Kim, Payoo mới chỉ có hình thức chuyển tiền giữa các tài khoản ví trong cùng hệ thống với nhau, riêng ví MoMo thì có nhiều kênh chuyển tiền, từ tài khoản MoMo hay các ngân hàng liên kết, nhưng mức phí chuyển lại cao. 

So sánh chung về phí rút tiền mặt với phí chuyển khoản, sẽ thấy phí chuyển khoản vào ví để thực hiện cho một giao dịch khá cao, sử dụng tiền mặt thanh toán giao dịch nhỏ lẻ vẫn tiết kiệm hơn cho người dân. Nếu rút 5 triệu đồng từ máy ATM trong cùng hệ thống, khách hàng mất phí 1.100 đồng/lần rút, khác hệ thống thì mất phí 2.200 đồng/lần rút, sau đó mang tiền mặt đi mua bán và không mất một khoản phí nào. Nhưng nếu khách chuyển 5 triệu đồng từ tài khoản sang VĐT, sẽ mất từ 1.000-3.000 đồng cộng với 1,12-1,6% giá trị giao dịch (tùy hình thức chuyển từ tài khoản ngân hàng liên kết, thẻ ngân hàng nội địa hay từ ví sang ví). Như vậy, dùng tiền mặt thanh toán vẫn tiết kiệm tiền hơn.

Một nguyên nhân khiến người dân không quan tâm tới hình thức thanh toán bằng VĐT là do họ đang thiếu thông tin về các loại ví, cách sử dụng và những tiện ích mà ví mang lại. Theo khảo sát của chúng tôi, một số người bán còn khá lúng túng khi thao tác hoặc chọn giải pháp từ chối. Các VĐT đều có khuyến mãi bằng hình thức hoàn tiền cho khách, nhưng chỉ tập trung tại các thương hiệu, cửa hàng lớn, hiếm thấy danh sách các điểm bán hàng rong. Hơn nữa, mức chi tiêu để hoàn tiền đều từ 20.000-100.000 đồng/giao dịch, trong khi giá bán một gói xôi lề đường hoặc một ly nước ép chỉ có 12.000-15.000 đồng.

Một điều quan trọng nữa là người sử dụng dịch vụ vẫn chưa tin tưởng vào độ bảo mật của các VĐT. Khi có sự cố xảy ra thì không đơn vị nào nhận trách nhiệm mà sẽ đổ lỗi khách hàng đã truy cập các website không an toàn, làm lộ thông tin cá nhân hoặc yêu cầu khách hàng tự trình báo với cơ quan chức năng.

“Các VĐT nên mở rộng tính năng, đa dạng hóa dịch vụ để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nên có thêm nhiều hình thức nạp tiền vào ví hoặc mở rộng thêm mạng lưới liên kết các ngân hàng. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá để khuyến khích người dân sử dụng ví bằng cách miễn phí cho các điểm bán hàng đăng ký, tặng tiền vào tài khoản cho khách hàng đăng ký ví. Nên tăng cường bảo mật và có khung pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng khi xảy ra các sự cố mất tiền, lộ thông tin” - tiến sĩ Lê Đình Hạc đề nghị. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI