Người lớn quá thiếu thấu cảm để hiểu một chuyện bất thường

23/06/2017 - 17:30

PNO - Thấu cảm xuất hiện khi người ta không tự mang những cái khung đúng - sai hữu hạn vào sự đời vô hạn. Nó xuất hiện khi người ta nghe - nhìn một việc bằng tinh thần không - biết.

Sáng hôm qua, ngày 22/6, hàng ngàn người trẻ khắp mọi miền đất nước đã đối diện với câu hỏi về sự thấu cảm. Với một đoạn phân tích của TS Đặng Hoàng Giang, phần nghị luận xã hội của đề thi tốt nghiệp THPT môn văn yêu cầu thí sinh: “Viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm”. Nhưng, có vẻ như, câu hỏi ấy không dành riêng cho những người trẻ đang trải qua một cuộc thi quan trọng đầu đời.

Nguòi lón qua thieu thau cam de hieu mot chuyen bat thuong
Học sinh tham gia kỳ thi THPT vào sáng 22/6.

Sự thiếu thấu cảm đang diễn ra khắp nơi, nó chi phối toàn bộ những phán xét, buộc tội, đả kích của con người. Nó là nguồn cơn của mọi “gạch đá” trên mạng xã hội, là căn nguyên của những lầm lẫn, ghét bỏ. Đứng ở những tầng bậc khác nhau của sự thấu cảm, người ta tranh cãi, bài bác nhau liên miên...

Mới đây, dư luận bàng hoàng khi cơ quan điều tra công bố nghi can sát hại đứa trẻ 33 ngày tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội chính là mẹ em. Người mẹ chưa đầy 20 tuổi, bị nghi giết con vì trầm cảm sau sinh. Lập tức, “diễn đàn phân tích tội ác của người mẹ” nổ ra khắp nơi, từ hàng quán, công sở, chợ búa. Mà nơi rầm rộ và “đa chiều” nhất vẫn là mạng xã hội.

Một vài người riêng lẻ đưa ra phản biện bằng kiến thức về trầm cảm. Họ đứng về phía người mẹ, nỗ lực phổ cập kiến thức về chứng trầm cảm, đưa ra những dẫn chứng để minh họa cho tính nguy hiểm của căn bệnh.

Họ cố gắng lý giải hành vi phạm tội của người mẹ như một “biến chứng” tai hại của căn bệnh chứ không phải một biểu hiện của dã tâm và kêu gọi mọi người ngưng chỉ trích. Nhưng, những ý kiến ấy chỉ là thiểu số. Phần đa số hùng hậu thuộc về những người buộc tội, chì chiết và hô hào “cùng loại bỏ người mẹ ra khỏi xã hội”. Tại Hà Nội, có hàng trăm người còn kéo đến nhà đòi trừng phạt, hành hung người mẹ.

Nguòi lón qua thieu thau cam de hieu mot chuyen bat thuong
Thí sinh đánh giá đề thi năm nay không quá khó.

Phần sau của câu chuyện bắt đầu trở nên quen thuộc vô cùng. Nó giống như mọi cuộc tranh luận khác trên mạng xã hội. Một bên thương cảm; một bên “ghê tởm”, “kinh sợ” và “phẫn nộ” với đối tượng. Họ xoay quanh một nghi vấn “người mẹ độc ác hay không độc ác?”.

Mỗi bên có một thứ công lý riêng để theo đuổi. Dĩ nhiên, công lý sẽ được thực thi bởi các cơ quan bảo vệ luật pháp. Nhưng, mỗi “kết quả điều tra” chỉ có thể hóa giải được một câu chuyện. Còn cuộc tranh cãi kia vẫn liên miên tiếp diễn, nó chỉ thay đổi nhân vật, thay đổi tình tiết từ một người mẹ bị nghi giết con sang một “người đàn bà đánh ghen”, một “cô người mẫu vạ miệng”, một “người phụ nữ giật chồng”, hay một “người đàn ông bị nghi đem con ra lừa tiền từ thiện”... 

Cùng mô típ, cuộc tranh cãi cũng có thể xảy ra giữa một cặp vợ chồng trước “sai trái” nào đó của một bên. Nó cũng xảy ra giữa cha mẹ - con cái trước một lựa chọn nào đó của đứa con/cha mẹ. Nó xảy ra trong công sở, giữa những quyết định khác nhau giữa hai người cộng sự. Với trình tự đó, cuộc tranh cãi có thể diễn ra khắp nơi. Nhưng trên mạng xã hội, cuộc tranh cãi sẽ tan đi khi có một… sự kiện nóng sốt khác, chẳng ai còn bận tâm hay bị thương tổn vì nó (ngoài nhân vật chính). Còn trong những không gian thực kia, người ta bị những cuộc tranh cãi đả thương ít nhiều.

Một ai đó có thể yên tâm phớt lờ những cuộc tranh cãi vì cho rằng nó là biểu hiện của sự bất đồng quan điểm, do sự thiếu kiến thức của một bên tham gia tranh luận. Và quả thực, trong câu chuyện của người mẹ bị nghi giết con kia, nỗ lực phổ cập kiến thức về trầm cảm của những người thuộc “nhóm đồng cảm” cũng có phần hiệu quả. Sau khi có kiến thức, một bộ phận những người vốn công kích đã bớt gay gắt, quay sang bày tỏ sự thông cảm với người mẹ. Hiểu biết làm người ta có cơ hội hiểu chuyện hơn một bậc. Ít nhất, nó khiến người ta không phán xét một cách… thiếu hiểu biết. 

Nguòi lón qua thieu thau cam de hieu mot chuyen bat thuong
Thí sinh ôn bài trước khi vào phòng thi môn Văn ở điểm thi TP.HCM.

Thế nhưng, kiến thức chưa hẳn là chìa khóa. Sau những nỗ lực phổ cập kiến thức trầm cảm với sự vào cuộc của các tờ báo chính thống cùng nhiều trang web uy tín về tâm lý học, xã hội học; đại đa số người ta vẫn… tiếp tục đả kích người mẹ. Kiến thức không làm họ bớt phẫn nộ. Giống như khi một đứa con thông báo rằng mình thuộc nhóm người có giới tính thiểu số, một người mẹ chân lấm tay bùn, không có hiểu biết gì về giới tính thứ ba có khi lại thấu hiểu, đồng cảm hơn một người mẹ hiện đại, am tường.

Lúc này, kiến thức chỉ giúp người ta “biết”, không khiến người ta “hiểu”. Và trong những cuộc tranh cãi nói chung của con người, kiến thức chỉ có giá trị tức thời trong chừng - chương - riêng - lẻ. Gặp một câu chuyện mới, một cuộc tranh cãi mới, kiến thức cũ không còn giá trị. Vậy mà, sách báo, internet, và sự kết nối khôn cùng của mạng xã hội đã có thể khiến người ta “biết”, nhưng không khiến người ta “hiểu”. 

Thậm chí, kiến thức đôi khi lại trở thành một cái cớ, để ta nhân danh nó mà.... tự cho mình cái “quyền không hiểu”. Một người đã từng làm mẹ có thể thẳng thừng phán xét một người mẹ bị trầm cảm sau sinh “không biết cách cân bằng”. Một người từng bị trầm cảm có thể “hiên ngang” tuyên bố rằng “tôi từng bị trầm cảm, nhưng trầm cảm không có nghĩa là phải giết chết con mình”. Và sự sát thương từ những người “có kiến thức”, “có kinh nghiệm” còn to lớn gấp nhiều lần. 

Bản chất của “thấu cảm” là hiểu những người khác mình, hiểu những chuyện khác chuyện  mình. Thấu cảm không bị “điều kiện hóa” bởi kiến thức, tuổi tác, trải nghiệm. Thấu cảm xuất hiện khi người ta không tự mang những cái khung đúng - sai hữu hạn vào sự đời vô hạn. Nó xuất hiện khi người ta nghe - nhìn một việc bằng tinh thần không - biết.

Để từ sự “không biết” đó, dần học lấy từng chút một những việc mình “chưa gặp bao giờ”. Một lần trầm cảm không thể khiến người ta hiểu hết về thế giới những người trầm cảm. Một vài lần phạm lỗi không thể khiến người ta hiểu hết về muôn ngàn sự sa ngã của loài người. Chỉ có sự thấu cảm là vô hạn.

Vậy mà, chúng ta đã quá thiếu thấu cảm để hiểu một chuyện bất thường. Phần nghị luận xã hội trong đề thi tốt nghiệp môn văn có thể khiến người ta giật mình, là vậy. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI