Ngừng được không, những lời hỏi thăm giết người?

16/10/2018 - 20:28

PNO - Hãy nhìn vào biểu cảm của người đối diện, nếu họ tỏ vẻ không muốn nghe hay bối rối, hãy ngừng ngay những lời vô duyên, kẻo bạn vô tình thành thủ phạm bức tử người khác.

Dòng tin nhỏ trôi qua giữa những dòng tin hắc ám mỗi ngày này có làm bạn giật mình: "Cấp cứu kịp thời cô gái treo cổ tự tử vì bị hỏi bao giờ lấy chồng". Nếu từng rơi vào hoàn cảnh muộn chồng, muộn con, hay có điều gì không theo quy chuẩn của số đông, hẳn bạn sẽ thấm thía vì sao cô gái ấy chọn cái chết.

Tin từ Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức (Hà Nội) ngày 16/10 cho hay, cô gái tên N.T.N mới 28 tuổi đã bị xem là muộn chồng nên thường xuyên phải đối diện với những câu hỏi tọc mạch từ hàng xóm như "khi nào lấy chồng?", "khi nào cho ăn kẹo?", "bao giờ lên xe hoa?"...

Ngung duoc khong, nhung loi hoi tham giet nguoi?
 

Những lời nói trên của cả người thân lẫn người sơ gây áp lực tâm lý cho N, cô chán nản tới mức quyết định rời bỏ cuộc đời này. Thật đau xót khi cô chọn cách treo cổ ngay trong nhà.

Hồi cuối tháng 7 năm nay cũng có một vụ án liên quan tới việc trêu chọc muộn duyên. Nguyễn Doãn Lan (SN 1985, trú xã Hưng Yên Bắc, Hưng Nguyên, Nghệ An) 35 tuổi vẫn độc thân, trong một lần bị bạn thân chê không biết tán gái nên… ế, Lan đã nổi giận đến mức cãi cọ, xô xát với bạn. Kết quả, trong cơn mất kiểm soát, Lan đã dùng dao đâm chết người bạn thân của mình.

Nếu tìm kiếm trên Google, có thể lục lại rất nhiều những vụ án, trận xô xát do bức xúc từ lời ăn tiếng nói mà ra, thậm chí nhiều vụ nghe như chuyện đùa, chuyện phim, vì nguyên nhân quá vô lý.

Nhưng thật sự không hề vô lý, nếu bạn từng là nạn nhân của những lời nói “xóc óc”. Bạn đang muốn tránh cả thế giới với vì một vấn đề đang rắc rối, đang nặng nề, vậy mà cứ gặp kẻ “thêm củi thêm lửa”, hỏi làm sao không “điên cái đầu”.

Ban đầu, rắc rối ấy có khi chẳng phải là rắc rối, nhưng nay nghe một câu phán, mai một câu phán, anh này hỏi một câu, chị kia bình một câu, bạn trở nên hoang mang. Không chỉ chuyện tình yêu, hôn nhân, mà cả chuyện học hành của con trẻ, chuyện sự nghiệp của đàn ông, hay bất cứ chuyện gì trong cuộc sống cũng có thể “chạm nọc” người trong cuộc.

Những câu hỏi như “con được học sinh giỏi không”, “con nói tiếng Anh như bạn A. chưa” hay “anh mua xe hơi chưa”, “nhà cửa to đẹp rồi chứ”, “chị sao chưa có con”, “bạn kế hoạch gì lâu thế”… dễ khiến người được hỏi nghĩ rằng mình kém cỏi, thua thiệt, thậm chí vô giá trị.

Ngung duoc khong, nhung loi hoi tham giet nguoi?
 

Có thể người hỏi quan tâm, có thể hỏi xã giao, vu vơ. Vậy nhưng nếu hỏi trúng điều không tốt đẹp như mong muốn, thì người nhận "hốt trọn", tâm lý bị đè nặng. Giống như người bị ném đá, mỗi viên đá nhỏ vào đầu thì đau thôi, nhưng một đống đá tới tấp thì sẽ choáng váng, tới lúc không chịu nổi nữa thì nảy sinh suy nghĩ: chết đi còn nhẹ nhàng hơn.

Vậy nhưng, hình như chính bạn cũng từng "bức tử" người khác theo cách tương tự?

Một đồng nghiệp đã cứng tuổi thường bị bạn gọi là "gái ế", bạn hay nhìn cô ấy bằng ánh mắt thương hại, thậm chí giễu nhại cô ấy vì "chồng con không có, chó mèo cũng không". Bạn cười khi cô ấy đón giao thừa một mình, đi xem phim một mình, ra về lủi thủi, không có cuộc hẹn nào để điểm trang, áo quần.

Với một phụ nữ đơn thân, bạn có thường ném cái nhìn thương hại kèm cảnh giác việc giữ chồng với chị ấy không? Bạn có thường hỏi "khi nào thì có người "hốt" hay không?".

Các nhà khoa học đã phân tích một trong các nguyên nhân gây mất sữa ở người mẹ đang cho con bú chính là câu nói "sao ít sữa thế, làm sao đủ nuôi bé". Ức chế tâm lý, dẫn tới tuyến yên không thể tiết hormone sản xuất sữa. Càng stress thì càng giảm sữa cho bé bú, thậm chí tắt luôn nguồn sữa.

Tương tư, phụ nữ sau sinh thường trầm cảm bởi cảm giác "không biết nuôi con". Và cảm giác này thường tới từ mẹ chồng, chồng, người thân, hàng xóm với những câu hỏi rất mệt mỏi như "sao bé không tăng ký", "sao để con gầy quá vậy".

Cũng có khi chúng ta thành tâm khuyên nhủ người trước mặt, mà không hề biết họ có muốn nghe hay không, chẳng biết tâm tình người ấy đang nặng nhẹ thế nào. Vậy thì, chẳng còn cách nào khác, hãy tôn trọng mọi người, ngừng tọc mạch đời tư. Đặc biệt, hãy nhìn vào biểu cảm của người đối diện, nếu họ tỏ vẻ không muốn nghe hay bối rối, hãy ngừng ngay những lời vô duyên, kẻo bạn vô tình thành thủ phạm bức tử người khác.

Kim Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI