Người bạn đặc biệt của tuổi thơ tôi

05/07/2024 - 06:16

PNO - Với tôi, “bạn bồn nước khổng lồ” đã trở thành một phần quá khứ về nơi tôi lớn lên, về công việc trong ngành nước mà bố mẹ tôi cống hiến cả đời, nhờ đó nuôi chị em tôi ăn học thành người.

Từ lúc chào đời đến hơn 20 tuổi, tôi sống cùng gia đình trong một căn hộ nhỏ cấp 4, nằm ở tầng trên cùng của một cư xá tập thể mà đa số chủ hộ làm trong ngành cấp nước.

Điều ấn tượng nhất với tôi là khối tháp bê tông cao tầm 5, 6 tầng lầu nằm trong khuôn viên cư xá, nhìn từ xa như một chiếc nấm khổng lồ. Tôi nhớ bố mẹ nói với tôi cái tháp đó tên là thủy đài N. (hiện nay nằm trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TPHCM). Bố cũng kể cho tôi nghe, hồi xưa, người ta xây nó để chứa nước.

Nhưng cách gọi thủy đài kèm tên riêng khiến tôi khó hiểu và khó nhớ nên tôi đặt cho tháp một cái tên riêng theo sự tưởng tượng của mình là “bạn bồn nước khổng lồ”. Cứ thế, năm tháng tuổi thơ tôi trôi qua gắn liền với người bạn này một cách tự nhiên, xen cả chút gì đó rất ư hãnh diện vì chính sự đặc biệt của bạn ấy.

Thủy đài N. nằm trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TPHCM
Thủy đài N. nằm trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TPHCM

Nhà tôi ở tầng 3 - tầng cao nhất của khu cư xá. Ở đó, chỉ có một lối hành lang chung phía trước mỗi nhà đủ lớn để đám con nít chúng tôi bày trò đuổi bắt, trốn tìm nhưng cũng đủ nhỏ để mỗi khi chúng tôi hò hét hăng say quá, sẽ có người lớn nhà nào đó ra mắng cho cả lũ một trận vì tội gây ồn ào cho tập thể. Và rồi sau đó, từng đứa một sẽ bị bố hoặc mẹ lôi về nhà đóng cửa lại, không cho chơi nữa, trả lại sự bình yên cho cả tầng.

Thế nên, thường lúc cần có nơi chạy giỡn rộng rãi hơn và để không bị la mắng, chúng tôi sẽ kéo nhau xuống dưới chân “bạn bồn nước khổng lồ”, bày đủ trò vòng quanh thân bạn, không vẽ vời đủ kiểu lên thân bạn thì cũng bày đồ hàng, đất nặn, đuổi bắt nhau. Bạn bồn nước như một chiếc ô bảo vệ khổng lồ, chở che cho đám con nít chúng tôi cùng những trò chơi tuổi thơ, khóc cười cùng chúng tôi những ngày thơ bé.

Con nít như tôi lúc ấy chẳng quan tâm tên gọi hay công năng của thủy đài lắm. Tôi chỉ nhớ mỗi khi bạn bè hỏi “nhà bạn ở đâu” là tôi hểnh mũi, dõng dạc khoe: “Nhà mình hả, bạn cứ đi đường… xong tới hẻm… quẹo vào thấy cái bồn nước khổng lồ là nhà mình á”. Nghe tới đó, thế nào lũ bạn cũng réo lên: “Mình chưa thấy bao giờ cả. Bồn nước to thế thì xài nước tha hồ luôn nhỉ? Nhà bạn ngộ ghê hen”.Tôi nhớ mãi, những khoảnh khắc đó khiến tôi rất ư sảng khoái và thích thú.

Năm tháng trôi qua, bạn bồn nước chứng kiến bao hành trình của tôi: ngày tôi chập chững những bước đi đầu tiên, ngày tôi chính thức cắp sách đến trường, ngày tôi được đeo chiếc khăn quàng đỏ, ngày tôi được mặc chiếc áo dài trắng thướt tha trở thành cô nữ sinh cấp III hay những ngày tôi cặm cụi đi ra đi vào nhìn bạn lấy cảm hứng để ôn thi đại học, những vui buồn của thời sinh viên và cả những cảm xúc trong sáng đầu đời.

Người bạn ấy còn kết nối lũ trẻ chúng tôi ngày xưa, vì ở hiện tại, vài người trong chúng tôi lại tiếp tục có cơ hội trở thành đồng nghiệp cùng ngành cấp nước với nhau. Đến tận bây giờ, “bạn bồn nước khổng lồ” đã “già” hơn nhiều, bong tróc, rêu phong, cũ kỹ nhưng vẫn điềm đạm đứng đó, khắc ghi tất cả sự đổi thay của cả khu cư xá. Có người rời đi, có người mới dọn đến, có sự mất mát để lại nỗi buồn và cả sự kết duyên đem lại niềm vui mới…

Thủy đài hình nấm trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, TPHCM. Những chiếc thủy đài khổng lồ như thế này đã trở thành một phần ký ức của người dân Sài Gòn - TPHCM - ẢNH: BÙI VĂN NGHIỆP
Thủy đài hình nấm trên đường Ba Tháng Hai, quận 10, TPHCM. Những chiếc thủy đài khổng lồ như thế này đã trở thành một phần ký ức của người dân Sài Gòn - TPHCM - ẢNH: BÙI VĂN NGHIỆP

Với tôi, “bạn bồn nước khổng lồ” đã trở thành một phần quá khứ về nơi tôi lớn lên, về công việc trong ngành nước mà bố mẹ tôi cống hiến cả đời, nhờ đó nuôi chị em tôi ăn học thành người. Ký ức tuổi thơ với người bạn đặc biệt này cũng giúp tôi có được những cảm nhận đầu tiên về khái niệm hệ thống cấp nước và kiến thức về một lĩnh vực công ích xã hội thiết yếu, gắn liền đời sống xã hội con người.

Cho đến nay, chỉ duy nhất thủy đài gần 140 năm tuổi do người Pháp xây dựng nằm trong khuôn viên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (SAWACO) được công nhận là biểu tượng gắn liền với sự ra đời, phát triển của ngành cấp nước TPHCM và được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp thành phố.

7 thủy đài còn lại (hình nấm, kết cấu bê tông cốt thép) có tuổi nhỏ hơn, nằm rải rác khắp các quận trong thành phố - trong đó có “bạn bồn nước khổng lồ” - được người Mỹ xây dựng trong giai đoạn năm 1965-1969, có dung tích từ 1.200m3 đến 8.500m3 với mục đích cân bằng áp lực nước khu vực đầu nguồn nhà máy nước Thủ Đức với những nơi khác, cơ chế hoạt động cũng giống với các đài nước thời Pháp.

Ban đêm, khi áp lực nước mạnh, nước sẽ tự chảy vào các đài nước, trữ lại ở đó. Khi áp lực nước trên mạng lưới yếu, nguồn nước từ các đài nước sẽ bổ sung, tăng cường.

Các thủy đài ở TPHCM có nét kiến trúc độc đáo, là nơi lưu giữ lịch sử hơn trăm năm của ngành cấp nước Sài Gòn - TPHCM - ẢNH: BÙI VĂN NGHIỆP
Các thủy đài ở TPHCM có nét kiến trúc độc đáo, là nơi lưu giữ lịch sử hơn trăm năm của ngành cấp nước Sài Gòn - TPHCM - ẢNH: BÙI VĂN NGHIỆP

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành vào năm 1969, một số thủy đài bị rò rỉ, không thể đưa vào sử dụng. Chiến tranh ác liệt khiến việc gia cố chống thấm cho các thủy đài gặp nhiều khó khăn, mãi đến năm 1975 vẫn chưa hoàn thành.

Sau ngày 30/4/1975, chính quyền thành phố từng cân nhắc việc tiếp tục sửa chữa, khắc phục tình trạng rò rỉ ở các thủy đài, nhưng do trình độ kỹ thuật và nguồn lực hạn chế nên các thủy đài này bị bỏ không cho đến nay, chưa từng được sử dụng.

Theo định hướng quy hoạch chung, ngoài thủy đài cổ gần 140 năm tuổi được bảo tồn, các thủy đài còn lại sẽ bị tháo dỡ hoặc chuyển đổi công năng. Song tôi tin, không chỉ với tôi mà với rất nhiều người dân khác trong thành phố này, sự hiện diện của các bồn nước khổng lồ là một phần ký ức rất đẹp mà khi rời xa rồi trở về, chỉ cần nhìn thấy bóng dáng chóp tháp quen thuộc từ trên máy bay hay hình dáng quen thuộc mỗi khi chạy ngang những đoạn đường, đều sống lại những cảm xúc gần gũi, thân quen.

Lan Lê

Tác phẩm dự thi cuộc thi viết với chủ đề “Vẻ đẹp của nước” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước” hoặc gửi qua email: toasoan@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Vẻ đẹp của nước”.

Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Nhất trị giá 10 triệu đồng.
- 1 giải Nhì trị giá 6 triệu đồng.
- 2 giải Ba, mỗi giải trị giá 4 triệu đồng.
- 8 giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 2 triệu đồng.
Lưu ý: Người nhận giải sẽ chịu các loại thuế, phí liên quan theo quy định hiện hành.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI