Ngược dòng thời gian ở Gyeongju - cố đô của những lăng mộ hoàng gia kỳ vĩ

26/04/2025 - 15:19

PNO - Di sản ngàn năm của vương triều Silla vẫn còn sống động ở Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang của Hàn Quốc.

Du khách đi bộ quanh Bonghwangdae của quần thể lăng mộ hoàng gia Daereungwon, ngôi mộ lớn nhất ở Gyeongju, tỉnh Gyeongsang Bắc, thứ sáu. Ảnh của Korea Times
Du khách đi bộ quanh Bonghwangdae của quần thể lăng mộ hoàng gia Daereungwon, ngôi mộ lớn nhất ở Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang - Ảnh: Korea Times

Thành phố ven biển phía đông nam Hàn Quốc từng được ví như Kyoto của Hàn Quốc vì chiều sâu văn hóa và lịch sử. Nơi đây từng là kinh đô cổ của vương triều Silla (năm 57 trước CN - 935) trong gần 1 thiên niên kỷ.

Gyeongju, được mệnh danh là “bảo tàng không mái”, mang đến bức tranh sống động về vẻ đẹp thiên nhiên, chiều sâu lịch sử và sự phồn thịnh văn hóa của thời kỳ Tam Quốc (57 trước CN - 668), đồng thời thể hiện đỉnh cao nghệ thuật và công nghệ thời Silla.

Đến Gyeongju, du khách sẽ nhận ra dấu ấn lịch sử nổi bật nhất của thành phố: những ngôi mộ hoàng gia cổ đại (tumuli) phủ cỏ xanh mướt, nổi lên giữa lòng đô thị như những ngọn đồi nhỏ nhuốm màu quá khứ vương giả.

Dạo bước quanh các lăng mộ, du khách dễ dàng cảm nhận được không khí huyền bí, tĩnh lặng đầy mê hoặc, nơi hiện tại và quá khứ hòa quyện trong một nhịp sống riêng biệt của Gyeongju.

Một góc nhìn từ trên không của những ngôi mộ hoàng gia khổng lồ của Triều đại Silla trong quần thể lăng mộ hoàng gia Daereungwon ở Gyeongju. Ảnh:
Những ngôi mộ hoàng gia khổng lồ của triều đại Silla trong quần thể lăng mộ hoàng gia Daereungwon ở Gyeongju, nhìn từ trên cao - Ảnh: Korea Tourism Organization

Quần thể Daereungwon, nơi yên nghỉ của các bậc đế vương

Nằm ngay trung tâm khu phố cổ, quần thể lăng mộ Daereungwon là nơi an nghỉ của 23 vị vua, hoàng hậu và quý tộc triều đại Silla. Đây là triều đại từng được trị vì bởi 3 dòng tộc lớn: Park, Seok và Kim.

Theo các nhà sử học, những ngôi mộ này được xây dựng từ thế kỷ IV đến VI nhằm củng cố quyền lực hoàng gia và phô trương sức mạnh với 2 nước láng giềng là Goguryeo và Baekje.

Các tumuli được phân thành 3 loại chính: reung (neung): mộ hoàng gia; chong: mộ hoàng gia không rõ danh tính và myo: mộ thường dân hoặc quý tộc cấp thấp.

Sương mù buổi sáng bao phủ một khu rừng thông gần lăng mộ hoàng gia Samneung ở Gyeongju, tỉnh Gyeongsang Bắc, ngày 1 tháng 11 năm 2024. Ảnh của Korea Times
Sương mù buổi sáng bao phủ khu rừng thông gần lăng mộ hoàng gia Samneung ở Gyeongju - Ảnh: Korea Times

Với các lăng mộ không rõ người được chôn, nhưng kích thước cho thấy địa vị hoàng gia, người Hàn gọi là chong. Mộ Cheonmachong (Thiên Mã) là một ví dụ, được đặt tên theo bức tranh vẽ ngựa có cánh tìm thấy bên trong. Geumgwanchong (Kim Quan) nổi tiếng với chiếc vương miện vàng được khai quật vào năm 1921.

Các tumuli hoàng gia thường được bao quanh bởi rừng thông, được người xưa trồng để “kết bạn” với người đã khuất và làm bệ đỡ để linh hồn lên thiên đường.

Du khách đi dạo quanh những gò đất phủ đầy cỏ trong quần thể lăng mộ hoàng gia Daereungwon ở Gyeongju, tỉnh Gyeongsang Bắc, thứ sáu. Ảnh của Korea Times
Quần thể lăng mộ hoàng gia Daereungwon ở Gyeongju - Ảnh: Korea Times

Ngôi mộ tiết lộ bí mật ngàn năm

Bên trong các tumuli phần lớn vẫn được giữ nguyên hiện trạng như những "kho thời gian", một số ít được khai quật và trưng bày. Trong số đó, nổi bật nhất là Cheonmachong, được khai quật năm 1973 trong chiến dịch phát triển du lịch Gyeongju.

Hài cốt trong tumuli khổng lồ này được tìm thấy nằm quay đầu về hướng đông, đội vương miện vàng. Đến nay vẫn chưa rõ tên nhân vật này. Hơn 11.000 hiện vật đã được phát hiện, gồm vương miện, mũ, dây lưng, vòng cổ… Đặc biệt, có tới 504 hiện vật liên quan đến ngựa. Một bức vẽ ngựa trắng có cánh trên vỏ cây bulô, từng được đính vào yên ngựa để chắn bùn, thể hiện tình yêu và sự tinh tế trong văn hóa cưỡi ngựa của Silla.

Cheomseongdae, được coi là đài quan sát thiên văn lâu đời nhất còn tồn tại ở Châu Á, được xây dựng vào năm 633 sau Công nguyên trong thời đại Silla và nằm giữa các lăng mộ hoàng gia ở Gyeongju,
Cheomseongdae được xây dựng vào năm 633 (sau CN) trong thời đại Silla và nằm giữa các lăng mộ hoàng gia ở Gyeongju

Từ lăng mộ đến thiên văn: Di sản của nữ hoàng Seondeok

Chỉ cách quần thể lăng mộ Daereungwon 1 đoạn ngắn là đài thiên văn Cheomseongdae, công trình được coi là đài thiên văn cổ nhất còn tồn tại ở châu Á.

Tòa tháp cao 9m này được xây dựng vào thế kỷ thứ VII, dưới thời nữ hoàng Seondeok, vị nữ vương đầu tiên trong lịch sử Triều Tiên. Là con gái trưởng của vua Jinpyeong, bà lên ngôi khi cha không có con trai kế vị, trong bối cảnh xã hội chỉ cho phép tầng lớp seonggol (cấp bậc cao nhất bao gồm những người là thành viên của gia đình hoàng gia ở cả hai bên) kế vị ngai vàng.

Dù phải đối mặt với nhiều định kiến giới, sự can thiệp từ nhà Đường (Trung Quốc) và cả sự chống đối trong nước, nữ hoàng vẫn kiên định. Khi hoàng đế nhà Đường gửi tặng bức vẽ hoa không bướm, ám chỉ việc bà chưa lập gia đình, bà đã đáp trả bằng việc xây dựng Cheomseongdae, một tuyên bố chính trị mạnh mẽ về chủ quyền và năng lực của vương triều Silla trong việc “đọc ý trời”.

Một du khách ngủ trưa trên một gò đất cỏ trong quần thể lăng mộ hoàng gia Daereungwon ở Gyeongju, tỉnh Gyeongsang Bắc, thứ sáu. Ảnh của Korea Times
Du khách nằm nghỉ trên gò đất ở Gyeongju - Ảnh: Korea Times

Trong xã hội nông nghiệp, thiên văn học gắn chặt với mùa vụ. Việc xây đài thiên văn không chỉ thể hiện tri thức mà còn là lời khẳng định vị thế độc lập của Silla trong bối cảnh lúc bấy giờ.

Những chính sách ngoại giao khôn ngoan của nữ hoàng Seondeok sau này đã đặt nền móng cho sự thống nhất Tam Quốc, dẫn đến sự ra đời của Triều đại Silla Thống Nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử, bán đảo Triều Tiên được quy tụ dưới một chính quyền duy nhất.

Tác giả du ký lịch sử Hwang Yoon, người đã hơn 100 lần đến Gyeongju, cho rằng chính tinh thần kiên cường và khát vọng vươn lên đã giúp Silla vượt qua hai thế lực mạnh hơn là Goguryeo và Baekje.Theo đuổi điều tốt đẹp nhất bằng chính sức mình, đó là phương châm sống của người Silla.

Tuấn Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI