Người bác sĩ tái tạo những bàn tay

24/02/2017 - 07:00

PNO - Cánh cửa phòng mổ khép lại, anh ăn vội những viên kẹo của mẹ gửi đến để qua cơn đói. 5 – 10 tiếng sau, cửa phòng mổ mở toang, anh thông báo: “ca mổ đã thành công”.

Uống cả dịch truyền để tiếp tục mổ

12h trưa, khi ca phẫu thuật bàn tay cho một bệnh nhi vừa kết thúc, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO TP.HCM bước ra phòng mổ với dáng vẻ đuối sức. Anh lại tìm hộp kẹo được mẹ để sẵn trong cốp xe tay ga cũ kỹ. Bao nhiêu năm qua, hộp kẹo của mẹ đã cứu anh thoát khỏi cơn đói lả sau những ca mổ kéo dài hàng tiếng đồng hồ.

Cách đây nửa tháng, anh nhận được một tin nhắn bất ngờ từ Facebook của một phụ nữ ngoài 30 tuổi. Sau một lúc trò chuyện, anh nhận ra đó là bệnh nhân cũ của mình. Trong một tour trực vi phẫu cấp cứu cách hơn đây 10 năm ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM), một cô gái được chuyển đến bệnh viện với tình trạng cánh tay phải dập nát và bị máy dập nhôm chém đứt thành 5 khúc.

Nguoi bác sĩ tai tao nhũng ban tay
Tấm ảnh hiếm hoi của BS Xuân Anh trong ca mổ kéo dài 12 tiếng cách đây 10 năm

Đôi mắt trong veo nhìn bác sĩ với vẻ van nài. Cô bộc bạch, trước tai nạn, cô và bạn trai hẹn nhau Tết này sẽ về ra mắt hai gia đình và làm đám hỏi: “Nếu cắt bỏ tay, đời em chắc chẳng còn gì”.

Nhìn cánh tay gần như nát bét của cô gái, biết là rất khó, nhưng bác sĩ Xuân Anh vẫn gật đầu, bảo phòng mổ chuẩn bị. Cô gái được gây tê cánh tay nên vẫn tỉnh táo để có thể chứng kiến mọi thao tác của bác sĩ.

Kỹ thuật ráp xương và nối từng vi mạch nhỏ xíu phải quan sát bằng kính hiển vi của 5 đoạn bị đứt lìa trên cánh tay cô gái tiêu tốn gần 12 giờ đồng hồ. Bác sĩ Xuân Anh chỉ biết đến sự kéo dài của thời gian khi tay chân bắt đầu run, mắt hoa và huyết áp tụt. “Sợ rằng sẽ ngất xỉu, tôi bảo điều dưỡng trải hộ gái ga giường xuống nền phòng mổ và nằm vật xuống. Điều dưỡng vội lấy chai dịch truyền cho bệnh nhân đưa cho tôi uống cứu đói”.

Nguoi bác sĩ tai tao nhũng ban tay
Anh được biết đến là người chuyên tái tạo những bàn tay dị tật

Có đường trong người, tỉnh dần, bác sĩ lại thay áo phẫu thuật, đeo găng tay và tiếp tục ca mổ, bởi không có người thay thế. Những thao tác cuối cùng hoàn thiện, cánh tay cô gái được máu tưới trở lại hồng hào, bác sĩ bước ra khỏi phòng mổ và choáng váng vì mặt trời đã lên cao. Anh nhớ lúc bước vào phòng mổ, mặt trời vẫn chưa lặn. Chính bác sĩ cũng bất ngờ vì vừa thực hiện một ca mổ xuyên đêm.

10 năm qua đi, cô gái ấy giờ đã kết hôn với người bạn trai xưa kia và có thêm 2 thiên thần nhỏ. Gặp lại bác sĩ, cô mừng tủi: “Nếu hồi đó, anh đưa ra quyết định cắt cụt tay em thì có lẽ, em không có được ngày hôm nay. 10 năm qua, vợ chồng em luôn tìm cách liên lạc lại với bác sĩ để mong nói một lời cám ơn”. Cô là một trong số ít bệnh nhân không gây mê nên chứng kiến được nỗi vất vả và cơn đói lả trong phòng mổ của bác sĩ.

Chạy đua với tuổi thọ của nghề

Bác sĩ vi phẫu tạo hình thực hiện mọi thao tác nối vi mạch máu một cách chính xác trên kính hiển vi. Kim và chỉ phẫu thuật cũng nhỏ đến nỗi, lỡ rớt xuống đất, bằng mắt thường không thể tìm thấy được. Một công việc đòi hỏi độ tỉ mỉ, cẩn thận và cả sức khỏe của bác sĩ.

Nguoi bác sĩ tai tao nhũng ban tay
BS Xuân Anh trong một ca phẫu thuật


Đó là lý do mà anh trăn trở: “Tôi nghĩ mình chỉ còn 5 năm để giải quyết mọi ca bệnh. Bước qua tuổi 50, mắt sẽ mờ, tay sẽ run. Mọi thao tác có lẽ không còn chính xác nữa”.

Suy nghĩ như vậy, anh sắp đặt công việc của mình bằng chuỗi ca mổ liên tiếp. Facebook cá nhân của anh có 5.000 bạn và 14.000 người theo dõi mà đa phần là bệnh nhân. Bệnh nhân gửi tin nhắn, anh tranh thủ trả lời hết. Tin nhắn nội dung bao gồm hình ảnh bàn tay, bàn chân của người thân kèm theo câu hỏi “bác sĩ ơi, mổ được không?” “bác sĩ ơi, mổ như thế nào”.

Nguoi bác sĩ tai tao nhũng ban tay
BS Xuân Anh cùng một bệnh nhi được anh phẫu thuật 

Với thời gian giới hạn của nghề, anh không dám từ chối  từ chối một ca bệnh nào. Kể cả với những  bệnh nhân không có tiền phẫu thuật, bác sĩ Xuân Anh cùng bạn bè đứng ra trả giúp viện phí, miễn sao bệnh nhân được mổ.

Đa phần, những bệnh nhân khó khăn tìm đến bác sĩ nh để được phẫu thuật miễn phí. Nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ, bác sĩ Xuân Anh chủ động liên lạc với bệnh nhân để bác sĩ phẫu thuật miễn phí.

Tuy nhiên, sau một thời gian, người mẹ không đưa Minh Anh trở lại bệnh viện để mổ như đúng hẹn. Lúc này, anh lờ mờ đoán được nguyên nhân. Anh chủ động đăng tin tìm bé trên Facebook. Chỉ sau 2 giờ, anh kết nối được với gia đình. Đúng như những gì anh đoán, mẹ bé  ngại ngùng nói chưa đủ tiền.

Nguoi bác sĩ tai tao nhũng ban tay
Bức vẽ do con gái anh vẽ tặng

Đó là bé Minh Anh (7 tuổi) bị hội chứng Aperts, hai bàn tay của bé dính chùm cả 5 ngón, không chỉ dính phần mềm mà cả xương. Gần 1 năm trước, mẹ đưa bé đến bệnh viện gặp bác sĩ Xuân Anh tìm cách chữa bệnh cho con. Bác sĩ bảo có thể phẫu thuật được và cần phẫu thuật sớm để bé lấy lại chức năng bàn tay. Chi phí ca mổ trong khoảng 40 triệu đồng.

Bác sĩ Xuân Anh đã phẫu thuật miễn phí cho bé. Từ một bàn tay dính chùm, giờ đây, bàn tay bé đã có ngón cái và ngón út. Bé có thể cầm bút viết và đi học như bao em bé cùng trang lứa. Bé đã viết thư cảm ơn bác sĩ bằng chính đôi tay ấy.

 Thiếu đôi bàn tay, thiếu đôi chân không ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân nhưng có thể thay đổi cả cuộc đời của họ. Như một anh công nhân được đưa đến bệnh viện với một chân gần như đứt lìa ngay khớp gối. Người đàn ông này bật khóc: “Em là người duy nhất trong nhà kiếm được tiền, nếu chân không còn nữa, em chỉ có nước đi bán vé số”. Những câu nói như thế trở thành động lực trong mỗi ca mổ của anh.

Nguoi bác sĩ tai tao nhũng ban tay
Anh hy vọng, thời gian trôi chậm để anh tái tạo được nhiều bàn tay hơn

Bác sĩ Xuân Anh bắt đầu thao tác bắt nẹp phần xương. Phần thịt xung quanh chân của bệnh nhân đã quá nát, mạch máu bị dập nhiều. Bác sĩ phải chạy đua với thời gian để tìm mạch máu ở chỗ khác có thể thay thế và ghép nối cho bệnh nhân. Nếu không nối nhanh, tận dụng “thời gian vàng” của bệnh nhân, các mạch máu có thể bị hoại tử. Suốt 9 giờ phẫu thuật, bác sĩ không có quyền nghỉ ngơi dù mệt đến chừng nào.

Có lẽ anh sẽ không nhớ nổi mình đã thực hiện bao nhiêu ca mổ tương tự như thế trong gần 20 năm qua. Thế nhưng, khi kinh nghiệm của bác sĩ được lấp đầy bằng những ca mổ cũng là lúc “tuổi thọ của nghề” sẽ ngày càng mỏng dần đi. Và điều mà bác sĩ Xuân Anh nghĩ rằng mình sẽ tiếc nuối, đó là trong khoảng thời gian còn có thể mổ, anh chưa mổ hết được cho những bàn tay, bàn chân không lành lặn.

Bảo Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI