Ngừng thu phí BOT nếu doanh nghiệp chậm triển khai thu phí tự động không dừng

15/08/2019 - 13:29

PNO - Nếu tới hết năm nay, các trạm BOT chưa triển khai thu phí tự động không dừng, Bộ Giao thông Vận tải sẽ yêu cầu đơn vị đầu tư dừng hoàn toàn việc thu phí.

Thiệt hại kinh tế: doanh nghiệp tự chịu

Tại phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức sáng nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, bộ đang đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT. Theo tiến độ, tới ngày 31/12/2019, 100% đơn vị phải hoàn thành thu phí tự động không dừng.

Bộ trưởng Thể khẳng định, đây là trách nhiệm của các nhà đầu tư BOT. Nếu các nhà đầu tư phối hợp tốt, sẽ triển khai nhanh.

Tuy nhiên, ông cũng nêu thực tế, hiện có một đơn vị mà bộ đang hết sức quan ngại là Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam. Đây là đơn vị 100% vốn nhà nước và có 226 làn thu phí nhưng tiến độ rất chậm. Hiện, bộ  đã gửi báo cáo tới Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về vấn đề này.

Ngung thu phi BOT neu doanh nghiep cham trien khai thu phi tu dong khong dung
Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ cho ngừng thu phí nếu doanh nghiệp chậm triển khai thu phí tự động không dừng

Nếu tiến độ thực hiện chậm, trách nhiệm thuộc các đơn vị đầu tư và nếu chậm triển khai thu phí tự động không dừng khi hết thời hạn như đã nêu, các đơn vị này phải tự chịu thiệt hại kinh tế.

Liên quan vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Giàu (tỉnh An Giang) lưu ý, bộ cần lường hết được diễn biến; nếu đã yêu cầu các đơn vị dừng thu phí mà sau đó (khi đã triển khai thu phí tự động không dừng) lại tiếp tục cho thu là rất khó để người dân chấp nhận.

Chỉ có 8 sân bay làm ăn có lãi

Trả lời chất vấn về xã hội hóa đầu tư vào cảng hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Việt Nam có tổng cộng 22 sân bay. Trong đó, có sân bay Vân Đồn tự quản lý do xã hội hóa, thu hút đầu tư ngay từ khi xây dựng; 21 sân bay còn lại hiện do Tổng công ty ACV quản lý (ACV là doanh nghiệp có 99% vốn của nhà nước).

Trong 21 cảng hàng không này, chỉ có 8 cảng mang lại lợi nhuận; các cảng còn lại thu không đủ chi nên phải lấy nguồn lời từ 8 cảng trên để “gánh” chi phí hoạt động.

Ngung thu phi BOT neu doanh nghiep cham trien khai thu phi tu dong khong dung
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tham mưu cho Chính phủ về việc xã hội hóa phù hợp đối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành

“Trong xã hội hóa, các nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào các cảng mang lợi nhuận cao. Nếu cho làm, sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của ACV, ACV sẽ không quản lý được các cảng còn lại” - Bộ trưởng Thể nói.

Theo ông Thể, trong thời gian qua, cũng đã có một số bài học về xã hội hóa, đó là cho một số cảng xây dựng nhà ga theo hình thức xã hội hóa nhưng lại ảnh hưởng tới ACV.

“Quan điểm của bộ là tiếp tục xã hội hóa nhưng theo hình thức khác, ví dụ như xây dựng sân bay Vân Đồn và sân bay tại Lào Cai. Hiện sân bay Vân Đồn đã xong. Nếu các nhà đầu tư quan tâm thì đầu tư ngay từ đầu, trong đó xác định, có những hạng mục sinh lời, có những hạng mục không lời” - Bộ trưởng Thể phân tích.

Ngay sau phần trình bày của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bộ nghiên cứu để đẩy mạnh xã hội hóa tại các cảng hàng không, xã hội hóa không chỉ ở các sân bay đang trong quá trình quy hoạch xây dựng mà ở ngay những cảng thu không đủ chi.

Chủ  tịch Quốc hội cũng lưu ý, đối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bộ cũng cần tham mưu với Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ, thu hút đầu tư, xã hội hóa. Trong đó, có thể chia ra từng gói, có gói do ngân sách đầu tư, có gói do doanh nghiệp đầu tư.

Minh Quang

 
TIN MỚI