|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok |
Đơn thân, độc thân... là lỗi của ai?
Câu chuyện thứ nhất.
Trong cuộc họp ở một chung cư, sau khi nghe một cư dân phàn nàn về lũ trẻ nhà hàng xóm hay đá bóng, chơi đùa ở hành lang gây ồn ào, bác tổ trưởng góp ý với mẹ chúng. Người mẹ phân trần vì cô là mẹ đơn thân, lại hay đi công tác nên các con phải tự chăm sóc, chơi với nhau, nhà lại chật nên chúng hay ra hành lang. Cô cũng muốn cho các con thoải mái thư giãn sau khi đến trường căng thẳng.
Một người hàng xóm khác thẳng thắn: “Chung cư có sân chơi, có nội quy rất rõ, các cháu đá bóng ở hành lang không chỉ gây ồn ào mà còn rất nguy hiểm nếu đá phải các vòi phun tự động chống cháy. Việc này từng xảy ra. Cô đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh “đơn thân” vì việc giáo dục con có ý thức cộng đồng cũng chính là ý thức của cha mẹ, đâu phải vì bận quá mà quên”.
Lời nhắc nhở này chắc không dành riêng cho bà mẹ ấy. Tâm lý đổ lỗi cho hoàn cảnh “đơn thân”, “nhà không có đàn ông/phụ nữ”, “nhà neo người”… không hề hiếm, nếu không nói là khá phổ biến. Từ những việc hữu hình như con cái nghịch ngợm, bản thân trễ giờ, không hoàn tất công việc... đến những hậu quả khó nhìn bằng mắt thường như các trường hợp “sang chấn tâm lý”, “tổn thương”, “trầm cảm”… đều có thể do hoàn cảnh đơn thân, độc thân.
Không phải đến giờ mẹ đơn thân mới gây chú ý trong xã hội, với cộng đồng. Trang Nuôi con một mình - Mẹ làm cha, nhiều nhóm của các bà mẹ đơn thân có hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn thành viên đã ra đời cách đây cả chục năm. Nếu tìm hiểu nghiêm túc sẽ thấy mẹ đơn thân không chỉ là những phụ nữ tự sinh con không cần kết hôn hay ly hôn, góa chồng mà còn bao gồm những phụ nữ quanh năm xa chồng vì công việc, những người vợ “có chồng cũng như không” vì mọi trách nhiệm, công việc nhỏ lớn trong nhà đều được phó thác.
Nhưng có một thực tế rất rõ: số người vượt lên những sự éo le, khó khăn của hoàn cảnh đơn thân, tập trung hoàn toàn vào tình yêu, công việc, nhìn thấu, thấm thía đồng thời tận hưởng những lợi thế của việc một mình làm mẹ, tự thấy hạnh phúc... hoàn toàn không ít.
Rất nhiều bà mẹ đơn thân thành công.
Rất nhiều đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong “gia đình khiếm khuyết” vẫn rất ngăn nắp, có ý thức, được đánh giá là “rất có giáo dục”.
Không có một khảo sát chính xác nào để so sánh và xác tín rằng hoàn cảnh đơn thân của nữ doanh nhân khiến doanh nghiệp của họ phá sản hay không phát triển được.
Cũng chẳng có nghiên cứu khoa học nào cho thấy rằng gia đình trọn vẹn sẽ khiến sức khỏe tâm thần hoặc thể chất của phụ nữ hay nam giới sẽ tốt hơn, họ sẽ sống lâu hơn.
Dù đơn thân, độc thân hay có gia đình đầy đủ, mỗi hoàn cảnh cũng sẽ có những ưu thế, lợi thế khác nhau. Nói đơn giản là ai cũng có niềm vui, nỗi buồn, sự lo lắng, căng thẳng… Tùy tính cách, có người ưa than thở kể lể phàn nàn, có người im lặng tìm cách vượt qua, chỉ khác nhau về cách đối diện và giải quyết mà thôi. Thế nên đơn thân hay độc thân hoặc đầy đủ vợ chồng… cũng đều là hoàn cảnh, không có gì để đổ lỗi khi mắc.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Nghịch cảnh cũng chỉ là hoàn cảnh nhiều thử thách
Câu chuyện thứ hai.
Trong bài luận gửi đến một trường đại học danh tiếng ở Mỹ kỳ tuyển sinh 2017, tác giả bài viết là con của một người mẹ đơn thân đã kể về mong muốn được trở thành người có ích, bắt nguồn từ những ngày sống trong một gia đình không có cha. Người mẹ là lao động chính và duy nhất nuôi dạy, chăm sóc chị em cô nhưng không bao giờ phàn nàn, không bao giờ coi đó là nghịch cảnh. Cô cũng viết rằng bản thân từng thầm trách cha tại sao không phải là một người cha nhiều tiền, có quyền lực, có trách nhiệm, biết chia sẻ để chị em cô được sinh ra ở ngay vạch đích như nhiều người bạn.
Thế nhưng, cuộc sống với những nỗ lực, lạc quan và niềm tin vào chính bản thân của mẹ đã dạy cô rằng: “Nghịch cảnh cũng chỉ là một hoàn cảnh mà nếu ta vẫn có thể làm tốt mọi việc, sống tốt thì những khó khăn lại là những bài tập thử thách để rèn luyện chính mình. Mẹ đã khiến tôi hiểu rằng thái độ luôn coi mình là nạn nhân, luôn ngụy biện và đổ lỗi cho người khác là một lối sống độc hại, sẽ khống chế và triệt tiêu mọi nỗ lực”.
“Thay vì ngồi than trách số phận, cứ đứng lên, làm việc, nhẫn nại, cố gắng, mọi việc sẽ đâu vào đấy” - cô khẳng định. Đoạn kết của bài luận, cô viết rằng chẳng những không còn giận cha mà còn cảm ơn cha và hoàn cảnh đơn thân của mẹ đã khiến cô cố gắng, luôn luôn có mục tiêu rõ ràng và gặt hái nhiều thành công trong học tập đồng thời có được nhiều trải nghiệm, kỹ năng sống mà không phải bạn bè nào cùng trang lứa cũng có được.
Bài luận ấy là một trong những yếu tố quan trọng giúp cô được nhận học bổng. “Tôi thích góc nhìn lạc quan của một học sinh cho thấy tiềm năng cô ấy trở thành một người chính trực và tích cực, có ảnh hưởng tốt đến người khác. Nghịch cảnh cũng chỉ là hoàn cảnh nếu bạn đừng tự ám thị rằng mình vĩnh viễn là nạn nhân. Quan điểm này của người mẹ ảnh hưởng, thấm sâu và giúp người con hình thành thái độ sống tốt” - một giám khảo trong ban tuyển sinh của trường đã nhận xét như thế.
Nếu cho rằng cô gái trong câu chuyện thứ hai gặp vận may thì hãy đọc thêm nhiều câu chuyện khác. Bạn sẽ thấy một cô hoa hậu từng làm giúp việc nhà khi còn đi học, một ngôi sao nhạc rap từng là công nhân vệ sinh nhiều năm, một chuyên gia công nghệ từng là hacker… Nếu tất cả những người ấy tự coi mình là nạn nhân vĩnh viễn của hoàn cảnh, mãi mãi không thể sống khác, làm khác thì cuộc đời họ sẽ ra sao?
Mạnh mẽ hay yếu đuối là tính cách nhưng lạc quan hay bi quan, có niềm tin vào chính mình hay không lại là thái độ sống ta hoàn toàn có thể điều chỉnh.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Ngưng tạo môi trường đổ lỗi
Nhiều năm trước, khi một đứa trẻ đang tập đi ngã xuống, người bà hay người mẹ sẽ “đánh cái nền nhà cho chừa cái tội làm con mẹ/cháu bà đau”. Những người mẹ 9X đã biết cần thay đổi câu đổ lỗi hoàn toàn thiếu khoa học và căn cứ này. Vậy nhưng ý thức tránh đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác thì không phải ai cũng luôn nhớ.
Nếu con mình bị cô phạt, người mẹ sẽ cho rằng cô giáo không hài lòng nên trù dập con. Nếu con mình tranh cãi xô xát với bạn, người mẹ sẽ cho rằng vì bạn lấn lướt con. Nếu con mình ra đường va chạm với người dưng, người mẹ sẽ cho rằng bởi con mình hiền lành hơn nên bị ăn hiếp. Nếu con mình về nhà cãi cọ phân bì, người mẹ sẽ cho rằng bởi người lớn thiên vị… Người làm cha mẹ luôn thấy con mình là người chịu thiệt. Mà con đã chịu thiệt, cha mẹ dễ gì để yên, nhất là các bà mẹ.
Đòi công bằng cho con khi bình tĩnh, khách quan, đúng lý, có tình, giải quyết thấu đáo là cách giúp con vững vàng, có niềm tin vào sự công bằng. Ngược lại, nếu không bình tĩnh, không khách quan, khăng khăng con mình luôn đúng, chỉ người khác mắc lỗi lại là cách tạo môi trường đổ lỗi hoàn hảo, cho con hình thành tâm lý luôn là nạn nhân, luôn bị xử ép, luôn thiếu may mắn.
Những ông bố bà mẹ luôn bênh con vô đối ấy không biết rằng mình đang giúp con dần trở thành nạn nhân của chính mình. Người luôn tự coi mình là nạn nhân hiếm khi nhận ra lỗi của chính mình, cũng khó có cơ hội nhận ra khả năng của bản thân khi cố gắng và nỗ lực.
Lê Lan Anh