|
Mai mốt không biết có còn trái gùi để mua không nữa |
1. Bà già ngồi bán trái gùi trên đường, dưới bóng cái cây nhỏ xíu, không che nổi cái nắng khó chịu gay gắt. Hai thúng gùi vàng rực tưởng tương phản nhưng lại hòa điệu không ngờ với bộ đồ chất phác chân quê. Hỏi gùi bao nhiêu tiền một ký, bà nói: “Một trăm năm chục ngàn”. Tui tròn mắt: “Bà có nhầm không? Trái gùi mà, hồi xưa bỏ la liệt chớ có quý báu gì đâu mà giờ một trăm năm chục ngàn một ký?”.
Bà thủng thẳng: “Thì đó, đó là chuyện ngày xưa, ngày xa lắc xa lơ, trái gùi hồi đó bự bằng nắm tay vầy nè!”. Vừa nói bà vừa đưa nắm tay ra. Rủi thay, tay bà gầy nhom, nên bà lật đật nói thêm: “Bằng nắm tay đàn ông á, chớ đâu nhỏ xíu vầy! Mấy thúng gùi này là tui sang lại của người ta, đâu phải đi hái về, nên còn phải kiếm lời nữa chứ”.
Rồi bà phân trần cho cái sự đắt đỏ một trăm năm chục ngàn một ký, rằng là: “Hồi xưa á, năm nào ra tết là gùi chín đầy trong rừng, đi một lát được mấy bao. Còn giờ phải đi cả ngày. Mà giờ không phải năm nào cũng có đâu, ba bốn năm mới có. Vì sao không biết mà giờ rừng đâu mất hết rồi, muốn đi hái trái gùi, phải đi sâu vào rừng, rồi người ta hái nhiều quá làm dập hết dây gùi, nên phải mấy năm nó mới “tỉnh” lại. Còn thêm chuyện, không biết ai nói dây gùi làm thuốc nữa chớ, nên giờ gùi đã ít lại càng ít hơn.
Hiếm lắm, còn có nhiêu đó, cô may lắm mới mua được đó. Bữa nay tui bán ở đây, chớ mai mốt không biết có còn gùi để bán không nữa, tui rầu quá. Thôi mua đi cô, tui bán cho cô trăm rưỡi chứ bán người khác tới hai trăm đó. Hồi nãy nè, lúc tui dọn hàng ra, có bà già đi ngang thấy thúng gùi liền quay lại mua hết thúng, bả nói: “Mấy chục năm rồi mới gặp lại trái gùi”. Gùi ngày càng hiếm, càng mắc đó cô”.
Cái “người khác” mà bà nói bán hai trăm ngàn một ký vẫn còn ngồi đó, ngay cạnh bà. Nghe bà oang oang chuyện bị bán mắc, “người khác” vẫn cười cười không nói gì. Bà khách ấy chừng hơn 70 tuổi, ăn mặc sang trọng, có chiếc xe hơi màu đen đậu xa xa đang chờ, có lẽ giàu hơn tôi.
Hết khách, bà già bán gùi kéo tấm manh che bớt nắng cho giỏ gùi rồi ngồi phịch xuống ghế. Tôi mua số trái gùi còn lại, đâu chừng 2 - 3 ký, rồi kéo ghế ngồi phơi nắng với bà già bán gùi, à không, với hai bà già của những mùa gùi xưa cũ, nghe tâm tình những mùa gùi kiếm vài chục triệu đồng là thường của thời xa xôi.
2. Người đàn bà đen đúa nhỏ con, kể quê bà ở tận vùng biên. Bây giờ phải một mình ngồi bán gùi rừng dưới cái nắng chang chang bên lề đại lộ, gần bệnh viện.
“Sao dì đi bán xa quá vậy?”, tôi hỏi, rồi thảng thốt khi nghe người đàn bà lam lũ than thở: “Thằng con trai lớn theo nghề hái gùi. Nào giờ nó có bị gì đâu, rừng có lạ lùng gì với nó, nhắm mắt nó cũng đi tới được nơi có gùi. Cả xóm cũng có ai giỏi leo trèo, đu cành cao hái gùi như nó. Vậy mà hôm trước tết sơ sẩy làm sao rớt từ trên đọt cây xuống, gãy chân, chấn thương sống lưng, giờ ra vào bệnh viện miết. Ông nhà tui nuôi bệnh trỏng, tui ở ngoài này, bán hết gùi thì vào thế cho ổng về nhà”.
Chúng tôi hỏi thăm qua lại, những mùa gùi như tràn về trong tâm trí bà già. “Xưa á, hái gùi rừng kiếm nhiều tiền lắm, một mùa mấy chục triệu là thường”.
Lúc đó, cả nhà bà đi hái gùi. Đến mùa, chồng và hai đứa con trai vào rừng, chặt dây gùi và trái mang về. “Có mùa, thằng con trai sắm được cả cây vàng”, bà kể. Lúc đó, đâu chỉ một nhà bà mà cả xóm, cả xã kéo vào rừng. Ban đầu đi một buổi, sau phải đi cả ngày, rồi phải đi hai ngày mới tìm được gùi. Ban đầu chỉ chặt vài nhánh là đủ bán buôn, sau rồi chặt luôn cả dây mới đủ hàng để bán. Ban đầu chỉ tìm trái là chính, về sau người ta đồn dây gùi làm thuốc nên nhổ cả dây, cả rễ… Bà than: “Riết rồi “gùi” trốn mất tiêu, bán ráng mùa này, mùa sau chắc không còn gùi để bán”.
Rồi bà tiếp: “Ăn của rừng rưng rưng nước mắt cô ơi. Rừng linh lắm, phá vừa vừa thôi chớ phá quá bị trời phạt nè. Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá, tụi tui biết chứ, nhưng biết làm sao, theo nghề rừng mấy đời, giờ đâu phải đổi là đổi. Đàn bà con gái thường ở nhà thì đổi theo nghề hái ớt cũng dễ, còn đàn ông quen đi rừng biểu đổi liền cũng khó. Nhưng giờ nằm một chỗ rồi, không đổi cũng không được!”.
Năm nào tôi cũng mua trái gùi về ngâm với mật ong, pha với nước đá lạnh, khi uống cảm nhận ngọt ngào thanh mát thấm tận ruột gan. Mùa gùi năm nay, cũng mật ong, cũng đá lạnh, mà sao thấy như chua chát đến chảy nước mắt!
Lê Duy